Báo Đồng Nai điện tử
En

Mơ về những ngôi nhà...

09:04, 02/04/2017

Đã 46 tuổi, 15 năm đi ở trọ nhưng bà Nguyễn Thị Thanh, quê Quảng Trị, công nhân Công ty TNHH Hava's (huyện Vĩnh Cửu) vẫn chưa biết đến bao giờ mình mới có thể thoát được cảnh ở trọ.

Đã 46 tuổi, 15 năm đi ở trọ nhưng bà Nguyễn Thị Thanh, quê Quảng Trị, công nhân Công ty TNHH Hava’s (huyện Vĩnh Cửu) vẫn chưa biết đến bao giờ mình mới có thể thoát được cảnh ở trọ.

Không gian bếp chật hẹp trong căn phòng trọ của 3 mẹ con bà Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty TNHH Hava’s (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: P.HẰNG
Không gian bếp chật hẹp trong căn phòng trọ của 3 mẹ con bà Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty TNHH Hava’s (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: P.HẰNG

* Cả tuổi trẻ gắn với phòng trọ

Hiện nay, 60% lao động trong các doanh nghiệp ở Đồng Nai là người ngoài tỉnh, do vậy nhu cầu về nhà ở rất cấp thiết. Nhưng tỉnh mới chỉ giải quyết về chỗ ở cho khoảng 20 ngàn lao động (khoảng 9% nhu cầu). Tỉnh đang tiếp tục thực hiện mục tiêu chương trình nhà ở của tỉnh giai đoạn 2016-2020, dự kiến xây dựng khoảng 17.818 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, song chương trình đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Thanh chia sẻ, chồng mất để lại 2 con thơ cùng gia cảnh nghèo đói và cha mẹ già 2 bên. Lúc đó, bà như muốn khuỵu ngã nhưng vì con, bà phải đứng lên. Đến năm 2002, bà quyết định để con ở lại quê nhà nhờ ông bà chăm sóc, vào Đồng Nai làm công nhân. Thời điểm đó, giá thuê một phòng trọ diện tích hơn 10m2 là 300 ngàn đồng/tháng, trong khi lương của chị chỉ
500-700 ngàn đồng/tháng. Vì thế để có chút tiền gửi về quê nuôi con, bà Thanh không dám chi tiêu mua sắm cho bản thân và xin đi tăng ca hết các ngày trong tuần, kể cả lễ, tết nếu công ty có nhu cầu.

Vào Đồng Nai đã nhiều năm nhưng cuộc sống của bà chẳng có gì thay đổi, sáng đi làm, tối lại về với 4 bức tường phòng trọ. Thay đổi đến với bà chỉ có giá thuê phòng trọ giờ đã tăng lên 800 ngàn đồng/tháng; 2 con trai của bà một học hết lớp 10, một học hết lớp 8 đều đã bỏ học, giờ cũng vào Đồng Nai làm công nhân. Hiện tại, thu nhập của 3 mẹ con được khoảng 13 triệu đồng/tháng, không còn thiếu thốn như trước nhưng không biết đến bao giờ mới dư dả để mua được nhà.

* Bao giờ mới thành hiện thực?

Chị Đậu Thị Ái, quê Hà Tĩnh, công nhân Công ty TNHH Việt Nam NOK
(Khu công nghiệp Amata TP.Biên Hòa) thì bùi ngùi: “Tôi ở trọ từ lúc chưa lấy chồng, nay đã lấy chồng, có một con và chuẩn bị sinh tiếp đứa thứ 2, vẫn ở trọ. Lương  vợ chồng tôi hơn 10 triệu đồng/tháng. Riêng tiền thuê nhà cộng với tiền điện và nước đã hết 1,3 triệu đồng/tháng; tiền học của con hơn 1 triệu đồng/tháng, rồi tiền sữa và đủ thứ khác… Tháng nào tằn tiện lắm và không có chuyện bất thường xảy ra thì tiết kiệm được 1,5 triệu đồng. Với số tiền như thế, đến bao giờ vợ, chồng tôi mới mua được nhà?”.

Anh Nguyễn Thành Long, công nhân Công ty TNHH KumKang Vina (Khu công nghiệp Amata TP.Biên Hòa) bày tỏ, Nhà nước nên có chính sách cho công nhân mua nhà trả góp hoặc các cấp Công đoàn liên kết với ngân hàng, giúp công nhân được vay vốn mua nhà. Hiện nay, anh và nhiều công nhân khác đau đáu mong chờ Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân.

Ông Vũ Hoàng Sơn, Phó trưởng phòng Lao động - chính sách Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết 10 năm nay, năm nào Chính phủ cũng điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp, nhằm từng bước cải thiện đời sống công nhân lao động. Tuy nhiên, việc tăng lương chưa phải là giải pháp căn cơ mà đi cùng với đó cần có nhiều giải pháp khác, trong đó có nhà ở cho công nhân.

Phương Hằng

 

Tin xem nhiều