Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn xung đột trong bệnh viện

08:11, 06/11/2017

Tại Đồng Nai tuy chưa xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế như một số địa phương khác, nhưng tình hình gây rối an ninh trật tự trong các bệnh viện vẫn thường xảy ra.

Tại Đồng Nai tuy chưa xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế như một số địa phương khác, nhưng tình hình gây rối an ninh trật tự trong các bệnh viện vẫn thường xảy ra.

Khoa cấp cứu dễ xảy ra bức xúc, xung đột giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế nhất. Trong ảnh: Điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sơ cứu cho một ca tai nạn giao thông.Ảnh: Đ.Ngọc
Khoa cấp cứu dễ xảy ra bức xúc, xung đột giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế nhất. Trong ảnh: Điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sơ cứu cho một ca tai nạn giao thông.Ảnh: Đ.Ngọc

Một trong những nguy cơ dễ gây xung đột nhất chính là khi bệnh viện không thể giải quyết yêu cầu cho bệnh nhân tử vong chưa rõ nguyên nhân, như: tai nạn giao thông, đả thương, tai nạn lao động, ngộ độc, tự tử… về nhà ngay như ý của gia đình. Những trường hợp này, bệnh viện phải giữ lại để mời cơ quan công an, pháp y làm việc xong mới được cho về theo quy định.

Đe dọa “cướp” xác

Từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã xảy ra 2 vụ đòi “cướp” xác bệnh nhân với sự tham gia của hàng chục người. Mới đây, một nhóm khoảng 20 người là người nhà của một bệnh nhân bị tử vong do tai nạn giao thông đã gây áp lực lên đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện để đòi đưa xác người thân mang về mai táng ngay, không chịu đợi cơ quan công an đến làm việc theo đúng quy trình, dù nhân viên y tế đã giải thích rõ nhưng họ không chấp hành. Đội bảo vệ của bệnh viện đã khéo léo phối hợp cùng Công an phường Tân Biên và Cảnh sát 113 giải quyết tốt vụ việc.

Quan trọng là thái độ ứng xử

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho rằng trong các trường hợp người nhà bệnh nhân bức xúc, quan trọng nhất là thái độ ứng xử của nhân viên y tế, cần giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhân, ứng xử mềm dẻo và phải lường trước được nguy cơ phức tạp để báo cơ quan công an phối hợp giải quyết. Ngành y tế cũng đã ký quy chế phối hợp với ngành công an về đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trong các bệnh viện. Khi có vấn đề gì, ngành công an luôn sẵn sàng hỗ trợ kịp thời.

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng xảy ra nhiều vụ dọa đòi “cướp” xác như trên. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết ngoài những ca tử vong không rõ nguyên nhân, khó khăn nhất là những ca tai nạn giao thông nặng, tiên lượng tử vong, người nhà xin về nhưng ngoài thẩm quyền giải quyết của bệnh viện vì phải báo cơ quan công an. Nếu công an ở TP.Biên Hòa còn đến nhanh, ở các huyện đến lâu hơn khiến thân nhân bệnh nhân phải chờ đợi rất dễ nổi nóng, gây hấn với nhân viên y tế.

Về vấn đề này, Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị các bệnh viện phải chấp hành theo đúng quy định. Đối với các trường hợp không thể cứu chữa hoặc tử vong không phải do bệnh lý, trong vòng 24 giờ phải báo cơ quan công an cấp huyện để kiểm tra, xác minh thông tin, không cho gia đình của nạn nhân nhận xác về mai táng.

“Nóng” nhất là khoa cấp cứu

Một trong những khoa phải đối diện với nguy cơ bị hành hung cao nhất chính là khoa cấp cứu của các bệnh viện. Nguyên nhân chính vẫn là do người dân bức xúc khi thấy người thân của mình chưa được quan tâm, lại không được nhân viên y tế giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh. Đơn cử như ông Đ.T.P. (TP.Biên Hòa) cho rằng bác sĩ, nhân viên khoa cấp cứu của một bệnh viện tuyến tỉnh đã không cấp cứu cho người thân của ông chu đáo. Ông đã phản ứng bằng việc quay phim lại, gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu trong khoa nên bảo vệ mời ông P. ra nhưng ông không chấp hành, không hợp tác gây mất trật tự tại bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết mỗi ngày khoa cấp cứu thường tiếp nhận khoảng 200ca/ngày, lễ tết gần 300 ca/ngày nên các bác sĩ làm việc rất áp lực. Trong quy trình cấp cứu, bác sĩ sẽ ưu tiên cấp cứu những ca nặng trước, ca nhẹ sau nhưng người nhà bệnh nhân không hiểu, phân bì cho rằng do bệnh nhân quen biết mới được cấp cứu trước. Việc dẫn đến hiểu lầm này cũng  còn  do bệnh viện thiếu nhân lực nên khâu giải thích cho người nhà bệnh nhân vẫn chưa cặn kẽ để họ thấu hiểu, tránh bức xúc. Đây là vấn đề sẽ được khoa chấn chỉnh trong thời gian tới.

Tương tự, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cũng thường xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân bức xúc, dẫn đến la lối vì cho rằng cấp cứu cho con em họ không kịp thời. Theo chị B.T.L. (TP.Biên Hòa), khi con vào cấp cứu buổi tối, bác sĩ cho đi siêu âm, xét nghiệm người nhà phải tự đưa bé đi. Do không biết chỗ nên phải đi lòng vòng tìm mới thấy, trong khi bé đau bụng dữ dội khiến chị rất bức xúc.

Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác cấp cứu ban ngày còn đỡ vì có bộ phận chăm sóc khách hàng phụ giúp giải thích, hướng dẫn cho bệnh nhân. Tuy nhiên vào ban đêm do nhân lực ít, khi bệnh nhân đông, cha mẹ của các bé nhập viện đều sốt ruột về tình trạng của con mình, nếu bác sĩ không giải thích kỹ lưỡng dễ gây xung đột với người nhà. Do đó, trong thời gian tới bệnh viện sẽ có bộ phận phân loại bệnh nhân, chăm sóc khách hàng trực ban đêm để hạn chế những bức xúc không đáng có.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều