Báo Đồng Nai điện tử
En

Y tế thông minh phục vụ người dân

09:02, 20/02/2019

Người dân đặt lịch khám bệnh qua mạng; đi khám không cần mang theo sổ, giấy tờ, tiền mặt; không phải chờ đợi lâu; được các bác sĩ có trình độ cao điều trị … là những mục tiêu mà ngành Y tế đang hướng tới.

Người dân đặt lịch khám bệnh qua mạng xã hội; đi khám bệnh không cần mang theo sổ khám bệnh, giấy tờ, tiền mặt, không phải chờ đợi lâu, giải quyết các thủ tục hành chính ngay tại khoa, phòng; được các bác sĩ, điều dưỡng có trình độ cao điều trị chăm sóc sức khỏe…

Các nhân viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh xử lý phim chụp để trả kết quả chụp phim cho bệnh nhân
Các nhân viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh xử lý phim chụp để trả kết quả chụp phim cho bệnh nhân

Đó là những mục tiêu mà ngành Y tế Đồng Nai đang hướng tới và quyết liệt thực hiện.

* Nhiều phần mềm tiện ích

Từ tháng 7-2018 đến nay, công nghệ thông tin được ngành Y tế ứng dụng và triển khai mạnh mẽ nhằm kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, ứng dụng mạng y tế cộng đồng Medcomm, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và bệnh án điện tử.

Theo đó, việc kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc nhằm tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý việc mua, bán, bảo quản thuốc, hóa đơn điện tử. Việc áp dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử nhằm quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục từ khi một công dân sinh ra đến khi mất đi. Mạng y tế cộng đồng Medcomm giúp người dân tra cứu thông tin các cơ sở hành nghề y dược, giúp cơ quan quản lý thống kê, thông báo trực tuyến đến các cơ sở một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm giúp quản lý kiểm soát quá trình cấp phép của cơ quan chức năng, lưu hành thực phẩm của các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Còn bệnh án điện tử là hoạt động nhằm hướng tới xóa bỏ sổ khám bệnh, bệnh án giấy tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, giải bài toán lưu trữ hồ sơ bệnh án quá tải của các bệnh viện.

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2019), sáng 21-2, tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, Báo Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế tổ chức tọa đàm với chủ đề “Y tế thông minh phục vụ người dân” với sự tham gia của đông đảo cán bộ quản lý ngành y tế, bác sĩ, nhân viên các cơ sở y tế trong tỉnh.

Trước đây, bệnh nhân khi đến bệnh viện phải xếp hàng, chờ đợi qua nhiều khâu. Vài năm trở lại đây, nhiều bệnh viện như Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch đã trang bị máy bốc số thứ tự tự động để phân luồng bệnh nhân ngay từ khâu tiếp nhận. Các máy móc đều được liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội, thông tin khám chữa bệnh của bệnh nhân được lưu trữ trực tiếp trên hệ thống. Sau khi bệnh nhân được bệnh viện tiếp nhận, mọi thông tin của bệnh nhân đều đã được tải lên hệ thống, bác sĩ khám sẽ biết được toàn bộ lịch sử khám, điều trị bệnh của bệnh nhân. Khi bác sĩ ra chỉ định cận lâm sàng, thông tin sẽ được chuyển tới các khoa, phòng cần thực hiện một cách nhanh nhất, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sẽ tự động trả về với bác sĩ khám, chỉ định trước đó. Sau khoảng 1-2 phút bác sĩ kê toa thuốc, thông tin được khoa dược, kế toán truy cập trên hệ thống để chuẩn bị thuốc, lập phiếu thanh toán chi phí cho bệnh nhân, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân ở khâu nhận thuốc.

Tại các khu khám bệnh của nhiều bệnh viện có trang bị hệ thống màn hình led lớn để thông báo những thông tin cần thiết như: giá cả thuốc, dịch vụ y tế, lịch khám bệnh… để bệnh nhân được biết; đồng thời phủ sóng wifi miễn phí toàn bệnh viện để bệnh nhân, người nhà trong thời gian chờ đợi có thể truy cập internet giải quyết công việc cá nhân.

* Người bệnh hài lòng

Bà Đoàn Thị Cúc (63 tuổi, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết bà bị bệnh liên quan đến tim mạch và huyết áp nên thường xuyên phải đến bệnh viện để khám và lấy thuốc. Trước đây khi đi khám bệnh ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ bà rất ngại vì phải chen lấn để lấy số thứ tự, cơ sở vật chất cũ kỹ, thủ tục hành chính rườm rà khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu. Từ khi có bệnh viện mới, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều. Điều bà Cúc mong mỏi là bệnh viện sẽ có thêm nhiều bác sĩ giỏi, chẩn đoán bệnh chính xác hơn, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế bệnh viện cũng cần được cải thiện hơn nữa.

Trước nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn và các địa bàn lân cận, từ tháng 4-2018, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã mở 4 phòng khám chuyên gia, mời các bác sĩ có tay nghề cao đang công tác, giảng dạy tại các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh về khám chữa bệnh. Việc làm này được người dân rất hoan nghênh.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, vấn đề cốt lõi mà ngành y tế đang và sẽ hướng tới là trình độ chuyên môn, tay nghề và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở y tế, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Bà Lê Thị Thao (60 tuổi, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) cho biết bà bị cùng lúc nhiều bệnh như: viêm đa khớp, tiểu đường, cao huyết áp, viêm xoang, đau dạ dày. Trước kia khi Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chưa có phòng khám chuyên gia, cứ 2-4 tuần bà phải nhờ các con thuê xe, đi từ 3 giờ sáng lên Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh và các bệnh viện khác ở TP.Hồ Chí Minh để khám, chữa bệnh. Mỗi lần đi như vậy tốn khoảng 9 triệu đồng. Từ khi Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh mời các chuyên gia ở TP.Hồ Chí Minh về khám chữa bệnh, bà Thao không còn phải đi xa, lại được khám bảo hiểm y tế nên tiết kiệm được rất nhiều. Riêng chi phí thuốc men, đi lại, bà Thao chỉ tốn khoảng 300 ngàn đồng/lần.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên bộc bạch, việc mời các chuyên gia đầu ngành về Long Khánh làm việc còn nhằm đào tạo tại chỗ, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ trẻ của bệnh viện. Từ khi có các chuyên gia về, bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới như điều trị đột quỵ thành công cho 5 trường hợp, triển khai kỹ thuật nội soi không đau. Ngoài ra, bệnh viện còn triển khai nhiều dịch vụ y tế khác như: phòng sanh gia đình, gội đầu, tắm rửa, xông hơi, tập vật lý trị liệu cho sản phụ sau sinh… Tất cả nhằm hướng tới một mục đích là sự hài lòng của người bệnh.

* Phục vụ người bệnh tốt nhất

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin mà so với trước đây, mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp nhận, điều trị cho từ 4-6 ngàn bệnh nhân, gấp 4-6 lần trước kia. Thời gian khám bệnh giảm từ 2 giờ/lượt khám xuống còn 1 đến 1 giờ 30 phút/lượt. Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 1,3-1,6 ngàn lượt bệnh/ngày. Trung tâm y tế huyện Trảng Bom tiếp nhận khoảng 1 ngàn lượt bệnh/ngày. Thời gian chờ đợi mỗi lần khám bệnh tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai giảm từ 78 phút xuống còn 53 phút.

Không chỉ các cơ sở khám chữa bệnh công lập, các bệnh viện ngoài công lập như: Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, Bệnh viện đại học y dược Shingmark… cũng đã và đang góp phần hình thành nền y tế thông minh bằng những việc làm thiết thực.

Bác sĩ Trương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, năm 2019 bệnh viện sẽ triển khai nhiều cải tiến để rút ngắn hơn nữa thời gian chờ đợi của người bệnh tại 3 khâu đăng ký tiếp nhận - thu ngân, trả kết quả xét nghiệm và cấp phát thuốc ngoại trú.

Trong khi đó, theo ThS.Nguyễn Văn Phi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ngoài triển khai bệnh án điện tử tại 5 khoa, phòng, bệnh viện sẽ phối hợp với Công ty cổ phần FPT và Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam triển khai hệ thống thanh toán online, thẻ khám bệnh giúp bệnh nhân không phải thanh toán tiền mặt, giảm thời gian chờ đợi ở khâu thanh toán viện phí và nhiều khâu khác; đồng thời mở rộng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh của bệnh viện, nâng cấp công nghệ thông tin, hạ tầng giúp hệ thống thông tin trong bệnh viện thông suốt.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích