Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị kỹ để tiêm vaccine Combe Five

09:12, 31/12/2018

Sau một thời gian thiếu vaccine 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ngày 5-1-2019, toàn tỉnh sẽ bắt đầu tiêm vaccine 5 trong 1 Combe Five cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi.

Sau một thời gian thiếu vaccine 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ngày 5-1-2019, toàn tỉnh sẽ bắt đầu tiêm vaccine 5 trong 1 Combe Five cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi.

Trẻ tiêm phòng vaccine tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai.
Trẻ tiêm phòng vaccine tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai.

Đây là loại vaccine do Ấn Độ sản xuất, thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem, nhằm phòng tránh các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mũ do vi khuẩn Hib.

* Hơn 93 ngàn trẻ cần tiêm vaccine Combe Five

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 27-12 đã có 12 tỉnh trong cả nước triển khai tiêm vaccine Combe Five là: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An với tổng số trẻ được tiêm gần 70 ngàn.

Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như trẻ bị sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc, còn ghi nhận một số trường hợp trẻ bị sốt cao, quấy khóc kéo dài sau khi tiêm vaccine Combe Five với tỷ lệ khoảng 0,05-5,5%.

Theo ước tính của Sở Y tế, có hơn 93,2 ngàn trẻ trong tỉnh cần được tiêm đủ 3 mũi vaccine Combe Five trong năm 2019. Trong đó, có cả những trẻ đủ tuổi tiêm chủng từ năm 2018 nhưng do thiếu vaccine nên chưa được tiêm đầy đủ.

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết, trong tháng 1-2019 Đồng Nai được cấp 14,7 ngàn liều vaccine Combe Five, ưu tiên tiêm mũi 1 cho những trẻ sinh từ ngày 1-8-2018 đến 31-10-2018. Những trẻ trong độ tuổi nếu chưa tiêm đủ liều vaccine 5 trong 1 thì tiếp tục được uống vaccine bại liệt (OPV) trong tháng 1-2019 và sẽ tiêm bổ sung vaccine Combe Five vào những tháng tiếp theo.

Thời gian tiêm từ ngày 5 đến 10-1-2019 tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và tất cả 171 trạm y tế  xã/phường/thị trấn trong toàn tỉnh.

Để công tác tiêm chủng được an toàn, hiệu quả, Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai đã tổ chức hội nghị tập huấn về tiêm vaccine Combe Five cho các trung tâm y tế huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa. Các trung tâm y tế tuyến huyện sau đó sẽ phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ y tế về việc chuyển đổi vaccine Combe Five, quản lý chặt chẽ những đối tượng tiêm chủng.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải đề nghị các địa phương cần tập huấn kỹ những nội dung cần thiết cho cán bộ, nhân viên y tế phụ trách tiêm chủng, thực hiện nghiêm quy trình giao, nhận, bảo quản vaccine, thực hiện khám sàng lọc chặt chẽ và tư vấn đầy đủ trước khi tiêm chủng, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng, tuân thủ đúng các trường hợp chỉ định, chống chỉ định và kịp thời xử lý đối với các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng nếu có.

* Phụ huynh cần lưu ý

Do lượng vaccine được cấp về cho Đồng Nai trong tháng 1 chưa đủ so với nhu cầu tiêm chủng của người dân trong tỉnh nên các trung tâm y tế đã có kế hoạch thông báo cho người dân nắm rõ tình hình.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn cho hay, Trung tâm y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tiến hành rà soát, nắm chắc số trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine, kể cả những trẻ tiêm chưa đủ 3 mũi trước đó. Để đảm bảo việc tiêm chủng diễn ra thuận lợi, các trạm y tế sẽ ưu tiên cho những trẻ tiêm mũi đầu tiên nhằm đảm bảo sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, tránh tình trạng người dân cùng đến trạm y tế quá đông trong ngày, các trạm y tế sẽ tiến hành thông báo trên loa phát thanh hoặc qua điện thoại để người dân đưa trẻ đi tiêm theo thứ tự quy định.

Lãnh đạo Sở Y tế lưu ý các trung tâm y tế, trạm y tế cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc tiêm chủng vaccine, sự thay đổi vaccine mới… để người dân hiểu rõ và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Đặc biệt, thực hiện nghiêm ngặt quy trình, nội quy, kỹ thuật tiêm chủng, không để xảy ra sai sót.

Riêng các bậc phụ huynh, khi đưa trẻ đi tiêm cần tuân thủ các việc sau: đưa trẻ đến địa điểm tiêm chủng đúng thời gian, khi đi mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân; chủ động thông báo cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước đó như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.

Sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Về nhà, phụ huynh cần theo dõi trẻ thường xuyên trong vòng 1 ngày để xem tình trạng sức khỏe của trẻ ra sao. Nếu trẻ có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý hơn đến trẻ, cho trẻ bú nhiều hơn, cho trẻ bú khi trẻ đang thức, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất kỳ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ bị sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các biểu hiện bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao (trên 39OC), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, li bì, phát ban… hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều