Báo Đồng Nai điện tử
En

3 học sinh chế tạo robot

10:12, 19/12/2018

"Xin chào quý khách, mời quý khách lấy sản phẩm. Chúc quý khách ngon miệng" - đó là câu nói được phát ra từ robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng do nhóm học sinh của Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) chế tạo nhằm thay thế nhân viên phục vụ tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống.

“Xin chào quý khách, mời quý khách lấy sản phẩm. Chúc quý khách ngon miệng” - đó là câu nói được phát ra từ robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng do nhóm học sinh của Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) chế tạo nhằm thay thế nhân viên phục vụ tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống.

Khách hàng tự lấy đồ uống từ robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng tại một quán cà phê ở huyện Trảng Bom.
Khách hàng tự lấy đồ uống từ robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng tại một quán cà phê ở huyện Trảng Bom.

Đây cũng là một trong 15 dự án đến từ các sở GD-ĐT và các trường đại học trong cả nước lọt vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018.

* “Nhân viên phục vụ” thời 4.0

“Cha đẻ” của robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng này là 3 chàng trai: Trần Nguyễn Thanh Bi, Trần Vũ Nhật Hào và Sầm Đức Anh.

Ngày 16-12, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên - SV.Startup tại Trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo, các chuyên gia, học sinh, sinh viên trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp và trưng bày những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, đồng thời khích lệ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, Thanh Bi cho biết thông qua truyền thông, sách báo, các em được biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tự động hóa đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quan sát tại các nhà hàng, quán cà phê, sân bay, siêu thị… nhóm nhận thấy việc vận chuyển sản phẩm đến kệ bán hàng trong siêu thị; vận chuyển thức ăn, đồ uống đến bàn của khách hàng trong nhà hàng, quán ăn hay vận chuyển hành lý của khách hàng lên và xuống máy bay chưa được tự động hóa. Hầu hết ở những nơi đó đều phải thuê nhân viên để thực hiện hoàn toàn thủ công, tốn nhiều chi phí mà năng suất lại chưa cao.

“Do vậy, chúng em quyết định sẽ chế tạo một robot có thể thực hiện những công việc đó một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng, đem lại sự hài lòng cho khách hàng” - Thanh Bi cho hay.

Nghĩ là làm, 3 chàng trai bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng. Sau nhiều tháng thực hiện, mô hình robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng “chào đời” với cấu tạo gồm 2 phần chính là điện điều khiển và cơ khí.

Phần điện điều khiển gồm các rơ le, cảm biến, nút nhấn. Phần cơ khí gồm khung đỡ, động cơ và bộ truyền lực. Khi nhấn nút nguồn khởi động, bộ phận điều khiển rơ le sẽ hoạt động. Cùng lúc đó, đèn tín hiệu màu xanh sẽ bắt đầu sáng, báo hiệu trạng thái hoạt động của robot. Cảm biến dò đường line cũng bắt đầu hoạt động và đưa thông tin về rơ le để xử lý. Động cơ nhận thông tin từ rơ le và hoạt động cùng với sự tự điều chỉnh hướng của động cơ bánh lái sao cho cảm biến duy trì tín hiệu cho rơ le xử lý. Nhờ đó, robot sẽ di chuyển theo đường line kim loại. Khi đến các trạm dừng (bàn ăn, uống nước, kệ để hàng…), cảm biến kim loại trên xe dò được tín hiệu từ miếng kim loại gắn ở các trạm sẽ dừng lại, đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ sáng, còn loa phát ra âm thanh sẽ tương tác với khách hàng (tùy vào câu lệnh được cài đặt trước đó) để khách hàng biết và lấy sản phẩm được để sẵn trên xe.

Khi đã lấy sản phẩm trên xe xong, khách hàng chỉ cần nhấn nút “Tiếp tục” trên khung xe, xe sẽ di chuyển đến các trạm dừng khác cho đến khi tới đích và trở về vị trí ban đầu. Trong trường hợp khách hàng đã lấy sản phẩm mà không nhấn nút thì xe sẽ ở trạng thái chờ trong vòng 3 phút rồi tự tiếp tục đi hoặc nhờ vào điều khiển của người chủ.

* Khát vọng khởi nghiệp

Thầy Nguyễn Thanh Phương, giáo viên Trường THPT Thống Nhất A, giáo viên hướng dẫn cho nhóm học sinh, chia sẻ: “Cả 3 học sinh đều có niềm đam mê nghiên cứu khoa học lớn. Các em rất chịu khó tìm tòi, học hỏi và không ngừng nỗ lực để theo đuổi đam mê. Chi phí để thực hiện 1 robot hiện nay khoảng 13 triệu đồng. Tôi rất mong sẽ có nhà đầu tư hợp tác để hoàn thiện sản phẩm của các em ứng dụng ngay vào cuộc sống”.

Theo Trần Vũ Nhật Hào, thị trường mà sản phẩm robot hỗ trợ và chăm sóc khách hàng hướng tới là các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa và tại các điểm dịch vụ như: quán ăn, quán cà phê, khách sạn, sân bay…

“Một điểm khác biệt để robot này có thể cạnh tranh với những chiếc xe tự hành khác đang có mặt trên thị trường ở chỗ, các xe tự hành phần lớn chỉ tập trung phục vụ cho một số đối tượng khách hàng nhất định, làm thu hẹp phạm vi làm việc. Còn với sản phẩm này, chúng em sẽ thiết kế phần đế di chuyển tách rời hoàn toàn với phần khay chứa để dễ dàng thay đổi hình dáng, kích thước của xe sao cho phù hợp với từng môi trường làm việc và nhu cầu thị yếu của khách hàng” - Nhật Hào cho hay.

Theo đó, nếu sử dụng tại các công ty, doanh nghiệp, khách sạn cần vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn, nhóm tác giả sẽ thiết kế khung xe chịu được trọng tải lớn và diện tích của khay chứa rộng hơn. Ở các quán cà phê, nhà hàng, siêu thị, các nam sinh sẽ thay đổi khung xe có các mấu bám để giữ cố định hàng hóa tránh gây đổ vỡ trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, cũng có thể thay đổi khung xe để tạo cho sản phầm những hình dáng khác nhau gây sự tò mò cho khách hàng và thu hút khách hàng.

“Chúng em hy vọng sản phẩm sẽ sớm nhận được sự đầu tư của các chủ cơ sở, doanh nghiệp để sản phẩm sớm trở thành hiện thực trong tương lai không xa” - Thanh Bi bày tỏ.

An Yên

Tin xem nhiều