Báo Đồng Nai điện tử
En

Để học trò "ngấm" kỹ năng sống

07:10, 17/10/2017

Ngay từ đầu năm học mới, Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông. Các buổi giáo dục kỹ năng sống trở nên sôi động, cuốn hút hơn khi có mặt của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm với cách truyền đạt cuốn hút.

Ngay từ đầu năm học mới, Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông. Các buổi giáo dục kỹ năng sống trở nên sôi động, cuốn hút hơn khi có mặt của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm với cách truyền đạt cuốn hút.

Luật sư Vũ Ngọc Hà nói chuyện về tác hại của ma túy với học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa).Ảnh: C.Nghĩa
Luật sư Vũ Ngọc Hà nói chuyện về tác hại của ma túy với học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa).Ảnh: C.Nghĩa

Theo Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT, năm học 2017-2018 sẽ triển khai 5 nội dung ngoại khóa kỹ năng sống đến với học sinh các trường phổ thông trong tỉnh để giúp học sinh hiểu biết và tự tin trong các hoạt động.

* Mềm hóa giáo dục kỹ năng sống

Hỗ trợ các trường nâng chất giáo dục kỹ năng sống

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết trong học kỳ I (năm học 2017-2018), Sở GD-ĐT đặt mục tiêu sẽ tổ chức mời chuyên gia về sinh hoạt kỹ năng sống ở 100 trường, nhưng tới nay đã được 50 trường với trên 30 ngàn học sinh. Đặc biệt, đã có trên 500 giáo viên là cán bộ, giáo viên, tổng phụ trách Đội của các trường phổ thông đã được tập huấn bồi dưỡng kỹ năng sống để triển khai tại trường của mình.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) là người dẫn dắt những câu chuyện về tác hại của ma túy cho học sinh nhiều trường nghe. Những buổi nói chuyện thường diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ nhưng không hề nhàm chán với học sinh.

Để học sinh hứng thú, luật sư Hà đã chuẩn bị khá chu đáo. đó là những hình ảnh minh họa về từng loại ma túy, những câu chuyện cụ thể về tác hại của ma túy và những hình phạt cho tội danh buôn bán ma túy...

Khi luật sư Hà trình chiếu hình ảnh danh thủ bóng đá trên màn hình, và hỏi học sinh có biết đây là ai, thì gần như các nam sinh đồng thanh: Maradona. Còn với các học sinh nữ, khi luật sư Hà trình chiếu hình ảnh nữ ca sĩ Britney Spears, và hỏi ca sĩ này được mệnh danh là gì, thì có rất nhiều em biết đây chính là “Công chúa nhạc Pop”, người từng thiết lập kỷ lục về doanh thu trên thị trường âm nhạc thế giới.

Khi luật sư Hà nói về ma túy đã hủy hoại danh tiếng, sức khoẻ, nhan sắc và gia đình 2 người nổi tiếng một thời là Maradona và Britney Spear như thế nào, các em học sinh đều im lặng chăm chú lắng nghe. Có học sinh đã đứng lên trình bày ngay bài học mình rút ra từ những câu chuyện được chuyên gia kể.

Một bài học cụ thể, điển hình về hậu quả của ma túy ngay tại Việt Nam cũng được luật sư Hà mang tới cho học sinh nhiều trường, đó là trường hợp của Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. Để có tiền trả nợ và sử dụng ma túy, năm 2011 Luyện đã giết 4 người trong một gia đình rồi cướp tài sản. Luyện chưa tới tuổi vị thành niên nên không bị kết án tử hình nhưng cũng phải lãnh tới 18 năm tù giam. Tuy nhiên, hậu quả đau lòng hơn là Luyện đã để lại cho cha mẹ mình cũng như gia đình các nạn nhân những vết thương tinh thần không thể lành.

* Tạo hứng thú với học trò

Em Đỗ Ngọc Tuấn Tú, học sinh lớp 9 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, sau khi được tham dự một buổi sinh hoạt kỹ năng sống về ma túy, cho biết: “Em đã được nghe nói về ma túy rất nhiều, nhưng nhờ luật sư Hà em mới biết ma túy có nhiều loại và hậu quả khủng khiếp như vậy. Em cảm thấy sợ khi được nghe kể về sự hủy hoại của ma túy với con người bằng những câu chuyện ấn tượng, có thể nghe một lần là nhớ được ngay”.

Chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT Đỗ Thanh Tâm cho biết kỹ năng sống cho học sinh là một đòi hỏi rất cấp thiết hiện nay, nhưng không dễ trang bị. Nhiều học sinh muốn học kỹ năng sống nhưng nhà trường lại thiếu giáo viên có nghiệp vụ nên dạy “chưa tới”. Thực tế khi Sở GD-ĐT đưa các chuyên gia kỹ năng có kiến thức, kinh nghiệm về nói chuyện kỹ năng sống thì học sinh rất hào hứng với nhiều cảm xúc khác nhau, có khi lặng đi vì câu chuyện quá sâu sắc, xúc động, có khi học sinh lại rất sôi nổi thảo luận, đặt rất nhiều câu hỏi với chuyên gia… 

Năm học 2016-2017 đã có trên 250 trường phổ thông được Sở GD-ĐT mời các chuyên gia có kinh nghiệm về nói chuyện chuyên đề kỹ năng sống cho học sinh, điển hình là TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh), TS.Lê Minh Công (Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh)... Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã kết nối với nhiều sở, ngành, đơn vị, chuyên gia kinh nghiệm để triển khai hoạt động kỹ năng sống được phong phú, đa dạng.

Còn trong năm 2017-2018 này, Sở GD-ĐT đã và đang đưa 5 nội dụng giáo dục kỹ năng sống vào các trường phổ thông, gồm: giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy, bình đẳng giới, an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản vị thành niên và hoạt động tuyên truyền về biển đảo Việt Nam. Đến nay đã có 2 chuyên đề là giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy và bình đẳng giới được Sở GD-ĐT mời chuyên gia về các trường triển khai cho học sinh. Dự kiến các chuyên đề còn lại sẽ được chuyển tải tới học sinh trong suốt cả năm học.

TS.Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho biết xã hội với nhiều thay đổi tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt là tác động của mạng xã hội đã và đang tác động không nhỏ tới suy nghĩ và hành vi của học sinh. Do đó, việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh là cần thiết để có thể giúp các em có các kỹ năng phòng tránh những yếu tố tiêu cực.

Muốn có kỹ năng sống tốt, học sinh rất cần sự trải nghiệm được định hướng đúng bởi gia đình, nhà trường. Việc đưa những buổi sinh hoạt ngoại khóa về kỹ năng sống vào trường học với nhiều nội dung khác nhau là rất bổ ích, thú vị, giúp cho học sinh thích thú hơn là chỉ ngồi trên lớp nghe và ghi chép, ít tương tác trải nghiệm.

Tuy nhiên, TS.Công cũng cho rằng việc sinh hoạt ngoại khóa kỹ năng sống muốn hiệu quả cần phải làm liên tục. Căn bản về lâu dài, ngành GD-ĐT cần phối hợp để đào tạo thêm nghiệp vụ giáo dục kỹ năng sống đội ngũ giáo viên để giáo viên sẽ là lực lượng nòng cốt để giáo dục chính cho học sinh của trường mình.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều