Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đột phá để phát triển

10:08, 23/08/2017

Từ "vùng trắng" về công nghệ thông tin, đến nay hàng loạt ứng dụng về công nghệ thông tin đã len lỏi đến từng xã, ấp vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được nuôi, trồng thử nghiệm, nhân rộng mang lại thu nhập và đời sống cao cho nông dân.

Từ “vùng trắng” về công nghệ thông tin, đến nay hàng loạt ứng dụng về công nghệ thông tin đã len lỏi đến từng xã, ấp vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được nuôi, trồng thử nghiệm, nhân rộng mang lại thu nhập và đời sống cao cho nông dân.

Đại diện Bộ Khoa học - công nghệ (trái) trao cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 cho Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, PGS.TS Phạm Văn Sáng. Ảnh: H.DUNG
Đại diện Bộ Khoa học - công nghệ (trái) trao cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 cho Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, PGS.TS Phạm Văn Sáng. Ảnh: H.DUNG

Đó là 2 trong số những thành tựu nổi bật trong 40 năm hình thành và phát triển ngành khoa học - công nghệ (KHCN) của tỉnh.

* Những thành tựu đáng mừng

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thách thức của nền công nghiệp 4.0, ngành KHCN của tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện với các vùng, trung tâm, viện nghiên cứu, các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền KHCN phát triển để nâng cao hơn nữa trình độ của cán bộ KHCN; tìm kiếm các công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến, các giống cây, con mới phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Khi mới thành lập, ngành KHCN tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp, môi trường, sáng tạo kỹ thuật.

Từ năm 2003, ngành ưu tiên 2 lĩnh vực: nông nghiệp và cải cách hành chính, đồng thời xác định 3 chương trình mũi nhọn là: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KHCN, cho hay với mục tiêu phát triển KHCN gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực đã cho thấy sự thành công trong đổi mới, quản lý KHCN.

Các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân. Các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghiệp phục vụ thiết thực cho phát triển ngành sản xuất công nghiệp, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng ở lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhân văn góp phần bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hóa lịch sử, truyền thống cách mạng của Đồng Nai...

Hơn 2 ngàn học viên hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học do Sở KHCN chủ trì là đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao của tỉnh. Đội ngũ này đang và sẽ đóng góp chất xám trên hầu hết các lĩnh vực.

Bác sĩ Nguyễn Gió, Phó giám đốc Trung tâm pháp y Đồng Nai, bộc bạch: “Tham gia chương trình sau đại học cho tôi kiến thức, chuyên môn vững vàng hơn, làm việc hiệu quả hơn và được giao giữ trọng trách cao hơn”.

Nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, ngành KHCN đã triển khai đồng loạt các hoạt động gây hiệu ứng cao như: phổ cập trình độ A tin học cho 7 ngàn lượt cán bộ xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng trình độ B tin học cho 500 cán bộ lãnh đạo; triển khai đề án đưa thông tin KHCN về nông thôn bằng việc xây dựng và đưa vào hoạt động 148 điểm cung cấp thông tin KHCN; triển khai dự án đưa internet về vùng sâu vùng xa bằng công nghệ VSAT-IP... giúp người dân tiếp cận với KHCN một cách dễ dàng, hiệu quả.

* Đổi mới để hội nhập và phát triển

Không dừng lại ở những kết quả trên lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã đạt được trong thời gian qua, bà Đỗ Ngọc Thanh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Sở KHCN, cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát; tập trung nghiên cứu, áp dụng mã số, mã vạch giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp dữ liệu sản phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh từng nhận xét: Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới quản lý, đầu tư phát triển KHCN. Những kết quả về KHCN của tỉnh thời gian qua là điểm sáng để nhiều địa phương học tập, noi theo như trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; triển khai các đề tài, dự án; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng...

Để nâng cao hiệu quả từ các nghiên cứu, ứng dụng, PGS.TS Phạm Văn Sáng cho biết, Sở xác định đổi mới phương thức quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính là khâu đột phá.

"Cần xóa bỏ cơ chế xin - cho, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng của các ngành, các cấp nhằm tuyển chọn tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia thực hiện nghiên cứu KHCN. Đồng thời, sở sẽ tạo điều kiện và môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các cá nhân, tổ chức KHCN của tỉnh tham gia thực hiện các đề tài, dự án KHCN có hàm lượng công nghệ cao và các dịch vụ kỹ thuật” - PGS.TS Phạm Văn Sáng nói. 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán, trao đổi công nghệ và cơ chế đặc thù cho việc giải mã công nghệ, ngành KHCN sẽ triển khai mô hình hợp tác công - tư để đẩy nhanh, mạnh việc hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Làm sao để các doanh nghiệp hào hứng tham gia đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh cũng là điều mà ngành KHCN hướng tới.

Muốn làm được những điều đó, điều kiện thiết yếu là phải có nguồn nhân lực KHCN đủ mạnh. Do đó những cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao sẽ được ngành kiến nghị thực hiện. Từ đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đóng trên địa bàn tỉnh tham gia vào thị trường công nghệ, triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các giao dịch mua bán công nghệ.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều