Báo Đồng Nai điện tử
En

Viêm tụy cấp rất nguy hiểm

10:11, 05/11/2018

Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang điều trị cho bệnh nhân L.K.T. (29 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) bị viêm tụy cấp mức độ nặng.

Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang điều trị cho bệnh nhân L.K.T. (29 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) bị viêm tụy cấp mức độ nặng. 

Bác sĩ CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân L.K.T. Sau 3 ngày được điều trị, sức khỏe anh T. đã có chuyển biến theo hướng tích cực. ảnh: H.D
Bác sĩ CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân L.K.T. Sau 3 ngày được điều trị, sức khỏe anh T. đã có chuyển biến theo hướng tích cực. ảnh: H.D

Trước đó, có 2 bệnh nhân bị viêm tụy cấp mức độ nặng hơn phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh để điều trị.

* Cần hiểu về viêm tụy cấp điển hình

Anh T. nhập viện ngày 25-10 trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, buồn ói, bụng chướng. Sau khi tiếp nhận bệnh, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm men tụy, mỡ máu. Kết quả cho thấy chỉ số 2 loại men tụy (amila và lipase) và mỡ máu đều cao gấp 8 lần so với bình thường (trong khi chỉ cần cao gấp 3 lần bình thường đã có thể xác định viêm tụy). Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị phù nề toàn bộ tụy tạng, đậm độ không đồng nhất, bờ tụy không đều, thâm nhiễm mỡ phúc mạc quanh tụy, chẩn đoán bị viêm tụy cấp mức độ nặng.

Tụy là một tuyến tiêu hóa vừa có khả năng ngoại tiết vừa có khả năng nội tiết. Tụy tiết ra các men tiêu hóa để tiêu hóa protein và tinh bột. Ngoài ra, tụy còn tiết ra các hormone để điều hòa mức đường huyết trong cơ thể.

Qua tìm hiểu được biết, anh T. trước khi nhập viện có uống bia rượu và trong một thời gian dài cũng không xổ giun.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh viêm tụy bao gồm viêm tụy cấp và viêm tụy mạn tính. Viêm tụy cấp là bệnh cấp tính, nguy hiểm hơn và có thể gây tử vong.

Bệnh nhân bị viêm tụy cấp thường nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị (hơn 90%) rồi lan ra sau lưng, kèm theo triệu chứng nôn ói (khoảng hơn 80%).

Nguyên nhân dẫn đến viêm tụy thường do sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật; do rượu bia và tăng triglicerid (tăng mỡ máu). Ở Việt Nam, sỏi ống mật có thể do giun chui ống mật, tạo nhân trong ống mật. Ở nước ngoài, sỏi phần lớn do rối loạn về mỡ máu.

Độ tuổi thường mắc viêm tụy là thanh niên, trung niên (phần lớn là người uống rượu bia nhiều). Tuy nhiên, cũng có một số ít người già bị viêm tụy do sỏi, hoặc cũng có những trẻ nhỏ cũng bị viêm tụy do bị hẹp ống tụy.

Viêm tụy cấp nếu xác định rõ nguyên nhân, giải quyết được nguyên nhân (do sỏi, bia rượu) thì có thể điều trị dứt điểm. Với những trường hợp mỡ máu tăng cao do di truyền thì không thể điều trị dứt điểm được.

* Diễn tiến nhanh, khó lường

Bác sĩ Nguyễn Hòa Hiệp cho hay, bệnh viêm tụy diễn tiến nhanh, có thể từ rất nhẹ đến rất nặng. Với những trường hợp viêm tụy được điều trị đúng, bệnh nhân có thể ổn định sau 3-4 ngày. Có những trường hợp diễn tiến thành viêm tụy hoại tử, bệnh nhân có thể tử vong (khoảng 5-10%). Nói chung, bệnh viêm tụy cấp cần được theo dõi, điều trị tại bệnh viện, không được tự điều trị ở nhà.

Nguyên tắc điều trị của bệnh viêm tụy cấp là bệnh nhân phải nhịn ăn để tuyến tụy được nghỉ ngơi. Sau đó tiến hành bù dịch, bù nước điện giải để cân bằng, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, theo dõi và hồi sức hỗ trợ bệnh nhân. Thức ăn dành cho bệnh nhân viêm tụy cấp ban đầu là nước đường, sau đó là nước cháo loãng. Khi bệnh nhân hồi phục có thể ăn cháo đặc, cơm. Đặc biệt, bệnh nhân không nên ăn những thức ăn có nhiều mỡ, đạm: như thịt, cá, sữa. Nếu có tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm tiết.

Việc tiếp cận, điều trị viêm tụy tốt nhất trong 32 giờ đầu. Sau đó đánh giá lại, theo dõi từ 3-7 ngày hoặc 7-28 ngày trong trường hợp bệnh có diễn tiến nặng.

Bệnh viêm tụy cấp gây nên những biến chứng tại chỗ như: tụ dịch phân tụy, dịch tụy bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, áp-xe. Nếu áp-xe khỏi sẽ biến chứng thành nang giả tụy. Nếu biến chứng toàn thân, suy đa cơ quan, sốc, bệnh nhân có thể tử vong.

Để phòng ngừa bệnh viêm tụy, bác sĩ Nguyễn Hòa Hiệp khuyên người dân nên có chế độ ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia, xổ giun định kỳ. Đặc biệt, những người đã từng bị viêm tụy, được điều trị rồi cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, tránh tái phát.

An Yên (ghi)

Tin xem nhiều