Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đột phá mới cho chất lượng nguồn nhân lực

09:12, 23/12/2018

Trong quá trình phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, lĩnh vực GD-ĐT luôn có nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh

Trong quá trình phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, lĩnh vực GD-ĐT luôn có nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo đà cho kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước phát triển bền vững.

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) trong giờ thực hành với thiết bị hiện đại.
Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) trong giờ thực hành với thiết bị hiện đại.

Sau quá trình dài đầu tư liên tục cho giáo dục, đến nay Đồng Nai đã hình thành nên hệ thống trường lớp khang trang, hiện đại từ thành thị đến các xã vùng sâu, vùng xa. Chất lượng GD-ĐT được nâng lên, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

* Hiện đại hóa cơ sở vật chất

NGND-TS.Đỗ Hữu Tài, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT là người gắn bó với ngành GD-ĐT của tỉnh ngay từ những năm đầu đất nước thống nhất cho đến tận ngày nay nhớ lại, những năm mới giải phóng cơ sở vật chất của ngành giáo dục tỉnh rất nghèo nàn, số trường công lập ít ỏi, nhiều lớp phải học tạm ở các đình chùa, học ca ba. Khó khăn hơn là có rất đông người dân khắp nơi đến Đồng Nai lập nghiệp nên càng tạo thêm áp lực cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh khi đó là trường xây đến đâu kiên cố đến đó, không làm tạm bợ bởi sẽ ảnh hưởng lâu dài tới quá trình phát triển giáo dục của tỉnh.

Tổng thư ký Quỹ Học bổng quốc tế Mabuchi Motor Onaka Shunichiro của Tập đoàn Mabuchi Motor Nhật Bản cho hay: “Mabuchi Motor đã có 20 năm đầu tư tại Đồng Nai. Chúng tôi cũng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo sinh viên cho các trường. So với nhiều năm trước hiện nay chất lượng nguồn nhân lực đã được Đồng Nai cải thiện tốt hơn, các doanh nghiệp ngày càng hài lòng hơn về vấn đề này”.

Với sự đầu tư quyết liệt cho GD-ĐT, hệ thống các trường công lập từ mầm non đến THPT của tỉnh từng bước được xây dựng đảm bảo yêu cầu kiên cố, đáp ứng chỗ học cho học sinh. Khi trường lớp cơ bản được đáp ứng, các địa phương cũng dần xóa được tình trạng học sinh phải học ca ba.

Thầy Đỗ Hữu Tài chia sẻ, trong muôn vàn khó khăn nhưng Đồng Nai vẫn nổi lên nhiều “thương hiệu” trường học có tiếng dạy tốt học tốt, trong đó có Trường THPT Ngô Quyền, Trường THPT Long Khánh. Đến năm 1994 tỉnh đã thành lập được Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, sau này trở thành một trong những trường THPT chuyên tốp đầu của cả nước.

Không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, từ năm 2000 Đồng Nai còn là địa phương đi đầu về việc huy động xã hội hóa giáo dục. Từ nguồn đầu tư này đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ ở các trường phổ thông đồng thời mở rộng sang lĩnh vực dạy nghề, đào tạo đại học và sau đại học. Trong đó điển hình là TP.Biên Hòa với hàng loạt các cơ sở giáo dục tư thục lớn như: Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, TH-THCS-THPT Nguyễn Khuyến, Hệ thống trường nhiều cấp học của Công ty cổ phần giáo dục Thành Thành Công, Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng, Trường đại học Lạc Hồng, Trường đại học công nghệ Đồng Nai...

* Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Theo Sở GD-ĐT, những năm qua ngành giáo dục của tỉnh đã có những bước tiến khá dài trên các mặt, nhất là sau 5 năm quyết liệt thực hiện Nghị quyết 29 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đến nay toàn tỉnh có trên 885 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT. Số lượng cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong ngành giáo dục lên đến trên 37 ngàn người. Năm học 2018-2019 toàn tỉnh có trên 760 ngàn học sinh, tăng hơn 150 ngàn học sinh so với 5 năm trước.

Đến nay Đồng Nai có  67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng được Chính phủ phê duyệt là trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế gồm: Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) và Trường cao đẳng cơ giới - thủy lợi (huyện Trảng Bom). Cả 2 trường này đang được Cộng hòa Liên bang Đức đầu tư để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường cho biết: “Nhà trường được đầu tư rất lớn nguồn lực hiện đại hóa và đồng bộ cơ sở vật chất, con người, chương trình đào tạo. Tất cả đều gắn chặt với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực Đông Nam bộ. Chúng tôi đang nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế để hội nhập sâu hơn”.

Đáp ứng nhu cầu phát triển, trong số 4 trường đại học trên địa bàn tỉnh, hiện đã có 2 trường được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, trong đó có Trường đại học Lạc Hồng và Trường đại học công nghệ Đồng Nai. Hằng năm các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho thị trường lao động trên 5 ngàn cử nhân và kỹ sư với trên 20 ngành nghề đào tạo.

TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho hay: “Chúng tôi xác định việc đào tạo nguồn nhân lực phải bám sát nhu cầu của tỉnh, do đó sau khi được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục trong nước vào cuối năm 2017, đến nay chúng tôi đang tiếp tục hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn như tiêu chuẩn về chất lượng của hệ thống các trường đại học khu vực Đông Nam Á (AUN - ASEAN University Network)”.

Đầu tư mạnh cho trường học thông minh

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho hay: “Đồng Nai đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học cũng như công tác quản lý. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới từ mô hình thí điểm xây dựng trường học tiên tiến tại 26 trường ở các cấp học với kinh phí trên 400 tỷ đồng đang trong giai đoạn cuối của lắp đặt thiết bị. Sở cũng đang tham mưu sớm hoàn thiện xây dựng đề án trung tâm điều hành giáo dục để tạo ra sự kết nối giữa sở với các địa phương và các trường trong quá trình hoạt động”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều