Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đi khám BHYT tại TP.HCM có được thanh toán?

09:07, 19/07/2018

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh phúc lợi. Tham gia BHYT không chỉ nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro, được đỡ đần chi phí khám chữa bệnh mà còn là sự chia sẻ giữa người khỏe và người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết những quy định và quyền lợi của BHYT.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh phúc lợi. Tham gia BHYT không chỉ nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro, được đỡ đần chi phí khám chữa bệnh mà còn là sự chia sẻ giữa người khỏe và người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết những quy định và quyền lợi của BHYT. Bà Nguyễn Thị Quy, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đã trả lời những thắc mắc của người dân về chính sách này.

Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Trong ảnh: Một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.LIÊN
Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Trong ảnh: Một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.LIÊN

 Tôi tham gia BHYT từ năm 2009, nhưng vừa rồi khi đăng ký tiếp tục mua BHYT, tôi thấy trên thẻ ghi “Thời điểm đủ 5 năm liên tục: từ ngày
1-8-2021”. Xin cho hỏi: người tham gia BHYT 5 năm liên tục được hưởng những quyền lợi gì và cơ quan cấp thẻ ghi sai thời điểm đủ 5 năm liên tục của tôi, muốn điều chỉnh lại cho đúng tôi phải làm gì?  

Võ Thị Loan

(xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch)

- Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, các trường hợp có thẻ BHYT đã tham gia từ đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được cấp “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”. Có giấy này, người bệnh sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo trong năm đó. Nếu thấy trên thẻ ghi sai thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, bà nên đến Bảo hiểm xã hội huyện Nhơn Trạch yêu cầu điều chỉnh theo đúng thực tế tham gia.

 Tôi đăng ký BHYT tự nguyện ở Bệnh viện đa khoa Biên Hòa. Vậy khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện khác trong và ngoài tỉnh Đồng Nai thì chi phí khám chữa bệnh được BHYT tính như thế nào?

Trần Thị Minh Thu
(phường Tân Mai, TP.Biên Hòa)

- Thông tư 15/2015/TT-BYT hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định: người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện, sẽ được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế tương đương trong cùng địa bàn tỉnh và được BHYT thanh toán như đi đúng tuyến. Còn theo Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, nếu khám và điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, bạn chỉ được thanh toán 40% chi phí điều trị; khám và điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh được thanh toán 60% chi phí điều trị. Trong trường hợp người bệnh đến khám, chữa bệnh ngoại trú trái tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh thì sẽ phải thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Trừ trường hợp cấp cứu và sau đó phải nhập viện điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương thì được xem là đúng tuyến, người bệnh chỉ phải cùng chi trả % theo loại thẻ.

 Cha tôi bị bệnh ung thư phải hóa trị và đang điều trị đúng tuyến. Xin cho hỏi, mỗi lần thực hiện hóa trị cha tôi có được BHYT thanh toán không?

Đặng Thanh Hùng
(xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom)

-  Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC
ngày 29-10-2015 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, mức giá của dịch vụ kỹ thuật hóa trị và xạ trị được Quỹ BHYT thanh toán theo phạm vi và quyền lợi hưởng quy định trên thẻ BHYT của người tham gia. Do đó, trường hợp cha của ông điều trị bệnh đúng quy định, đúng tuyến sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi từ BHYT.

 Nhà tôi thuộc hộ nghèo của huyện Cẩm Mỹ, cha mẹ tôi được cấp miễn phí thẻ BHYT theo diện hộ nghèo, giờ cha mẹ tôi bệnh nặng muốn vào TP.Hồ Chí Minh khám và chữa bệnh. Vậy nếu khám ở TP.Hồ Chí Minh thì có được BHYT thanh toán không?

Nguyễn Thị Nhi
(xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ)

- Trường hợp cha mẹ của bạn đi khám, chữa bệnh BHYT và phải nhập viện điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh (không trong tình trạng cấp cứu) thì Quỹ BHYT chỉ thanh toán trong phạm vi và mức hưởng BHYT như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh. Nếu cha mẹ bạn điều trị ở bệnh viện tuyến huyện tại TP.Hồ Chí Minh thì được tính như đi đúng tuyến (vì tuyến này đã được thông tuyến trên toàn quốc). Còn nếu khám bệnh tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa ở TP.Hồ Chí Minh thì vẫn phải đồng chi trả theo quy định mức hưởng của thẻ. Vì thế, nếu cha mẹ bạn bệnh nặng, cần phải điều trị tại các bệnh viện TP.Hồ Chí Minh, bạn nên xin giấy chuyển viện từ cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để được hưởng chi trả của BHYT theo luật định.

Phương Liễu (ghi)

Tin xem nhiều