Báo Đồng Nai điện tử
En

Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai

08:07, 14/07/2018

Chế độ dinh dưỡng của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi.

Chế độ dinh dưỡng của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi.

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết các phụ nữ khi có thai cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng như sau:

* Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thường có sự thay đổi về khẩu vị và có dấu hiệu nôn ói, nên việc ăn uống có thể bị hạn chế. Để khắc phục dấu hiệu nghén ở thai phụ trong giai đoạn này có thể áp dụng một số cách như:

- Bà mẹ nên ăn bữa nhỏ, bữa phụ giàu dinh dưỡng cách 2 giờ 1 lần.

- Ăn các loại trái cây, thức ăn lỏng như sữa, phở, cháo, miến…

- Tránh ăn thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ gây khó chịu.

- Nên uống nước ngoài bữa ăn, tránh uống ngay trước, trong và sau khi ăn.

* Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai 6 tháng cuối

Trong 6 tháng cuối, nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai tăng từ 10-30%. Lúc này các dấu hiệu nghén đã giảm hoặc mất đi, thai phụ tăng cảm giác ngon miệng, lượng ăn vào tăng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất.

Về năng lượng: Nhu cầu cần thiết ở phụ nữ mang thai 6 tháng cuối là 2.550 Kcal/người, nghĩa là tăng hơn so với người bình thường 350Kcal. Mỗi phụ nữ mang thai chỉ cần uống thêm 2 ly sữa, ăn thêm 2 chén cơm hoặc ăn thêm 2-3 bữa phụ như khoai, bắp, chè, bánh… cũng đủ đáp ứng nhu cầu này.

Về chất đạm (protein): Do nhu cầu chất đạm tăng lên để tổng hợp protein cho cơ thể mẹ như tăng lượng máu, tử cung… đồng thời cung cấp protein cho thai nhi và nhau thai hình thành và phát triển, nên phụ nữ mang thai cần được cung cấp tối thiểu 70g đạm/ngày, cao hơn người bình thường 15g/ngày. Chỉ cần 70g đậu các loại cũng đủ cung cấp nguồn đạm 15g/ngày hoặc ăn thêm 2 chén cơm sẽ cung cấp thêm 9 gram đạm/ngày.

Các vitamin, khoáng chất và yếu tố vi lượng:

Trong cơ thể vitamin cần thiết cho các chức năng chuyển hóa, hấp thu, đào thải chất độc của cơ thể:

Can xi: Khi mang thai, cơ thể người mẹ cần lượng canxi gấp đôi bình thường (1ngàn mg canxi/ngày) để đáp ứng quá trình hình thành răng và xương thai nhi. Nếu việc cung cấp canxi trong thai kỳ không đủ, cơ thể sẽ có các triệu chứng vọp bẻ, đau mỏi cơ ở phụ nữ mang thai, nhất là 3 tháng cuối, và dẫn đến tình trạng loãng xương, hư răng ở phụ nữ sau khi sinh.

Canxi có nhiều trong sữa, phômai, trứng, tép, tôm, cua, cá… Phụ nữ có thai có thể bổ sung 2 ly sữa hoặc 100-200g cá, tép cả xương hoặc 2 miếng đậu hủ lớn hay 50g mè/1 ngày.

Sắt: Phụ nữ mang thai nhu cầu sắt tăng cao để đáp ứng sự phát triển của bào thai trong quá trình thai nghén và nguy cơ mất máu lúc chuyển dạ. Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ tử vong đối với thai nhi như: sảy thai, sinh non, thai chết lưu, chậm phát triển bào thai trong tử cung. Thiếu máu, thiếu sắt có liên quan đến 1/4 trường hợp tử vong mẹ, làm gia tăng các tai biến sản khoa, nhất là tai biến do băng huyết sau sinh. Sắt có nhiều trong thịt, gan, tim, lòng đỏ trứng gà, nấm mèo, rau dền đỏ, củ dền, đậu nành…

Acid folic (vitamin B9): Là vitamin cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi, đặc biệt trong tuần lễ đầu tiên. Thiếu Acid folic ở phụ nữ mang thai có thể gây ra dị tật ống thần kinh ở trẻ em. Acid folic có nhiều trong gan, men bia, các loại rau xanh lá to màu xanh đậm như: rau mồng tơi, bó xôi, rau tần ô, đậu phộng, hạt dẻ, thịt, sữa…

I ốt và kẽm: Việc thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này có thể gây nên một số tổn thương không hồi phục được. Thiếu hụt kém sẽ dẫn đến trẻ chậm hoặc ngừng tăng trưởng, dị tật bẩm sinh, làm gia tăng các triệu chứng nghén như: nôn, ói, chán ăn… Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, các loại hải sản. Các thức ăn từ thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và khó hấp thu.

Vitamin A: phụ nữ mang thai cần được cung cấp đủ vitamin A trong suốt thời kỳ mang thai và sau khi sinh để cung cấp vitamin A cho sữa nuôi con.

Nguồn cung cấp vitamin A từ động vật như sữa, gan, trứng… dễ được hấp thu và dự trữ trong cơ thể để dùng dần. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau muống và các loại củ, quả màu vàng, màu đỏ như: cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ là những thức ăn có nhiều caroten khi vào cơ thể được chuyển thành vitamin A.

Ngoài nguồn vitamin A, thai phụ rất cần bổ sung đầy đủ một số loại vitamin khác như D,  B1, C...  để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.                                    

Thảo Anh (ghi)

Tin xem nhiều