Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới dạy nghề cho lao động nông thôn

10:03, 13/03/2019

Từ năm 2011 đến nay, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp hơn 71 ngàn người nông dân trong tỉnh có thêm những kiến thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất, làm giàu...

Vừa trộn thuốc bổ vào thức ăn cho đàn gà, già làng Thổ Thìn (dân tộc Chơro, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) vừa cho hay, trước đây khi thời tiết giao mùa gà hay bị cảm. Những lúc đó, ông cũng chỉ biết cắt hành, tỏi cho gà ăn để tăng sức đề kháng nhưng gà vẫn hay chết, con nào qua khỏi thì gầy yếu. Sau khi hoàn thành khóa học chăn nuôi gà do Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, ông biết lúc nào nên chủ động phòng bệnh cho gà để giảm được hao hụt.

Với kiến thức học được từ lớp chăn nuôi thú ý, ông Nguyễn Tấn Pháp (phải - dân tộc Chơro, ngụ ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) không chỉ chăm sóc tốt cho đàn dê của mình mà con giúp cho bà con trong ấp Trong ảnh: Ông Nguyễn Tấn Pháp đang giúp nông dân tiêm thuốc bổ cho dê
Với kiến thức học được từ lớp chăn nuôi thú ý, ông Nguyễn Tấn Pháp (phải - dân tộc Chơro, ngụ ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) không chỉ chăm sóc tốt cho đàn dê của mình mà con giúp cho bà con trong ấp Trong ảnh: Ông Nguyễn Tấn Pháp đang giúp nông dân tiêm thuốc bổ cho dê

Không riêng gì già làng Thổ Thìn mà ích lợi từ việc học nghề trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2011 đến nay đã giúp hơn 71 ngàn người nông dân trong tỉnh có thêm những kiến thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình.

* Ích lợi từ học nghề

Nhìn cách ông Nguyễn Tấn Pháp (dân tộc Chơro, ngụ ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) bơm thuốc bổ từ chai thuốc vào ống tiêm sau đó chích cho dê; hay khi có bà con nào đến nhờ ông tư vấn thuốc điều trị cho vật nuôi, nghe ông đọc vanh vách những loại thuốc điều trị triệu chứng bệnh xuất hiện trên gà, heo, trâu bò, dê, vịt, nhiều người dễ lầm tưởng người nông dân 61 tuổi này là bác sĩ thú y thực thụ.

Ông Nguyễn Tấn Pháp cho hay, ông tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y vào năm 2011. Trước đó, ông đã có gần 10 năm chăn nuôi dê. Nhưng việc chăn nuôi chủ yếu áp dụng kinh nghiệm học hỏi từ những người đi trước, cộng thêm tích cóp từ kinh nghiệm thực tế của bản thân mà thành. Từ ngày hoàn thành khóa học, ông Phát nắm rõ những biến đổi trên vật nuôi khi thời tiết thay đổi bất thường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đề nghị: “Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cần xây dựng lại nội dung giảng dạy trong dạy nghề cho lao động nông thôn để đi thẳng vào vấn đề nông dân quan tâm, liên tục cập nhật kiến thức mới, tránh giáo điều, để nông dân học lý thuyết đi đôi với quan sát thực tế, thực hành kiến thức được học. Bên cạnh đó, các ngành nghề đào tạo cần phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của người dân từng địa phương, tránh dàn trải”.

“Trước đây, mỗi khi con dê chạy lui chạy tới không yên, rồi húc đầu vào thành chuồng liên tục tôi cũng chỉ biết cột dê lại không cho chạy nhảy làm ảnh hưởng đến những con khác trong chuồng. Nhưng qua kiến thức có được từ lớp học nghề, tôi đoán biết được nguyên nhân của hiện tượng này là do dê ăn lá bị ướt nên phổi ứ nước làm dê khó chịu, đau đớn. Vậy là tôi đến tiệm thuốc nhờ bác sĩ thú y tư vấn rồi mua thuốc về chích cho dê. Nhờ đó, loại bệnh này không còn ảnh hưởng đến số lượng đàn dê của gia đình” - ông Nguyễn Tấn Pháp nói.

Còn bà Đồng Thị Hương (dân tộc Hoa, ngụ ấp 10, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) thì cho biết, gia đình bà đã trồng dâu nuôi tằm gần 10 năm qua. Nhiều năm liền bà mong được tiếp cận với các lớp học chuyên sâu để cải tiến việc chăm sóc tằm vì từ trước đến nay bà nuôi theo hình thức tích lũy kinh nghiệm là chính. Sau khóa học kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, bà được tư vấn nên trồng giống cây dâu mới cho lá to, thời gian thu hoạch lâu hơn lại dễ chăm sóc, ít sâu bệnh thay cho giống cây dâu trước đây lá nhỏ, cây thấp, thời gian thu hoạch ngắn và hay bị bệnh vàng lá.

Bà Đồng Thị Hương bộc bạch: “Từ những kiến thức tiếp thu sau khi tham dự khóa học, tôi đã biết xử lý để khắc phục những nhược điểm mà trước đây tôi chưa từng biết. Tôi thấy việc được tham gia vào các lớp đào tạo nghề là sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước dành cho nông dân”.

Cũng có kiến thức từ lớp học nghề nông nghiệp là ông Đặng Văn Hoành (63 tuổi, ngụ xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc). Năm 2017, ông Hoành theo học khóa đào tạo 3 tháng về kỹ thuật trồng bưởi. Từ đó, người nông dân này đã biết thêm nhiều kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi, như thành phần hoạt chất ghi trên bao bì khi mua thuốc bảo vệ thực vật, lựa chọn phân bón để sao cho phù hợp với chất đất, từng thời điểm sinh trưởng của cây, biết trang bị đồ bảo hộ khi phun thuốc trừ sâu để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, phun khi nào để sản phẩm sẽ an toàn khi đến tay người sử dụng...

* Cần sự đổi mới

Ông Dương Huy Thông, chuyên viên phụ trách công tác dạy nghề của Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú cho biết, theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, để được học nghề lần 2 thì người đã được hỗ trợ học nghề một lần phải là người bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan (Nhà nước chuyển đổi quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề thủ công…). Sau đó, người này có đơn đăng ký học nghề lần 2 rồi được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận. Cơ quan thường trực cấp huyện sẽ xem xét, trình trưởng ban chỉ đạo đề án cấp huyện, thị xã quyết định tiếp tục hỗ trợ nghề lần 2.

Bà Đồng Thị Hương (dân tộc Hoa, ngụ ấp 10, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) có thêm hiểu biết để chăm sóc đàn tằm của gia đình sau lớp đào tạo nghề.
Bà Đồng Thị Hương (dân tộc Hoa, ngụ ấp 10, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) có thêm hiểu biết để chăm sóc đàn tằm của gia đình sau lớp đào tạo nghề.

Theo ông Thông, có những nông dân trước đây học lớp chăn nuôi heo. Nay heo giảm giá, nhiều dịch bệnh nên họ muốn chuyển đổi ngành nghề khác nhưng không thể giải quyết cho bà con. Do đó mà nhiều năm qua chưa có trường hợp nào được giải quyết học nghề lần 2. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những chính sách ưu đãi giúp người dân được học nghề lần 2, lần 3 theo đúng nhu cầu thực tế.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, từ năm 2016-2018, thông qua đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 71.358 người. Năm 2019, Sở Lao động - thương binh và xã hội đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 3.092 người.

Đồng quan điểm này, ông Trần Công Nghị, Chủ tịch UBND xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) cho hay giống cây trồng, vật nuôi phát triển từng ngày và cũng phát sinh nhiều loại dịch bệnh mới đòi hỏi phải có kiến thức để áp dụng. Do vậy, trong thời gian tới nên có các lớp đào tạo lại dành cho những người đã học nghề để cập nhật kiến thức.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay chỉ tập trung vào các nghề nông nghiệp, còn nghề phi nông nghiệp rất khó tuyển sinh. Như tại TX.Long Khánh, huyện Tân Phú, 2 năm liên tục các lớp về cắt may, hàn, tiện không tuyển sinh được. Còn tại huyện Cẩm Mỹ, năm 2018 chỉ mở được 2 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp là nấu ăn với 70 học viên…

Theo ông Đào Công Từ, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ, khóa đào tạo nghề phi nông nghiệp có thời gian học 3 tháng, người học được hỗ trợ 30 ngàn đồng/ngày. Trong khi đó, doanh nghiệp nhận lao động phổ thông vào đào tạo theo từng khâu chỉ từ 5-10 ngày là làm việc được. Trong thời gian đào tạo, người lao động cũng được trả lương theo thỏa thuận, sau khi hoàn tất đào tạo là làm việc ngay. Do đó, hiện nay việc đào tạo nghề phi nông nghiệp không hút được người dân theo học.

Việc quy định độ tuổi học nghề là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, từ 15-55 tuổi đối với nữ và 15-60 tuổi đối với nam bị đánh giá là chưa phù hợp. Bởi, lao động nông thôn từ 55 tuổi trở lên vẫn tham gia sản xuất, đây cũng là lực lượng lao động chính ở các địa bàn nông thôn hiện nay.

Ông Võ Đức Hiền (65 tuổi, ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh):

“Những kiến thức được học từ khóa đào tạo nghề đã giúp tôi rất nhiều, nhờ đó mà đàn dê của tôi phát triển rất tốt. Nhưng tôi vẫn mong muốn được tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo nghề nâng cao để bắt kịp với kiến thức mới”.

 

Ông Trần Đức Tùng (50 tuổi, ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ):

“Để làm nhà nuôi tằm, đầu tư trồng dâu phải cần từ 50-80 triệu đồng. Trong khi đó hơn 20 nông dân cùng tham gia khóa học với tôi có không ít người không có đủ điều kiện để đầu tư sản xuất. Do vậy, tôi rất mong Nhà nước tạo điều kiện hơn nữa để người học nghề dễ tiếp cận vốn vay, số tiền được vay cao hơn để phù hợp với nhu cầu thực tế”.

Văn Truyên

Tin xem nhiều