Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hiểm sinh non

08:05, 08/05/2018

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) sinh non được tính khi trẻ sinh từ tuần thứ 22 đến dưới 37 tuần tuổi thai. Ra đời sớm, trẻ rất thiệt thòi khi phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật và cần được chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) sinh non được tính khi trẻ sinh từ tuần thứ 22 đến dưới 37 tuần tuổi thai. Ra đời sớm, trẻ rất thiệt thòi khi phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật và cần được chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt.

Trẻ sinh non được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Trẻ sinh non được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho rất nhiều trẻ sinh non. Số trẻ sinh non chiếm 43,7% trên tổng số trẻ nằm viện tại khoa. Nhiều trẻ có cân nặng từ 700-1.000g đang được chăm sóc đặc biệt với sức khỏe rất yếu, phải thở máy và nuôi ăn qua tĩnh mạch…

* Đối diện với nhiều hiểm nguy

Bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho hay trẻ sinh non được chia ra 4 độ tuổi: dưới 28 tuần tuổi thai gọi là cực non; từ 28 đến dưới 32 tuần tuổi thai gọi là rất non; từ 32 đến dưới 34 tuần gọi là non vừa và từ 34 đến 37 tuần tuổi thai gọi là non muộn. Độ tuổi mà trẻ sơ sinh nhập viện tại bệnh viện chiếm nhiều nhất là từ 28-32 tuần, độ tuổi cực non chiếm ít hơn.

Theo bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, thời gian qua khoa tiếp nhận điều trị cho trẻ sinh non tăng lên. Năm 2016, khoa tiếp nhận điều trị cho 458 trẻ;  năm 2017 là 462 trẻ; 4 tháng đầu năm 2018 là 145 trẻ.

Theo bác sĩ Phượng, trẻ sinh non không may mắn như trẻ sinh đủ tháng vì tất cả các bộ phận trong cơ thể đều chưa hoàn chỉnh. Càng ra đời sớm thì càng đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Cụ thể: trẻ sinh non mạch máu rất mong manh, dễ vỡ, do đó rất dễ bị xuất huyết não. Cộng với tình trạng gan, tim, phổi  chưa hoàn chỉnh nên dễ bị nhiều loại bệnh nguy hiểm. Vì vậy, việc điều trị và theo dõi các trẻ sinh non phải sát sao, các thông số cài đặt máy thở phải phù hợp và có chỉ định truyền các chế phẩm của máu khi có tình trạng xuất huyết.

Trẻ sinh non chưa thích nghi được môi trường bên ngoài, sức đề kháng kém khi phải nằm trong môi trường bệnh viện cũng rất dễ bị nhiễm trùng. Chính những nguy cơ trên, thời gian điều trị cho trẻ sinh non kéo dài từ 1-2 tháng trở lên. Đối với trẻ cực non, thời gian càng dài hơn trẻ rất non. Việc điều trị kéo dài nên chi phí cao. Ngoài ra do phổi trẻ còn non không thể điều chỉnh được sự hô hấp nên nhiều trường hợp phải bơm thuốc để phổi nở ra. Giá của một lọ thuốc trung bình khoảng 11-12 triệu đồng, 1 trẻ có thể sử dụng từ 2-4 lọ trong khi điều trị.

Mặc dù chi phí thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán nhưng do thời gian nằm viện kéo dài đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian, công sức của y, bác sĩ cũng như gia đình.

* Để giảm nguy cơ sinh non

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho hay sinh non là một trong những vấn đề quan trọng trong sản khoa, là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Thai phụ cần khám thai để biết được tình trạng sức khỏe của mẹ và con. Trong ảnh: Thai phụ được siêu âm tầm soát các yếu tố gây sinh non tại Bệnh viện đa khoa  Đồng Nai.
Thai phụ cần khám thai để biết được tình trạng sức khỏe của mẹ và con. Trong ảnh: Thai phụ được siêu âm tầm soát các yếu tố gây sinh non tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Có nhiều yếu tố dẫn đến sinh non như: thai phụ mang đa thai, thai lớn; do bất thường tử cung, tử cung có u xơ lớn, hở eo tử cung, chiều dài cổ tử cung ngắn, chất lượng tử cung kém; thai phụ mang các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì hoặc suy dinh dưỡng; thai phụ làm việc gắng sức, công việc nặng nhọc; không khám thai định kỳ; quan hệ tình dục 3 tháng cuối thai kỳ…

Để phòng tránh sinh non, theo bác sĩ Hoan, thai phụ cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh làm công việc nặng nhọc, đừng gắng sức, tránh thức đêm, hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng cuối thai kỳ. Thăm khám thai thường xuyên để tìm ra nguyên nhân bệnh học gây sinh non như: cao huyết áp, cổ tử cung bị ngắn, bất thường tử cung… Đây là những nguyên nhân có thể dự phòng được. Nếu có nguy cơ sinh non sẽ được bác sĩ cảnh báo và tư vấn, cho dùng thuốc chống sinh non đến khi thai trưởng thành.

Ngoài ra, thai phụ phải bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất: đạm, tinh bột, chất béo và các vitamin. Trong thai kỳ, các thai phụ nên tăng từ 12-15kg, không nên tăng cân quá lớn. Cần chú ý tăng cân trong thai kỳ dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), nếu những thai phụ có chỉ số khối cơ thể bằng 30 nên tăng từ 9-11kg; những người nhẹ cân, có chỉ số khối thấp có thể tăng ký nhiều hơn, từ 15-18kg.

An Nhiên

Tin xem nhiều