Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 6: Thách thức vẫn ở phía trước

04:12, 08/12/2018

Y tế thông minh mang lại những lợi ích rất lớn, rất thiết thực. Để xây dựng và hoàn thiện đề án này, Đồng Nai đang bước những bước đầu tiên, đặt nền móng cho hạ tầng y tế thông minh, hệ thống quản trị y tế thông minh và chăm sóc sức khỏe thông minh… đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tế cũng như xu hướng tất yếu của thời đại.

Y tế thông minh mang lại những lợi ích rất lớn, rất thiết thực. Để xây dựng và hoàn thiện đề án này, Đồng Nai đang bước những bước đầu tiên, đặt nền móng cho hạ tầng y tế thông minh, hệ thống quản trị y tế thông minh và chăm sóc sức khỏe thông minh… đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tế cũng như xu hướng tất yếu của thời đại. Theo nhận định của lãnh đạo Sở Y tế, nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi phía trước.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chẩn đoán hình ảnh mới thực hiện được tại một số cơ sở
Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chẩn đoán hình ảnh mới thực hiện được tại một số cơ sở

[links()]* Những rào cản...  

Chia sẻ với chúng tôi những khó khăn phía trước, ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, cái khó nhất hiện nay là nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa sử dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi và đồng bộ do những rào cản từ hạ tầng, thiết bị đến con người.

Đồng Nai hiện có 1.773 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó bao gồm bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh và tương đương, các trung tâm y tế, công ty phòng khám và phòng khám đa khoa, trạm y tế xã phường và phòng khám bác sĩ gia đình.  Theo đánh giá của Sở Y tế, ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã có và đang phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin  không đồng đều, chủ yếu  mới chỉ có tại một số bệnh viện, trung tâm y tế. Còn lại nhiều đơn vị chưa chú trọng đến việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin,  phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu, hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin chưa phù hợp và chưa tương xứng với quy mô hoạt động của đơn vị.

Vẫn biết công nghệ thông tin  có những đóng góp thiết thực đối với sự phát triển trên nhiều mặt hoạt động của ngành y tế trong thời gian qua, nhưng thực tế cho thấy việc đầu tư cho công nghệ thông tin trong ngành y tế vẫn manh mún, dàn trải và chưa có kiến trúc tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành; các chuẩn thông tin y tế chưa hoàn chỉnh, đồng bộ do đó nhiều đơn vị đã không thành công khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở cơ sở.

Từ năm 2003, Sở Y tế Đồng Nai đã triển khai công nghệ thông tin giai đoạn 1, đến năm 2010, hệ thống quản trị công nghệ thông tin đã được triển khai tập trung hơn và quản lý khá tốt các hoạt động của một số bệnh viện. Dù vậy, ông Lê Quang Trung cho biết thời điểm đó vẫn chưa có hành lang pháp lý, chưa có những quy định chuẩn cũng như mô hình cho các bệnh viện học tập. Mãi đến tận năm 2014, Đồng Nai bắt đầu bước sang đầu tư giai đoạn 2 và chính thức triển khai vào năm 2016.

Mục đích là toàn bộ hệ thống y tế của tỉnh Đồng Nai sẽ sử dụng một hệ thống phần mềm thống nhất quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở. Việc đầu tư tập trung này theo ông Lê Quang Trung là để tránh tình trạng mỗi đơn vị sử dụng phần mềm khác nhau, khó đồng bộ và quản lý. Đồng thời cũng sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc mua sắm riêng lẻ. Và phải đến hết năm 2018, ngành y tế Đồng Nai  mới triển khai giai đoạn 3 cho toàn bộ hệ thống y tế với một số phân hệ trong đó có bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử….

Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một xu hướng tất yếu và cần thiết của mọi bệnh viện
Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một xu hướng tất yếu và cần thiết của mọi bệnh viện

Dù đã được triển khai áp dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh và báo cáo thống kê qua mạng từ 15 năm nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế Đồng Nai vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do còn tùy theo nhu cầu và khả năng từng cơ sở, nên các yếu tố kỹ thuật như chuẩn dữ liệu, mã danh mục… chưa được chuẩn hóa, thống nhất. Hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa tương xứng, tuyến xã còn thiếu máy chủ, máy tính; không có thiết bị dự phòng, giải pháp sao lưu. Đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ thông còn thiếu nhiều so với quy định, vì thế chưa khai thác tốt dữ liệu cho công tác quản lý, điều hành.

Về công tác quản lý nhà nước, Sở đã có phần mềm quản lý đối với các lĩnh vực hoạt động quan trọng, đáp ứng yêu cầu quản lý về  văn bản, quy trình xử lý hồ sơ dịch vụ hành chính công, quản lý hành nghề y tế, hoạt động thanh tra… Tuy nhiên, còn một số lĩnh vực vẫn chưa triển khai phần mềm quản lý như công tác quản lý danh mục kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh, quản lý nhân sự hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế tư nhân…

*Cần một giải pháp đồng bộ

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, trong giai đoạn sắp tới, việc triển khai ứng dụng công nghệ của ngành y tế Đồng Nai  phải tính đến việc trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế trong nước và bên ngoài. Do vậy, phải xây dựng một hệ thống thông tin hoàn chỉnh theo mô hình kiến trúc tổng thể thông tin y tế, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối trong toàn ngành, kết nối với các bệnh viện ngoài tỉnh và với Bộ Y tế.

Với mạng lưới khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hơn 3 triệu dân, rất cần các giải pháp tin học hóa quản lý mạnh có tính hệ thống cao, liên thông liên kết giữa các bệnh viện, giữa hệ điều trị và hệ dự phòng, cũng như đầu tư phát triển tại các cơ sở khám chữa bệnh hợp lý và hiệu quả. Vì thế, với Đồng Nai triển khai ứng dụng Y tế thông minh là một chương trình dài hơi và phức tạp.

Do vậy, hiện ngành y tế tỉnh đang thực hiện một giải pháp đồng bộ với 3 mục tiêu: Thứ nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, đến năm 2020, tất cả cơ sở y tế kết nối vào trục liên thông tích hợp chung của  tỉnh và có thể kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Y tế; Thứ hai là xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, hoạt động khám chữa bệnh, y tế dự phòng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính. Trước hết là hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản điện tử và công tác chỉ đạo, điều hành; hoạt động chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hành chính công đều được quản lý bằng phần mềm; triển khai hệ thống quản lý hoạt động y tế dự phòng, hệ thống ứng dụng GIS thông tin địa lý phòng chống dịch bệnh cho tất cả các trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã, thành  phố và các trạm y tế; Thứ ba là hoàn chỉnh nguồn nhân lực về CNTT. Cuối năm 2019, tất cả cơ sở y tế đáp ứng đủ nhân lực CNTT theo quy định.

10 nhóm ứng dụng trong nghiên cứu và vận dụng triển khai khi xây dựng Y tế thông minh trên địa bàn Đồng Nai:

  • Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) và chuẩn hóa cở sở dữ liệu, đáp ứng liên thông BHYT
  • Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS)
  • Triển khai hệ thống lưu trữ và luân chuyển hình ảnh (PACs) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS)
  • Tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACs/RIS; Xây dựng bệnh án điện tử
  • Ứng dụng các công nghệ nhận dạng mới
  • Xây dựng các hệ thống cảnh báo tự động
  • Nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán
  • Xây dựng ứng dụng tương tác với người bệnh trên thiết bị di động, web
  • Đảm bảo an toàn thông tin

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều