Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ bùng phát dịch sởi

11:09, 11/09/2018

Thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cho biết tình hình bệnh sởi/sốt phát ban trên địa bàn tỉnh đang có những diễn biến bất thường.

Thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cho biết tình hình bệnh sởi/sốt phát ban trên địa bàn tỉnh đang có những diễn biến bất thường.

Những gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm vaccine phòng sởi cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa bệnh. Trong ảnh: Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng tại Trung tâm tiêu chủng VNVC Đồng Nai (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa).
Những gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm vaccine phòng sởi cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa bệnh. Trong ảnh: Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng tại Trung tâm tiêu chủng VNVC Đồng Nai (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa).

Chỉ riêng trong tháng 8 toàn tỉnh ghi nhận 23 ca mắc bệnh sởi trên tổng số 45 ca sởi/sốt phát ban từ đầu năm đến nay. Trong 5 ngày đầu tiên của tháng 9 cũng ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh này.

* Nguy cơ lây lan nhanh

Nếu như những tháng đầu năm, mỗi tháng chỉ ghi nhận 1-2 trường hợp mắc bệnh sởi/sốt phát ban (tháng 6 không ghi nhận ca sởi nào) thì con số 23 ca bệnh trong tháng 8 đã đến mức báo động.

Đến nay, bệnh sởi/sốt phát ban đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh. Những nơi ghi nhận nhiều ca sởi/sốt phát ban là: huyện Nhơn Trạch (20 ca), TP.Biên Hòa (11 ca), Long Thành (6 ca), huyện Xuân Lộc (2 ca). Đặc biệt, tại xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) có tới 11 ca bệnh sởi/sốt phát ban. Thống kê cho thấy, chỉ có 4/45 trường hợp mắc sởi đã tiêm vaccine phòng sởi, còn lại đều chưa tiêm phòng. Có 10 trường hợp trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi cũng đã bị sởi.

Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai đề xuất Sở Y tế, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xem xét chỉ đạo, hỗ trợ triển khai khẩn cấp một chiến dịch khử trùng tại trường học và hộ gia đình có học sinh dưới 15 tuổi và chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi/Rubella.

Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai dự báo, thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ khiến sức đề kháng của trẻ em bị suy giảm, là điều kiện tốt cho virus sởi phát triển, lây lan trong cộng đồng, có nguy cơ sẽ bùng phát thành dịch. Sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh. Bệnh sởi có thể để lại nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não… dẫn đến tử vong. Đối tượng thường mắc bệnh sởi nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ bị suy dinh dưỡng.

Các bác sĩ khuyến cáo những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ cho trẻ. Mũi thứ nhất khi trẻ tròn 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Trường hợp trẻ trên 9 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine sởi mũi 1 hoặc trẻ trên 18 tháng vẫn chưa được tiêm vaccine sởi mũi 2, phụ huynh cần phải khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn, tiêm bù cho trẻ.

Bệnh sởi do siêu vi sởi gây ra, tồn tại ở mũi và cổ họng của bệnh nhân nên bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Có tới 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa được tiêm ngừa.

* Tích cực phòng ngừa bệnh

Để hạn chế bùng phát dịch sởi, ngay từ đầu năm, những ca sởi/sốt phát ban lẻ tẻ đã được Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cùng trung tâm y tế các địa phương, trạm y tế điều tra ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch.

Trong đó, đặc biệt chú ý đến công tác tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và biết cách phòng tránh.

Những việc mà người dân cần thực hiện ngay để phòng bệnh cho bản thân và gia đình là vệ sinh môi trường xung quanh, nhà ở thông thoáng. Thường xuyên lau dọn nhà cửa bằng các chất tẩy rửa thông thường; vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, có chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý.

Những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Những người có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sởi như: sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nổi hạch, sưng đau khớp cần được đưa đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. 

Những người đã mắc bệnh cần được cách ly, chăm sóc tại cơ sở y tế, nghỉ ngơi tại nhà, phòng lây lan trong cộng đồng. Người mắc bệnh nên xin nghỉ học, nghỉ làm, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người trong 7 ngày kể từ khi có dấu hiệu phát ban. Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Trong trường hợp tiếp xúc, phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ lưu ý, không thể chủ quan với bệnh sởi/sốt phát ban vì một khi để bùng phát thành dịch sẽ rất nguy hiểm. Do vậy, các trạm y tế xã, phường có ca bệnh sởi/sốt phát ban cần tổ chức rà soát lại danh sách đối tượng tiêm chủng, hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Cùng với đó, phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống bệnh sởi/Rubella, điều tra giám sát ca bệnh và xử lý dịch sởi/Rubella theo đúng quy định của Bộ Y tế. “Tất cả các địa phương, đặc biệt là Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành và Xuân Lộc cần hết sức chủ động dập dịch, chống dịch trên quy mô lớn. Phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt mới có thể dập được dịch sởi”- Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.

Còn Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết thêm, trung tâm đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với trung tâm y tế các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa tăng cường công tác giám sát kịp thời phát hiện ca bệnh để xử lý. Đồng thời chỉ đạo trạm y tế chủ động tham mưu UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh môi trường và triển khai các biện pháp xử lý dịch tại cộng đồng. Sau khi rà soát danh sách đối tượng tiêm chủng, các trạm y tế sẽ tổ chức tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm. Kỹ thuật tiêm vaccine sởi, sởi/Rubella, sởi/quai bị/Rubella cũng sẽ được giám sát chặt chẽ.    

   Hạnh Dung

Tin xem nhiều