Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Xu thế tất yếu

09:11, 12/11/2018

Khi các doanh nghiệp đưa hệ thống máy móc theo hướng tự động hóa vào sản xuất, một bộ phận người lao động sẽ bị đào thải hoặc yêu cầu phải có thêm những kỹ năng mới.

[links()]Khi các doanh nghiệp đưa hệ thống máy móc theo hướng tự động hóa vào sản xuất, một bộ phận người lao động sẽ bị đào thải hoặc yêu cầu phải có thêm những kỹ năng mới.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức.
Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức.(Ảnh:H.Dung)

TS.Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) nhận định, những ngành nghề sẽ bị tác động lớn nhất là dệt may và giày da.

* Tăng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, chỉ riêng trong tháng 10 của năm 2018, toàn tỉnh có hơn 3,7 ngàn người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Một nữ lao động lớn tuổi đã nghỉ việc đang làm hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai.
Một nữ lao động lớn tuổi đã nghỉ việc đang làm hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai.(Ảnh:H.Dung)

Tính chung từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 39,4 ngàn người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, có khoảng 3 ngàn người là lao động trong các ngành dệt may, giày da, dệt nhuộm, làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đa phần có tuổi đời từ 35 tuổi trở lên.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có thể có đến 2/3 lao động phổ thông làm việc trong ngành da giày, dệt may tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bị tác động, thậm chí bị “đe dọa” đến cơ hội việc làm do những thay đổi công nghệ tự động là thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ nhanh chóng hiện nay. Trước những lợi ích kinh tế lớn từ công nghệ tự động, không ít doanh nghiệp sẽ tính toán đến việc tái cơ cấu công nghệ sản xuất, đầu tư công nghệ lao động bằng robot thay vì sử dụng lao động là con người.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, thời gian gần đây số người thất nghiệp chọn học nghề có chiều hướng tăng dần. Trong tháng 10-2018 có 273 người hưởng trợ cấp học nghề, nâng tổng số người được hưởng trợ cấp học nghề từ đầu năm đến nay lên hơn 1.962 người, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có khoảng 600 người chọn học lái xe hạng C, B2, lái xe nâng hàng. Ngoài ra, các nghề như may công nghiệp, kỹ thuật nhà hàng và pha chế thức uống, kỹ thuật tạo mẫu tóc và trang điểm, trang trí móng tay… cũng được khá nhiều người chọn học. Tỷ lệ học viên có việc làm sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề chiếm từ 60% trở lên.  

Anh Nguyễn Văn Trung (học lái xe hạng C) cho hay trước đây anh làm công nhân phổ thông cho một công ty chuyên sản xuất, gia công giày da ở Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, từ khi doanh nghiệp đầu tư lượng máy móc mới thì nhiều khâu sản xuất bị cắt giảm số lượng lao động, trong đó có khâu dập ép khuôn anh đang làm việc. Do đó, anh Trung được công ty thỏa thuận cho nghỉ việc. Anh Trung đăng ký học lái xe hạng C để có cơ hội xin vào làm tài xế vận tải trong doanh nghiệp. Lý giải nguyên nhân vì sao lại chọn học lái xe, anh Trung cho rằng: “So với lao động tay chân thì lái xe có lẽ sẽ ít bị máy móc thay thế hơn”.

Cũng đang được Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai hỗ trợ học nghề, bà Đặng Thị Ngọc Nhung (43 tuổi, ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) thừa nhận do đã lớn tuổi, chân tay có phần chậm chạp nên khi công ty (chuyên về may mặc, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) có đợt khuyến khích lao động lớn tuổi nghỉ việc, bà Nhung đồng ý. Sau khi hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bà Nhung đăng ký học nghề may áo dài, âu phục tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai với dự định sau khi học xong sẽ mở tiệm may quần áo theo yêu cầu hoặc nhận hàng gia công của công ty.

* Đòi hỏi nhiều kỹ năng

Theo ông Phạm Văn Thiện, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5), ngoài việc đòi hỏi tay nghề thì tác phong chuyên nghiệp của người lao động cũng luôn được các công ty quan tâm. Bởi trên thực tế tình trạng công nhân lao động “nhảy việc” sau khi được đào tạo gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, vận hành của công ty. Do vậy, điều mà các doanh nghiệp mong muốn chính là ổn định nhân lực để sản xuất.

Người lao động của Công ty TNHH  San Lim Furniture (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc.
Người lao động của Công ty TNHH San Lim Furniture (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc.(Ảnh:H.Dung)

Đánh giá việc các doanh nghiệp thay đổi thiết bị máy móc phục vụ quá trình sản xuất là điều tất yếu, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng nhấn mạnh: “Điều này đòi hỏi người lao động phải có những chuyển biến tích cực để thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động”.

Chủ động bảo vệ người lao động

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập, khi công nghệ thay đổi thì việc đào thải không loại trừ bất cứ một người lao động dù là trẻ hay lớn tuổi nếu không có trình độ, kỹ năng tay nghề tốt. Từ những nguy cơ hiện diện rất rõ đó, những lao động còn trẻ, còn có nhiều hơn cơ hội học tập cần tranh thủ học tập nâng cao trình độ, nhất là tay nghề và kỹ năng ngoại ngữ.

Trong khi đó, ông Lê Trí Tín, Giám đốc kinh doanh Công ty Bosch Rexroth Việt Nam (đóng tại TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, Nhà máy Bosch ở huyện Long Thành là nhà máy hiện đại nhất được tập đoàn đầu tư tại Việt Nam đến thời điểm này. Hiện nhà máy đang bắt đầu đưa vào sử dụng mô hình nhà máy thông minh, nói cách khác là nhà máy 4.0 với những thiết bị thông minh kết nối với nhau, giúp nhà máy có đầy đủ các dữ liệu, xử lý dữ liệu và đưa ra những dự đoán, dự báo cũng như có phương án hoạt động hiệu quả. Nhà máy 4.0 là khối liên kết từ hệ thống sản xuất phía dưới, giúp người vận hành máy phía trên biết được vị trí máy móc hư hỏng, khâu nào đáp ứng được nhu cầu, mức độ sản xuất. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, giảm thời gian “chết” trong sản xuất.

Ông Tín cũng nhấn mạnh, khi áp dụng những công nghệ 4.0 vào sản xuất, con người vẫn là trung tâm. Bởi khi đó tất cả hệ thống máy móc điều khiển thông minh đều nhằm giúp con người làm việc tốt hơn, quản lý công việc, vận hành nhà máy hiệu quả hơn. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu công việc, người lao động không chỉ cần nắm chắc những kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành nghề chuyên môn mà còn cần phải biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. 

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Bình Tiên (Bitis’) Trần Thị Kim Liên cho hay, doanh nghiệp thay đổi công nghệ tự động với năng suất cao, chi phí thấp là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng hoàn toàn còn thời gian để nhiều công nhân chuẩn bị hành trang kiến thức, tư duy để song hành và phát triển cơ hội nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bà Liên cho biết, tại công ty nhiều lao động trẻ trước đây có trình độ văn hóa thấp hoặc chưa được qua đào tạo nghề đã biết lập kế hoạch và đi học bổ túc văn hóa, đi học nghề, thậm chí là học lên cao đẳng, đại học.

Trong buổi làm việc tại  Đồng Nai mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Quân cho rằng cần có một lực lượng công nhân nòng cốt am hiểu kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nhân rất cần tuyên truyền sâu và nhận thức sâu sắc về những cơ hội đi kèm nguy cơ của cuộc cách mạng công nghiệp này mang đến. Chỉ khi công nhân có nhận thức đầy đủ mới có thể sẵn sàng đón nhận, và có kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho tương lai, thích ứng với môi trường sản xuất tự động ngày càng hiện đại. 

C.Nghĩa - H.Dung - V.Truyên

Bài 3: Chuẩn bị tốt hành trang cho người lao động

Tin xem nhiều