Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng xử thông minh trên mạng xã hội

02:11, 08/11/2018

Internet và mạng xã hội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có tác động sâu sắc nhiều chiều đến xã hội. Tiếp cận và ứng xử trên mạng xã hội một cách thông minh, có chọn lọc là điều rất cần thiết...

Internet và mạng xã hội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có tác động sâu sắc nhiều chiều đến xã hội. Tiếp cận và ứng xử trên mạng xã hội một cách thông minh, có chọn lọc là điều rất cần thiết đối với mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên và người đứng đầu.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chụp hình selfie với giáo viên mầm non tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ông cũng là người thường xuyên có các bức hình selfie với nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội, làm cho hình ảnh của cán bộ lãnh đạo trở nên gần gũi hơn với công chúng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chụp hình selfie với giáo viên mầm non tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ông cũng là người thường xuyên có các bức hình selfie với nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội, làm cho hình ảnh của cán bộ lãnh đạo trở nên gần gũi hơn với công chúng. Ảnh: Công Nghĩa

Hiện nay, việc mỗi cá nhân sở hữu và sử dụng các tài khoản mạng xã hội như Facebook hay Zalo đã trở nên rất phổ biến. Những công cụ mạng xã hội này không chỉ giúp các cá nhân đăng tải thông tin mà còn tiếp cận được với nhiều thông tin khác nhau. Tuy nhiên, việc đăng tải và tiếp cận thông tin không chọn lọc rất đáng lo ngại, nhất là nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước.

* Nhận thức từ người đứng đầu

58 triệu

Là số người dùng Facebook ở Việt Nam, xếp thứ 7 trên thế giới.

Mỗi ngày trên internet xuất hiện hàng triệu thông tin, trong số đó có rất nhiều thông tin độc hại tạo ra bởi những mục đích xấu mà các nhà quản lý khó lòng ngăn chặn được. Trên Facebook, Zalo không khó để tiếp cận các thông tin xuyên tạc, bịa đặt nói xấu Đảng, Nhà nước và lãnh đạo. Các thế lực thù địch đã lợi dụng internet và mạng xã hội để tạo ra “trận địa ảo”, không ngừng tấn công chống phá đất nước ta. Đúng như Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XIV) đang diễn ra tại Hà Nội: “Mạng xã hội không còn là ảo nữa mà đã trở nên rất thật nên không thể bỏ trống chiến trường này”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết lực lượng cán bộ quản lý đứng đầu các trường từ mầm non tới THPT của tỉnh có trên 800 người, có ảnh hưởng về nhận thức tư tưởng chính trị rất lớn đến gần 37 ngàn cán bộ, giáo viên và hơn 760 ngàn học sinh. Đây là một con số rất lớn, do đó nâng cao nhận thức về ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ đứng đầu các trường là việc hệ trọng. Mỗi người đứng đầu khi tiếp cận mạng xã hội cần có đủ kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh để biết được đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu để tiếp nhận hay từ chối.

Chia sẻ với cán bộ ngành giáo dục tại Đồng Nai, mới đây ông Nguyễn Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục A67 Bộ Công an cho rằng hơn ai hết mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu của mỗi đơn vị phải thực sự nhận thức được nguy cơ này, phải trau dồi cho mình sự am hiểu, kỹ năng tiếp nhận thông tin. Khi người đứng đầu có ý thức tốt trong việc tiếp cận mạng xã hội thì có thể định hướng cho nhiều người, tránh được các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng kích động, lôi kéo gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước.

Nêu gương trên mạng xã hội

Đất nước ngày một phát triển, người dân ngày càng có nhiều cơ hội kết nối với thế giới không giới hạn thông qua nhiều kênh, trong đó có internet và mạng xã hội. Mặt trái của quá trình toàn cầu hóa đã bị các thế lực thù địch tận dụng một cách triệt để cố tình bôi xấu Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực tế đã có những thời điểm, các thế lực thù địch dùng mạng xã hội để lôi kéo, kích động người dân tham gia vào các cuộc tụ tập động người, gây mất an ninh trật tự. Do đó việc tiếp cận và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, sáng suốt, có chọn lọc, cảnh giác cao là rất quan trọng.

Trải nghiệm mạng xã hội Zalo tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh:
Trải nghiệm mạng xã hội Zalo tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Công Nghĩa

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết việc tiếp cận, sử dụng mạng xã hội không còn là điều xa lạ với cán bộ, công chức thành phố. Tuy nhiên việc sử dụng như thế nào để phục vụ hiệu quả cho công việc, cho cuộc sống và an toàn cho tổ chức và cá nhân là điều rất đáng bàn. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác rất lớn của cán bộ, công chức, trong đó có vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu. Thành phố thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức về việc sử dụng internet và mạng xã hội phải luôn an toàn, tiếp cận thông tin phải tỉnh táo, nhất là những thông tin xấu, độc; tuyệt đối không biến mạng xã hội thành những diễn đàn cá nhân thể hiện những quan điểm lệch lạc, làm xấu đi hình ảnh của cán bộ, đảng viên, đồng thời vô tình trở thành cơ hội cho các thế lực lợi dụng kích động.

Trưởng ban Dân vận Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng là người đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ hiệu quả cho công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Những hình ảnh: tổ chức ra quân làm đường giao thông nông thôn, xây nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo, ra quân làm công tác dân vận… đã tạo được sự lan tỏa tích cực, thực sự “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từ đó củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Ông Phạm Văn Hoàng bày tỏ trăn trở: “Còn không ít người dân chưa đủ nhận thức và kỹ năng “thanh lọc” thông tin xấu trên mạng xã hội. Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhất là những người đứng đầu cần là những người gương mẫu, đi đầu trong xây dựng hành vi, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội”.

Cụ thể, theo ông Hoàng, đảng viên, người đứng đầu phải gương mẫu, tuyệt đối không được có những phát ngôn, hành động thể hiện những nhận thức non yếu, lệch lạc về tư tưởng chính trị, thậm chí là cổ súy cho những hành vi sai trái, ảnh hưởng tiêu cực niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Cán bộ, đảng viên và người đứng đầu còn cần phải là những người định hướng, giải thích cho nhân dân đâu là những thông tin tốt, đâu là thông tin xấu để có thể tránh xa các chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo, kích động.    

Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Văn Hồng:

Các thế lực thù địch, phản động vẫn đang tiếp tục nuôi ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức, trong đó tận dụng công cụ mạng xã hội để đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, sai sự thật để chống phá, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các đối tượng này cũng đã và đang thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đứng trước nguy cơ này, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải hết sức tỉnh táo, nêu cao ý thức cảnh giác, ý thức nêu gương của cán bộ, đảng viên để xây dựng văn hóa ứng xử chuẩn mực trên mạng xã hội.  

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập:

Để sử dụng có hiệu quả mạng xã hội, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên cung cấp cho cán bộ, đảng viên thuộc đơn vị quản lý những thông tin chính thống, những hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp trên để cán bộ, đảng viên có những luận cứ, thông tin xác đáng; từ đó đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các cán bộ, đảng viên trong cùng cơ quan cũng kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, không để đồng chí, đồng nghiệp bị lôi kéo, dụ dỗ, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.

Hạnh Dung (ghi)

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều