Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm vui ở lại…

07:01, 02/01/2018

Năm 2017, tin vui liên tiếp đến với người dân xã Suối Nho (huyện Định Quán): trường học mới đi vào hoạt động sau bao năm mơ ước, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn so với năm trước, một số hộ nghèo có được căn nhà mới để đón Tết Nguyên đán sắp đến, nhiều con đường mới được cải tạo và nâng cấp...

Năm 2017, tin vui liên tiếp đến với người dân xã Suối Nho (huyện Định Quán): trường học mới đi vào hoạt động sau bao năm mơ ước, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn so với năm trước, một số hộ nghèo có được căn nhà mới để đón Tết Nguyên đán sắp đến, nhiều con đường mới được cải tạo và nâng cấp...

Một tiết học của cô và trò Trường THCS - THPT Suối Nho (xã Suối Nho, huyện Định Quán) Ảnh: V.TUYÊN
Một tiết học của cô và trò Trường THCS - THPT Suối Nho (xã Suối Nho, huyện Định Quán) Ảnh: V.TUYÊN

đứng trước cổng Trường THCS - THPT Suối Nho chờ đón con trai sắp tan học, bà Nguyễn Thị Thu cho hay: “Năm nay con út của tôi vào lớp 10 được học gần nhà, không phải như chị nó trước kia phải dậy từ lúc 5 giờ sáng để đạp xe hơn 17km đến Trường THPT Điểu Cải, ngày nào học 2 buổi thì phải ở lại trường ăn cơm bụi, không có chỗ nghỉ trưa nên hôm nào về tới nhà mặt mày con bé cũng bơ phờ”.

* Niềm vui chung

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Suối Nho, năm 2011 khi mới bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn xã có 483/2.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 17%. Đến nay toàn xã chỉ còn 48/3.330 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,9%. Năm 2018, xã phấn đấu giảm một nửa số hộ nghèo. Những năm qua, xã không có trường hợp nào tái nghèo trở lại.

Niềm vui của bà Thu cũng là niềm vui chung của phụ huynh 224 học sinh đang học lớp 10 tại Trường THCS - THPT Suối Nho. Theo thầy Lê Đình Huy, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Suối Nho: “Những năm trước có không ít em vì đường xa nên sau khi học xong lớp 9 thì nghỉ học. Em nào đi học thì phải cố gắng nhiều hơn về thời gian, công sức so với những học sinh khác. Vậy nên khi có trường mới ai cũng vui. Con em đi học thoải mái hơn, còn phụ huynh yên tâm chuyện đi lại, học hành, lại quản được con”.

Có trường mới, người dân đã tự nguyện tặng cây xanh để tạo bóng mát cho sân trường.  “Cách đây 1 tuần có phụ huynh liên hệ gặp tôi. Khi gặp, phụ huynh trách sao lâu rồi chưa đến nhà chở cây xanh về trường trồng. Tôi vừa cười vừa tạ lỗi vì trường không còn chỗ để trồng thêm cây. Người miền quê là vậy. Khi chính quyền làm việc hợp lòng dân thì họ sẵn sàng đồng lòng, không tiếc những gì mình có để cùng xây dựng quê hương, chăm lo cho thế hệ trẻ” - thầy Lê Đình Huy chia sẻ.

Ngoài góp cây xanh trồng để tạo bóng mát, người dân trong xã còn kêu gọi nhau đóng góp theo khả năng để dựng lên mái che một góc sân trường làm nơi sinh hoạt ngoài trời cho con em với kinh phí 500 triệu đồng.

* Niềm vui riêng

Cũng trong năm 2017, nhờ được Nhà nước tiếp tục đầu tư kéo điện về đến tận ruộng rẫy phục vụ sinh hoạt, sản xuất; cải tạo đường giao thông; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn... đã tạo ra đòn bẩy giúp người dân phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người ở Suối Nho nhờ đó đã tăng lên đạt 48 triệu đồng/người/năm.

Khi có thu nhập khá, bà con đóng góp hàng tỷ đồng, hiến hàng ngàn m2 đất để xây dựng quê hương. Như trường hợp người dân ở ấp 6 và ấp 2 đã tự nguyện đóng góp 168 triệu đồng để mua đất xây nhà văn hóa. Còn người dân ở ấp 1 tự giác kêu gọi lẫn nhau đóng góp được 90 triệu đồng, hiến đất để mở một con đường mới ra đến ruộng.

Em Đỗ Quốc Việt (7 tuổi, xã Suối Nho, huyện Định Quán) nhoẻn miệng khi cùng cha và anh trai lau chùi bộ khung cửa sắt để gắn vào căn nhà đang xây do Nhà nước hỗ trợ.
Em Đỗ Quốc Việt (7 tuổi, xã Suối Nho, huyện Định Quán) nhoẻn miệng khi cùng cha và anh trai lau chùi bộ khung cửa sắt để gắn vào căn nhà đang xây do Nhà nước hỗ trợ.

Cộng đồng có niềm vui lớn, còn trong từng nếp nhà cũng có niềm vui riêng. Vừa cùng cha và anh lau chùi bộ khung cửa sắt, em Đỗ Quốc Việt (7 tuổi, ngụ ấp Chợ, xã Suối Nho) vừa nhoẻn miệng cười tươi rói. Bởi chỉ khoảng 20 ngày nữa, em cùng cả nhà sẽ được sống trong căn nhà kiên cố thay vì chỉ là mấy tấm tôn quây xung quanh như trước đây.

Cha của Việt là ông Đỗ Văn Đại xúc động nói: “Nhờ xã hỗ trợ 20 triệu đồng, cha vợ tôi cho mảnh đất làm nhà, cộng thêm tiền tích cóp mà năm nay gia đình 7 người chúng tôi sẽ được ăn tết trong căn nhà mới. Năm nay sẽ là cái tết vui nhất từ trước đến giờ của gia đình tôi”.

Cũng là một trong 48 hộ nghèo của xã, nhưng ông Bùi Văn Cường (51 tuổi, dân tộc Mường) luôn nung nấu ý định được ra khỏi danh sách hộ nghèo. Năm 2011, gia đình ông Cường được UBND xã hỗ trợ vay 10 triệu đồng, đến năm 2013 lại được vay tiếp 20 triệu đồng để nuôi bò.

Cùng năm đó, gia đình được UBND xã xây dựng cho căn nhà tình thương, ngoài ra mỗi dịp lễ tết đều có quà tặng động viên và đến thăm gia đình thường xuyên. Từ số vốn ban đầu, đến nay ông Cường có 6 con bò sinh sản cùng 2 bò con mới sinh cách đây 1 tháng.

“Tôi rất muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng vì 5 đứa con đang còn đi học, 1 đứa bị bệnh bại não nên chưa thực hiện được ý định. Chính quyền địa phương thấy hoàn cảnh cũng tạo điều kiện cho gia đình thêm một thời gian, đến khi các con có thể ra trường đi làm lúc đó mới đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nếu thuận lợi thì chỉ 1-2 năm nữa thôi gia đình tôi có thể thoát nghèo. Đó là điều tôi ao ước vì cũng là hộ nghèo mà nhiều người đã vươn lên, còn mình cứ trong diện hộ nghèo hoài, tự ái lắm” - ông Cường nói.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều