Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26-12): Dân số cơ học tăng nhanh

10:12, 25/12/2016

Đồng Nai là một trong những tỉnh có dân số đông với hơn 3,2 triệu dân. Điều này đặt ra cho Đồng Nai không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển.

Đồng Nai là một trong những tỉnh có dân số đông với hơn 3,2 triệu dân. Điều này đặt ra cho Đồng Nai không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển.

Nhiều người cao tuổi phải sống chung với những bệnh mãn tính. Trong ảnh: Đông bệnh nhân cao tuổi chờ đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư
Nhiều người cao tuổi phải sống chung với những bệnh mãn tính. Trong ảnh: Đông bệnh nhân cao tuổi chờ đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết thực tế công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh được thực hiện khá tốt, nhiều năm liền giữ vững mức sinh thấp và hợp lý nhưng dân số vẫn tăng là do người dân từ các tỉnh, thành khác di chuyển đến Đồng Nai để lập nghiệp. Chỉ trong vòng 8 năm (2008-2016), dân số ở Đồng Nai đã tăng gần 1 triệu người, chủ yếu là tăng dân số cơ học.

Áp lực lớn

Nhiều năm qua, tổng nguồn vốn tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội rất lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, như: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành. Hiện vẫn còn tình trạng thiếu trường học ở TP.Biên Hòa; thiếu nhà ở xã hội, khu vui chơi, giải trí cho công nhân, người lao động; cơ sở khám, chữa bệnh dù phát triển nhiều loại hình xã hội hóa nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, trong đó có công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân; tình trạng kẹt xe, ngập nước ngày càng trầm trọng...

Đồng Nai là tỉnh có dân số đông nhất miền Nam là do tăng dân số cơ học. Trong ảnh: Tình trạng kẹt xe diễn ra rất thường xuyên sau giờ tan ca tại các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải
Đồng Nai là tỉnh có dân số đông nhất miền Nam là do tăng dân số cơ học. Trong ảnh: Tình trạng kẹt xe diễn ra rất thường xuyên sau giờ tan ca tại các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Một trong những địa phương đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước tình trạng dân số đông là TP.Biên Hòa, có dân số đông dân nhất tỉnh với gần 1 triệu dân, chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh, trong đó có tỷ lệ dân nhập cư lớn. Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết hiện thành phố đang cần nguồn vốn lên đến chục ngàn tỷ đồng để đầu tư các dự án. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề “nóng” hiện nay, như: mở rộng hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình chống ngập.

Nỗi lo dân số già

Một vấn đề của dân số đang được quan tâm hiện nay ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng chính là xu hướng già hóa dân số ngày càng tăng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Trần Phương Hoa, Đồng Nai bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 đến nay. Tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số, trong đó người trên 65 tuổi chiếm đến 7% dân số.

Nguyên nhân dẫn đến xu hướng dân số già là do tuổi thọ ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ngày càng giảm. Nếu như năm 2001, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,38% thì năm 2008 là 1,83%, năm 2016 chỉ còn 0,97%. Hiện nay nhận thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như ý thức tham gia kế hoạch hóa gia đình ở phụ nữ trong tỉnh rất được chú trọng. Mặc dù chưa đến mức báo động, nhưng thực tế phụ nữ ở cả thành thị lẫn nông thôn đang có xu hướng sinh ít con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Đồng Nai hiện thấp nhất cả nước, với 5,39%.

Ngoài ra, chất lượng sống của người cao tuổi cũng là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Dù tuổi thọ của người cao tuổi trong tỉnh có tăng nhưng nhiều người cao tuổi vẫn phải đối diện với tình trạng ốm đau, bệnh tật, nhất là những bệnh mãn tính không lây nhiễm, với thời gian điều trị bệnh liên tục, tốn kém. Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, riêng phòng khám tim mạch và phòng khám lão khoa, bệnh nhân là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm đến 50%, đa phần là cán bộ hưu trí với các bệnh: tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim cục bộ, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường... Mỗi người có từ một đến nhiều bệnh mãn tính cùng lúc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Để người cao tuổi sống khỏe, sống có ích, Đồng Nai vừa mới triển khai đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm nâng cao vị thế người cao tuổi, tạo cơ hội, sân chơi cho người cao tuổi thể hiện hết kinh nghiệm, tài năng của mình. Ngoài duy trì và nhân rộng các mô hình sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho người cao tuổi, cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng bệnh cho người dân ở tận các xã, phường. Có như vậy mới giúp người dân, nhất là người cao tuổi phòng được những bệnh không lây nhiễm để nâng cao chất lượng sống ngày càng tốt hơn nữa.

Kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết chủ đề Ngày Dân số Việt Nam năm 2016 là: “55 năm truyền thống công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã từng bước đạt được nhiều thành tựu to lớn, cụ thể: duy trì vững chắc xu thế giảm sinh; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai đến 76%; kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, được giữ ở mức hợp lý duy trì ở mức 107 bé trai/100 bé gái; sàng lọc sơ sinh và trước sinh ngày càng được mở rộng; sức khỏe bà mẹ và trẻ em từng bước được nâng cao.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều