Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chủ quan khi nhiễm khuẩn HP

08:05, 22/05/2018

Khuẩn Hp là một loại vi khuẩn khá phổ biến trong niêm mạc dạ dày của con người.

Khuẩn Hp là một loại vi khuẩn khá phổ biến trong niêm mạc dạ dày của con người.

Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí gây ung thư. Do vậy, nếu bị nhiễm HP người dân cần sớm điều trị.

Bệnh nhân đang được nội soi dạ dày phát hiện vi khuẩn HP tại Khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
Bệnh nhân đang được nội soi dạ dày phát hiện vi khuẩn HP tại Khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

* Nhiều phương pháp phát hiện HP

Bác sĩ Minh cho hay vi khuẩn HP lây lan qua đường ăn uống, thực phẩm bị nhiễm khuẩn và lây qua phân của người bệnh.

Tuy nhiên, đa phần người nhiễm HP không có triệu chứng. Chỉ có 50% số người bệnh bị viêm loét dạ dày, tá tràng mới có triệu chứng điển hình như: đau ở vùng bụng trên rốn, đau sau ăn, đau lúc bụng đói, đau từng cơn hoặc liên tục. Loét dạ dày thì đau tăng sau ăn, loét tá tràng thì đau giảm sau ăn.

Ông P.T.P. (42 tuổi, ngụ KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị đau dạ dày khoảng 3 năm nay. Do mức độ đau ngày một tăng nên vừa qua ông P. đến bệnh viện để nội soi dạ dày thì phát hiện nhiễm HP. Theo ông P., từ khi bị đau dạ dày ông hạn chế bia rượu nhưng bụng vẫn đau lâm râm cả ngày.

Vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori. Loại vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh urease, là chất phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.

Theo bác sĩ Minh, để phát hiện vi khuẩn HP có rất nhiều phương pháp, trong đó hiệu quả nhất là nội soi (nội soi dạ dày thông thường và nội soi không đau) vì có thể nhìn được vị trí mức độ viêm loét tổn thương dạ dày. Qua nội soi có thể bấm sinh thiết niêm mạc dạ dày để chẩn đoán người bệnh có bị ung thư hay không. Ngoài ra, có những phương pháp không can thiệp vào người bệnh như: thử máu, thổi hơi, thử phân. Trong đó, thổi hơi cho kết quả chính xác nhất, tiếp đến là thử máu và thử phân.

Bác sĩ Tống Tiến Thành, Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho hay tại khu A của bệnh viện mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân được chỉ định nội soi để phát hiện HP. Qua nội soi cho thấy những tổn thương bệnh nhân hay gặp phải là: viêm sung huyết, loét, viêm teo niêm mạc dạ dày. Việc sử dụng kềm sinh thiết và ngáng miệng riêng cho mỗi bệnh nhân cũng hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo so với trước đây.

* Tuân thủ phác đồ điều trị

Theo bác sĩ Đinh Cao Minh, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Mỗi một vùng, miền có điều kiện địa lý khác nhau thì vi trùng HP sẽ kháng kháng sinh với mức độ khác nhau. Do vậy, các bác sĩ thay đổi phác đồ điều trị tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của phác đồ. Quá trình diệt trừ HP thường bằng phác đồ điều trị 3 thuốc, trong đó có 2 loại kháng sinh và 1 loại ức chế tiết acid nhóm PPI.

Do HP lây qua đường ăn uống nên người bị nhiễm HP nếu không điều trị sẽ có khả năng lây lan cao cho những người thân trong gia đình, bạn bè hay ăn uống, sinh hoạt chung.

Các bác sĩ cũng nhắn nhủ mặc dù tỷ lệ người bị ung thư do khuẩn HP gây ra không cao, nhưng người dân không vì thế mà chủ quan. Trong số 100 bệnh nhân theo dõi ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, có khoảng 5 bệnh nhân đang trong giai đoạn chuyển sản và loạn sản, tức là đã có những tế bào bất thường, phải nội soi 6 tháng/lần tùy theo tổn thương để sinh thiết lại. Ngoài ra, cũng có những trường hợp bệnh nhân đến nội soi và được phát hiện ung thư.

Khoảng 70% người bị viêm loét dạ dày và 95% người viêm loét tá tràng có HP. Người bị nhiễm khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư cao hơn gấp 3-6 lần người không bị nhiễm HP trong cùng một môi trường sống. Việc bị nhiễm khuẩn HP có gây ung thư hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tiền sử gia đình, độc lực của vi khuẩn, môi trường sống. Nếu gia đình có người bị ung thư dạ dày hoặc người có thói quen ăn các loại đồ nướng khét, thức ăn ngâm hóa chất độc hại… thì người dân nên sớm đi thăm khám.

Để phòng ngừa khuẩn HP, người dân nên ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến đồ ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh tình trạng tất cả mọi người cùng chấm một bát nước chấm chung, đều chọc đũa vào một tô canh.

Ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khoảng 50% số lượng người đi nội soi bị nhiễm HP. Việc điều trị cần phải tuân thủ phác đồ của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống hoặc điều trị ở những nơi thiếu tin cậy. “Bởi sau 2 phác đồ điều trị, nếu vi khuẩn HP vẫn chưa được tiêu diệt thì rất nguy hiểm. Lúc này, bệnh nhân phải đi nội soi lại, lấy mẫu sinh thiết trong dạ dày, nuôi cấy vi trùng trong một môi trường nhất định và thử kháng sinh đồ để biết vi trùng HP đó nhạy cảm, đề kháng với kháng sinh nào từ đó chọn lựa kháng sinh cho đúng. Cách làm này rất phức tạp vì vi trùng HP sống tốt trong dạ dày nhưng khi đưa ra môi trường bên ngoài thì khả năng sống rất thấp. Do vậy, người bệnh khi có các triệu chứng của bệnh dạ dày cần đến các bệnh viện có uy tín để bác sĩ có kinh nghiệm lựa chọn phác đồ điều trị ngay từ đầu” - bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều