Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với bệnh tim mạch

10:12, 28/12/2016

Vào những ngày cuối năm, bệnh nhân đến khám và nhập viện do các bệnh tim mạch ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có xu hướng gia tăng, trong đó nổi lên nhiều là các bệnh, như: cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim...

Vào những ngày cuối năm, bệnh nhân đến khám và nhập viện do các bệnh tim mạch ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có xu hướng gia tăng, trong đó nổi lên nhiều là các bệnh, như: cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim...

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhân tim mạch. Ảnh: N.Thư
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhân tim mạch. Ảnh: N.Thư

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết thông thường cuối năm công việc nhiều, stress nhiều hơn nên dễ ảnh hưởng đến những người bị bệnh tim mạch. Mặt khác, vào cuối năm, thời tiết lạnh dễ làm co thắt mạch vành, cộng thêm ăn uống không kiểm soát, vui quá độ, đi lại nhiều, uống rượu bia ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bị bệnh tim mạch.

* Diễn tiến bệnh âm thầm

Thực tế có nhiều bệnh tim mạch, trong đó có bệnh cao huyết áp và bệnh mạch vành có diễn tiến bệnh rất âm thầm nên nhiều người còn chủ quan, đến khi bệnh nặng, đi khám bệnh mới phát hiện ra hoặc chỉ được phát hiện bệnh tim mạch khi đi khám các bệnh khác. Trong khi đây là 2 căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ do bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc tắc nghẽn mạch máu não, xuất huyết não, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, bệnh cao huyết áp diễn tiến rất âm thầm. Một số người bị đau đầu âm ỉ kéo dài, một số người hay đỏ bừng mặt, nhưng cũng có nhiều người không có triệu chứng gì nổi trội. Thậm chí, có người đột ngột bị đột quỵ, xuất huyết não mới biết nguyên nhân do huyết áp cao. Tương tự, bệnh mạch vành cũng có biểu hiện bệnh không rõ ràng, có đến 50% bệnh nhân không có triệu chứng đau ngực; có một số cảm thấy đau ngực khi gắng sức nhưng cũng có người không có biểu hiện gì cho đến khi cảm thấy khó thở, đi khám bệnh mới phát hiện ra bệnh lý mạch vành, có suy tim.

Do đó, việc khám, tầm soát và sàng lọc bệnh tim mạch rất quan trọng, giúp phòng ngừa bệnh cho những người có nguy cơ cao; phát hiện điều trị bệnh sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm. Những người có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch là: có tiền căn gia đình cũng mắc bệnh tim mạch, hút thuốc lá, uống rượu bia, có thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ, béo phì, rối loạn lipid máu... Những người có từ 3 yếu tố nguy cơ trở lên sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Độ tuổi có nguy cơ bị cao huyết áp từ 60 tuổi trở lên, một số từ 40 tuổi trở lên; độ tuổi có nguy cơ bị bệnh mạch vành từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, từ 65 tuổi trở lên đối với nam.

* Phòng ngừa bệnh tim mạch

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, nhất là vào thời điểm thời tiết chuyển lạnh như hiện nay, theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân cần giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với khí lạnh đột ngột hoặc tiếp xúc với cái nóng đột ngột dễ gây co thắt mạch vành. Đồng thời, vào dịp cuối năm nên tránh căng thẳng, lo âu quá mức; có thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: hạn chế uống nhiều rượu bia, không ăn chất béo, ít ăn mặn, bỏ hút thuốc lá, tránh thức khuya...

Ngoài ra, người bị bệnh tim mạch cần chú ý uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhất là những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp, suy tim, tiền sử mắc bệnh mạch vành... Bình thường đang uống thuốc thì trong những ngày cuối năm này càng đặc biệt lưu ý, uống thuốc đúng, đều đặn. Đặc biệt, những người bị bệnh tim mạch đã được can thiệp tim mạch, can thiệp mạch máu não nhưng để phòng ngừa bệnh tái phát trở lại phải điều trị nội khoa bằng thuốc liên tục, kéo dài đến suốt đời để tránh bị tắc nghẽn mạch vành, tắc mạch máu não trở lại.

Đáng chú ý, việc tập thể dục mỗi ngày rất tốt cho những người bị bệnh tim mạch, cũng như để phòng bệnh tim mạch cho những người không bị bệnh tim mạch. Đối với người bình thường, tốt nhất là đi bộ mỗi ngày từ ít nhất 30 phút, ít nhất 5 ngày/tuần. Đối với người bị bệnh tim mạch, có thể đi bộ nhẹ nhàng từ 15-30 phút /ngày. Khi đi bộ, toàn thân đều vận động, nhịp tim nhanh lên, các mạch máu giãn nở, quá trình trao đổi chất tăng lên và kết quả hạn chế được rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh về tim mạch.

Ngọc Thư (ghi)

Tin xem nhiều