Báo Đồng Nai điện tử
En

Diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2018: Trẻ em nói và người lớn hành động

09:08, 08/08/2018

Diễn đàn trẻ em năm 2018 với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn lành mạnh cho trẻ em" trong thế giới số đã được Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Nhà thiếu nhi Đồng Nai và Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức sáng 8-8.

Diễn đàn trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn lành mạnh cho trẻ em” trong thế giới số đã được Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Nhà thiếu nhi Đồng Nai và Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức sáng 8-8.

Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại diễn đàn.
Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại diễn đàn.

 

Tại diễn đàn, các đại biểu là học sinh đã nêu nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng và mong muốn được an toàn hơn trong môi trường internet và mạng xã hội.

* Lắng nghe trẻ em nói

Một số đại biểu học sinh so sánh, game online và mạng xã hội ngày càng thu hút học sinh, trong khi đó hoạt động Đoàn - Đội ngày càng khó hấp dẫn, thậm chí bị mờ nhạt.

 

Gần 200 trẻ em trong tỉnh và nhiều phụ huynh tham gia diễn đàn trẻ em năm 2018 thẳng thắn bày tỏ những lo lắng của mình khi internet và mạng xã hội ngoài những mặt tích cực cũng có không ít tác động tiêu cực đến việc học tập, tinh thần của các em hằng ngày.

Em Trần Hoàng Minh Thu, đến từ huyện Tân Phú nhận xét, ngày càng có nhiều học sinh nghiện game online và mạng xã hội; nhiều game online đối kháng có tính chất bạo lực, kích thích sự hiếu thắng không lành mạnh; người lớn và trẻ em cùng tương tác trên game online với những lời lẽ thô tục, kích động, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển lành mạnh về đạo đức và tâm hồn của học sinh.

Còn em Lê Thanh Dương ở TP.Biên Hòa thì phản ánh tình trạng nhiều học sinh trốn học chơi game, chơi mỗi ngày từ 2-3 tiếng đồng hồ. Dương cũng thắc mắc tại sao game online được khuyến cáo sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh, nhưng thi thoảng vẫn có những cuộc thi game online được tổ chức. Em cũng kiến nghị, các phòng game online không nên đặt quá gần cổng trường và cần có những biện pháp khống chế để học sinh không bị nghiện game.


 

Còn em Nguyễn Thị Hoài Thương ở huyện Cẩm Mỹ chia sẻ dù em không nghiện game online hay mạng xã hội, nhưng mẹ của em rất hay lo lắng, chính vì điều đó nên mẹ thường hạn chế em được giao lưu với bạn bè vì sợ em cũng bị “lây nhiễm” thói mê game online của các bạn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới quyền riêng tư của em. Hoài Thương đặt câu hỏi với lãnh đạo các sở, ngành chủ trì diễn đàn: “Liệu việc làm của mẹ em như thế có đúng hay không?”.

Có lẽ chưa bao giờ việc tiếp cận với game online và mạng xã hội lại dễ dàng như hiện nay bởi trẻ em ngày càng tiếp cận dễ hơn với các thiết bị di động thông minh như điện thoại thông minh, máy tính bảng... Đáng lo hơn là game online và mạng xã hội ngày càng có sức hút khó cưỡng với học sinh, còn học sinh thì thiếu các kỹ năng để sử dụng internet ở mức phù hợp mà không lạm dụng quá mức. Nhiều em còn bày tỏ sự luyến tiếc khi các trò chơi truyền thống, hay những hoạt động Đoàn - Đội lành mạnh đã bị game online và mạng xã hội lấn lướt.

Em Nguyễn Ngọc Toàn ở TX.Long Khánh nhận định, trên mạng xã hội có quá nhiều thông tin độc hại, đó là những clip, hình ảnh bắn giết man rợ, những hình ảnh sex không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đáng lo lắng hơn, nhiều học sinh đã “nhiễm” phong cách sống ảo trên mạng xã hội, coi mạng xã hội là nơi để khẳng định bản thân.

* Sẵn sàng đồng hành với học sinh

Phó bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên cho rằng hoạt động Đoàn - Đội trong trường học ngày càng được coi trọng, nhưng ở đâu đó cán bộ Đoàn - Đội chưa thực sự chủ động tạo được sự hấp dẫn trong các hoạt động. Sắp tới Tỉnh đoàn sẽ có những khảo sát, đánh giá và có thêm nhiều giải pháp tốt hơn để những hoạt động của Đoàn - Đội trong trường học không chỉ được tổ chức nhiều mà còn phải có chất lượng, thực sự lôi cuốn học sinh.

Chia sẻ với những lo lắng có thật của các đại biểu học sinh tham dự diễn đàn, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Võ Hoàng Khai cho rằng mạng xã hội là phương tiện để mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn, nhưng học sinh cần có kỹ năng tiếp cận và sử dụng, nếu lạm dụng quá đáng, thiếu hiểu biết sẽ ảnh hưởng tới học tập, sức khỏe tinh thần và nhân cách, thậm chí dễ dàng vi phạm pháp luật, đặc biệt là quyền riêng tư của chính các em và những người xung quanh.

Ghi nhận ý kiến phản ánh của các đại biểu học sinh tại diễn đàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết sắp tới Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo phòng GD-ĐT các địa phương trong tỉnh tổ chức thêm các khóa sinh hoạt kỹ năng tiếp cận với game online và mạng xã hội, bởi các em học sinh rất cần được trang bị những kỹ năng phòng vệ tích cực, chủ động để thực sự an toàn trên thế giới ảo.

Trong khi đó, đại diện Công an tỉnh tham dự diễn đàn đã đưa ra nhiều khuyến cáo rất bổ ích cho học sinh, khi tham gia mạng xã hội, chơi game online cần cảnh giác bị lừa đảo, bị dụ dỗ, bị lạm dụng tình dục... Các em cần có những hiểu biết nhất định khi tham gia mạng xã hội, và khi cần phải báo cho người lớn và các cơ quan chức năng để bảo vệ các em kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh thì chia sẻ với các em học sinh không chỉ với tư cách một người có trách nhiệm mà còn với tư cách của người mẹ, người từng làm giáo viên. Bà Hiền cho biết, bản thân cũng thực sự lo lắng khi các em tiếp cận với game online và mạng xã hội với nhiều nguy hiểm rình rập. Sắp tới Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh sẽ có cuộc giám sát chuyên đề để tìm hiểu thực tế sự phát triển và hoạt động của các phòng game online và internet ở các địa phương để ngăn chặn kịp thời những mối nguy hiểm đe dọa học sinh.

Công Nghĩa   

 

Tin xem nhiều