Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo động tình trạng kháng kháng sinh

09:02, 25/02/2019

Việc tự ý mua, bán thuốc kháng sinh để điều trị bệnh không có chỉ định của bác sĩ thời gian qua khiến tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng đang ở mức đáng báo động.

Việc tự ý mua, bán thuốc kháng sinh để điều trị bệnh không có chỉ định của bác sĩ thời gian qua khiến tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng đang ở mức đáng báo động.

Bác sĩ CKII Trần Đoàn Đạo, Phó giám đốc chuyên môn kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện đại học y dược Shingmark (TP.Biên Hòa) kiểm tra vết thương cho bệnh nhân N. khi bệnh nhân tái khám tại bệnh viện
Bác sĩ CKII Trần Đoàn Đạo, Phó giám đốc chuyên môn kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện đại học y dược Shingmark (TP.Biên Hòa) kiểm tra vết thương cho bệnh nhân N. khi bệnh nhân tái khám tại bệnh viện

Nếu không kịp thời chấn chỉnh tình trạng “mua thuốc dễ như mua rau”, người dân sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy.

* Dùng sai thuốc kháng sinh gây sốc nhiễm khuẩn nặng

Cuối tháng 1-2019, Bệnh viện đại học y dược Shingmark (TP.Biên Hòa) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H.T.N. (64 tuổi, ngụ xã Tam An, huyện Long Thành)  trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, mê man trên thể trạng bị tiểu đường. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó thấy cẳng tay phải bị đau nhức, sưng đỏ nên đã tự ý lấy kim để chích lễ chỗ bị đau nhưng không bớt. Với tâm lý chủ quan nghĩ rằng vết thương đơn giản, bệnh nhân đã tự ý đến các quầy thuốc gần nhà để mua thuốc kháng sinh uống nhằm giảm đau mà chưa có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ. Kết quả sau khi dùng thuốc kháng sinh, chỗ vết thương của bà N. không những không khỏi mà còn bị nhiễm trùng gây hoại tử và ngày càng lan rộng.

Bác sĩ CKII Trần Đoàn Đạo, Phó giám đốc chuyên môn kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện đại học y dược Shingmark, người trực tiếp xử lý ca bệnh cho biết, nhận thấy vết thương ở cẳng bàn tay phải viêm tấy đỏ, có hiện tượng mủ tụ dưới da nên các bác sĩ quyết định phải cắt bỏ chỗ da bị hoại tử càng sớm càng tốt. Sau khi cắt bỏ phần da hoại tử, bệnh nhân được chăm sóc vết thương, sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý. Khoảng 10 ngày khi vết thương ổn định, các bác sĩ đã tiến hành ghép da cho bệnh nhân. Đến nay, chỗ vết thương của bệnh nhân đã bình phục.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo cho rằng, trường hợp này nếu không sớm đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, điều trị, cho kháng sinh hợp lý thì bệnh nhân dễ bị sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Do đó, khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện bất thường, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, điều trị và chỉ định thuốc hợp lý, tránh tự ý mua kháng sinh tại các quầy thuốc để uống dễ dẫn đến kháng kháng sinh gây nhiều hệ lụy về sau.

* Sử dụng kháng sinh hợp lý

Kháng sinh được hiểu là những chất do vi sinh vật tiết ra hoặc những chất hóa học bán tổng hợp, tổng hợp, với nồng độ rất thấp, có khả năng kìm hãm sự phát triển hoặc diệt được vi khuẩn. Thuốc kháng sinh không chỉ được dùng để dự phòng và điều trị bệnh nhiễm khuẩn mà còn được dùng trong phòng các bệnh gây hại đối với cây trồng, vật nuôi, kích thích sự sinh trưởng của động vật và bảo quản thực phẩm.

Kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn có khả năng kháng lại hiệu quả của thuốc kháng sinh và tiếp tục nhân lên trong cơ thể người bệnh ngay cả khi điều trị bằng kháng sinh. Nguyên nhân là do bác sĩ hoặc người dân chỉ định, sử dụng kháng sinh chưa hợp lý và lạm dụng thuốc kháng sinh.

Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, người dân và các y, bác sĩ cần lưu ý: chỉ dùng kháng sinh điều trị khi chắc chắn có nhiễm khuẩn; chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ trong mọi trường hợp có thể, ưu tiên kháng sinh phổ hẹp, đặc hiệu; dùng kháng sinh đúng liều lượng, đủ về thời gian và phối hợp kháng sinh hợp lý; tuân thủ các biện pháp khử khuẩn và vô khuẩn, tránh lan truyền vi khuẩn đề kháng.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Y tế vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo ngành Y tế cần phân phối, kiểm soát thuốc kháng sinh, kiểm soát hợp lý. Các nhà thuốc, quầy thuốc cần thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế là tất cả các thuốc kháng sinh phải được kê toa và bán theo đơn của bác sĩ. Các cơ sở y tế cần nâng cao sự hiểu biết, nắm vững các nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý đối với bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và các cán bộ y tế khác. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, tránh tình trạng vi khuẩn lây nhiễm chéo trong bệnh viện, ảnh hưởng đến người bệnh, thân nhân người bệnh, thậm chí là bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện khi có dịch bệnh xảy ra.

Nhằm quản lý tình trạng mua bán thuốc không có đơn của bác sĩ, thời gian qua ngành Y tế Đồng Nai đã triển khai hệ thống kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc để tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý việc mua, bán, bảo quản thuốc, hóa đơn điện tử. Kết quả đến nay đã tổ chức đào tạo tập huấn sử dụng phần mềm cho 306 cơ sở loại hình nhà thuốc. Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tổ chức đào tạo sử dụng phần mềm cho hơn 2 ngàn cơ sở kinh doanh dược loại hình quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế trong toàn tỉnh.

An Yên (ghi)

Tin xem nhiều