Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng giảm áp lực, nâng chất lượng

09:12, 30/12/2018

Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT chính thức công bố và bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021, được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho cả giáo viên lẫn học sinh, đồng thời có thể cải thiện tốt hơn chất lượng dạy và học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT chính thức công bố và bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021, được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho cả giáo viên lẫn học sinh, đồng thời có thể cải thiện tốt hơn chất lượng dạy và học.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) tham quan Bảo tàng Đồng Nai - một trong những giờ học ngoại khóa của nhà trường.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) tham quan Bảo tàng Đồng Nai - một trong những giờ học ngoại khóa của nhà trường.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, số lượng các môn học đều giảm đáng kể trong khi thời gian học tăng lên, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sâu với kiến thức và thực hành kỹ năng.

* Nhẹ hơn với số môn học

Cụ thể, ở cấp tiểu học có các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và địa lý, Khoa học, Tin học và công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Trong đó môn ngoại ngữ tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2) và một môn học mới là Tin học và công nghệ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới công bố cách đây ít ngày, nhưng trước đó Đồng Nai đã có những bước chuẩn bị trước cả về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lẫn đào tạo bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Thời gian tới sở sẽ tiếp tục rà soát để xây dựng phương án thực hiện hiệu quả ngay từ năm đầu, nhất là việc bồi dưỡng cập nhật chương trình mới, thay đổi sách giáo khoa, đề cao vai trò của hiệu trưởng các trường trong xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ở bậc THCS sẽ có các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn ở bậc học này là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Điểm mới là trước đây môn Tin học là môn tự chọn thì nay là chương trình bắt buộc.

Đối với bậc học THPT, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Học sinh được lựa chọn các môn học theo 3 nhóm gồm: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên - công nghệ và Nghệ thuật. Ở bậc học này cũng có các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ phải lựa chọn tối thiểu 5 môn tự chọn để học.

Cô Phạm Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cho rằng số lượng môn học được cắt giảm trong chương trình phổ thông mới là một tín hiệu đáng mừng cho cả giáo viên và học sinh. Thực tế các môn học hiện nay quá nhiều, phần lớn học sinh chỉ lo đối phó với việc trả bài, làm các bài kiểm tra 15 phút, 45 phút, giữa kỳ rồi thi học kỳ… là đã quá áp lực, không còn đủ thời gian để học các kỹ năng và nghỉ ngơi.

Còn ông Đinh Quang Thành, phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) thì bày tỏ tin tưởng: “Với sự nghiên cứu kỹ của các chuyên gia giáo dục thời gian qua, hy vọng việc học của học sinh sắp tới sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn”.

* Không để bị động

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không thực hiện cùng lúc ở tất cả các bậc học mà sẽ triển khai theo từng khối lớp. Cụ thể theo lộ trình đã được Bộ GD-ĐT công bố, từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6, năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11, năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Học sinh Trường THPT Tam Phước (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) được hướng nghiệp nghề cơ khí.
Học sinh Trường THPT Tam Phước (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) được hướng nghiệp nghề cơ khí.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới, số lượng môn học sẽ ít đi nhưng thời gian học được tăng lên. Theo đó, tổng số giờ học ở bậc tiểu học thực hiện là 2.838 giờ/năm (hiện nay là 2.353 giờ), 9 buổi/tuần (hiện nay là 5 buổi/tuần (tức tăng 485 giờ/năm học và 4 buổi/tuần). Tuy nhiên, một trong những điều kiện khả thi để có thể thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới là các nhà trường ở bậc học này phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để dạy 2 buổi/ngày.

Một trong những điều băn khoăn của thầy trò ở Đồng Nai là khi thực hiện chương trình phổ thông mới liệu nhiều trường tiểu học tại Đồng Nai, nhất là tại TP.Biên Hòa, 2 huyện Trảng Bom và Long Thành có đủ số lớp học để triển khai học 2 buổi/ngày? Bởi thực tế, nhiều địa phương trong đó có TP.Biên Hòa mới chỉ tạm khắc phục trình trạng học ca ba, ở một số trường sĩ số học sinh vẫn từ 50-55 học sinh/lớp, có trường phải đi học nhờ ở một số đơn vị khác.

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết hằng năm sĩ số học sinh của thành phố vẫn tăng, trường học vẫn được xây thêm, tuy nhiên ở một số phường, nhất là Trảng Dài, Long Bình vẫn đang quá tải. Ông Minh nhận định việc thực hiện chương trình phổ thông mới có những thuận lợi nhất định khi thực hiện theo lộ trình nên thành phố sẽ xây dựng kế hoạch chuẩn bị sớm để khi thực hiện sẽ không bị động.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều