Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng bước cho người nghèo

11:09, 25/09/2017

Từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, tạo việc làm,...

Từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, tạo việc làm, đầu tư cho con đi học và làm công trình sinh hoạt thiết yếu.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai.

Nhờ các chương trình cho vay này mà trong 15 năm qua đã có hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách của tỉnh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từ đó thoát nghèo bền vững; học sinh, sinh viên được học tập, học nghề và có việc làm ổn định.

* Cứu cánh cho người nghèo

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: “Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh từ 8,6% cuối năm 2002 xuống còn 1,91% cuối năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; đồng thời góp phần vào thành tích chung của tỉnh là có 6/11 đơn vị cấp huyện và 119/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Gia đình bà Ka Đời, người dân tộc Mạ, trước đây là hộ nghèo của ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Có đất rộng nhưng lại thiếu kiến thức sản xuất và nhất là thiếu vốn nên cuộc sống của gia đình bà Ka Đời rất chật vật.

Bà Ka Đời cho biết: “Trong lúc gia đình tôi loay hoay không biết vay vốn ở đâu để sản xuất thì được cán bộ Hội phụ nữ mời tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn tại ấp 4, xã Tà Lài. Năm 2011 tôi được vay 11 triệu đồng để trồng 6 hécta điều. Sau khi trả nợ đúng hạn, tôi được vay lần 2 số tiền 15 triệu đồng để tiếp tục sản xuất. Đầu năm 2017, tôi được vay lần 3 với số tiền 30 triệu đồng để duy trì và mở rộng sản xuất. Các con của tôi còn được vay từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên để đi học, đến nay đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm”.

Gia đình bà Ka Đời đã thoát nghèo từ cuối năm 2015. Hiện nay, gia đình bà Ka Đời đang nuôi 5 con trâu, 4 con dê sinh sản và trồng 1,5 hécta điều, thu nhập hàng năm từ 70-80 triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) cách đây 5 năm đã được cho vay 30 triệu đồng, mua được 2 con bò sinh sản và đầu tư trồng cây măng cụt. Chỉ 1 năm sau, 2 bò mẹ đã sinh được 2 bê con. Đàn bò cứ thế được nhân lên sau 5 năm.

Theo ông Dũng: “Nuôi bò ít bị bệnh, tiết kiệm được chi phí thức ăn, đỡ tốn công chăm sóc”. Vườn măng cụt cũng phát triển tốt nên gia đình ông đã thoát nghèo vào cuối năm 2014, thu nhập hàng năm hiện từ 80-100 triệu đồng.

Một hộ khác cũng ở ấp Trần Cao Vân là bà Võ Thị Hạnh có 3 con học đại học ở  TP.Hồ Chí Minh đều nhờ tiền vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình bà đang vay vốn 3 chương trình tín dụng với số tiền 117 triệu đồng, trong đó chương trình tín dụng học sinh, sinh viên 75 triệu đồng; chương trình hộ nghèo 30 triệu đồng để trồng nửa hécta điều; vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 12 triệu đồng.

* Thay đổi cuộc sống

Được vay vốn sản xuất để nuôi dê, bò, gà, cá và năm 2017 đã thoát nghèo, gia đình bà Lê Thị Thiết ở ấp 5, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đang vay từ chương trình hộ nghèo 50 triệu đồng để duy trì và phát triển sản xuất. Bà Thiết còn có 2 con học đại học tại TP.Hồ Chí Minh được vay 70,5 triệu đồng để học tập, tới nay đã tốt nghiệp, có việc làm ổn định.

Bà Thiết vui mừng khoe: “Đàn dê nhà tôi lúc nào cũng duy trì trên 10 con, gà ta thả vườn, vịt trên 100 con, ao cá rộng 8 sào năm nào cũng cho thu hoạch từ 80-100 triệu đồng”.

Với các hộ nghèo, nhất là hộ đông con, thiếu đất sản xuất lẫn kinh nghiệm làm ăn, thì việc tiếp cận các nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng rất khó khăn. Đó là chưa kể tới thủ tục cho vay thường đòi hỏi khắt khe, lãi suất theo thị trường, nhất là phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội - được ví như ngân hàng của người nghèo, lại rất thuận lợi, với thủ tục đơn giản.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai Huỳnh Công Nam chia sẻ: “Việc tổ chức 163 điểm giao dịch tại cấp xã đã đưa hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội xuống xã, đến gần dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vay vốn và trả nợ, tiết kiệm chi phí cho người vay”.

Từ 2 chương trình cho vay vào năm 2003, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang thực hiện 14 chương trình tín dụng. Không chỉ cho vay để sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm, đầu tư cho học sinh, sinh viên học tập, ngân hàng còn có chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ người nghèo về nhà ở...

Hiện có gần 100 ngàn hộ đang vay trên 2.018 tỷ đồng. Nhờ việc xét cho vay đúng đối tượng, sự phối hợp tốt của các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở các ấp, khu phố và chính quyền, hội đoàn thể các xã, phường, thị trấn trong hướng dẫn đối tượng vay sử dụng vốn đúng mục đích nên tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều