Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng dạy trẻ nói dối

11:12, 26/12/2016

Anh bạn có cô con gái đang học lớp 3 một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa hào hứng khoe trên facebook bài văn tả về quê hương mà con gái được cô giáo cho làm để chuẩn bị kỳ thi hết học kỳ I. Bài văn được viết nắn nót, chữ khá đẹp, giọng văn mềm mượt, câu cú đâu ra đấy.

Anh bạn có cô con gái đang học lớp 3 một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa hào hứng khoe trên facebook bài văn tả về quê hương mà con gái được cô giáo cho làm để chuẩn bị kỳ thi hết học kỳ I. Bài văn được viết nắn nót, chữ khá đẹp, giọng văn mềm mượt, câu cú đâu ra đấy. 

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Sẽ không có vấn đề gì nếu như comment của bạn bè anh bạn bỗng phát hiện ra… điều không thật trong bài văn của cô bé. Chẳng hạn như trong bài làm quê nội em ở Bến Tre, nhưng thực ra là Hải Phòng. Quê nội của bé trong thực tế không có hàng dừa thẳng tắp cũng chẳng có dòng kênh hay ruộng lúa xanh mơn mởn. Bé cũng chưa một lần được tắm sông hay ngồi xuồng đi thăm xóm cùng ông… Thừa nhận với bạn bè trên facebook, anh bạn chỉ biết cười trừ: “Cô dạy bé viết thế, về học cho thuộc để chuẩn bị thi”.

Không phải đến bây giờ, câu chuyện về hàng loạt những bài văn giống nhau trong cùng một lớp học mới xảy ra. Thậm chí, học sinh nào muốn sáng tạo thêm cũng khó vì… cô dặn thế. Vậy là, nếu tả về mẹ thì công việc một là cô giáo, hai là bác sĩ. Mẹ bạn nào cũng có nước da trắng hồng, khuôn mặt trái xoan. Tả về gia đình thì sao cũng phải có thói quen đi chơi công viên hay siêu thị… Học sinh vô tư chép về học thuộc mà không cần biết bài văn đó có đúng với hoàn cảnh và cảm xúc thật của mình hay không.

Học văn là học để làm người. Văn học hướng con người đến những cảm xúc đẹp, biết yêu thương và sẻ chia. Thế nhưng ngày càng ít học sinh thích học văn và gắn bó với môn học này. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó chính là cảm hứng cho văn học không được nuôi dưỡng và phát  triển từ bậc học phổ thông.

Cô giáo một trường tiểu học thật thà chia sẻ, lớp có hơn 50 học sinh nhưng số em học văn được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, để chuẩn bị cho kỳ thi, cô thường phải soạn sẵn bài văn mẫu sau đó gợi ý cho học sinh thêm thắt vào. “Chỉ cần học sinh viết đúng ý là đã có điểm rồi. Mà chấm chi li về câu chữ thì khó có em nào đạt điểm cao” - cô nói.

Cũng thật khó trách giáo viên khi phải sử dụng đến biện pháp chẳng đặng đừng, vì không thể làm khác do lo sợ ảnh hưởng đến thành tích học tập chung của lớp, của trường. Thế nhưng nếu tình trạng này cứ kéo dài, trong tương lai rất gần, sẽ còn bao nhiêu học sinh cảm thấy yêu văn để có thể trở thành nhà văn, nhà thơ hay đơn giản hơn là những con người có tâm hồn biết yêu cái đẹp, căm giận cái xấu. Hay để rồi những cảm xúc đẹp cứ trôi đi, tâm hồn con người trở nên chai sạn, vô cảm với thế giới xung quanh mình.

 Cứ để cho học sinh tự do sáng tạo bằng ngòi bút của mình, viết và cảm nhận những điều chúng nghĩ. Dù văn có chưa hay, câu cú còn lủng củng nhưng đó là tư duy, cảm xúc thật, là cái mà các em đang có và cần hoàn thiện. Đừng tiếp tục dạy trẻ nói dối dù kết quả thi là những con số làm đẹp lòng người.

Minh Ngọc

 

 

Tin xem nhiều