Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẻ chia cùng cộng đồng

09:03, 18/03/2019

Với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", Ngày quốc tế Hạnh phúc năm nay không chỉ hướng đến tình cảm, niềm vui trong mỗi gia đình, mà còn nêu cao tinh thần yêu thương, san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn...

Với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, Ngày quốc tế Hạnh phúc năm nay không chỉ hướng đến tình cảm, niềm vui trong mỗi gia đình mà còn nêu cao tinh thần yêu thương, san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Mẹ con bà Trần Thị Dung (ngụ xã Sông Ray) vui mừng bên căn nhà mới cùng những người giúp bà kinh phí xây nhà
Mẹ con bà Trần Thị Dung (ngụ xã Sông Ray) vui mừng bên căn nhà mới cùng những người giúp bà kinh phí xây nhà

Tại Đồng Nai, việc thể hiện sự quan tâm bằng tình yêu thương, chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn trong cộng đồng được thực hiện thường xuyên và liên tục.

* Niềm vui trong những căn nhà mới

Cầm trên tay số tiền 30 triệu đồng do Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng để xây dựng mái ấm Công đoàn, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân (đoàn viên Công đoàn Trường mầm non Núi Tượng, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú) xúc động vì nhận được niềm vui quá lớn. Bởi với hoàn cảnh gia đình khó khăn, ít đất sản xuất và đồng lương giáo viên không thể giúp gia đình bà Ngọc Ngân xây dựng cho mình căn nhà kiên cố thay thế cho ngôi nhà tạm đã xuống cấp nhiều năm. “Sau một thời gian xây dựng, căn nhà chứa đựng sự sẻ chia, yêu thương của mọi người dành cho tôi đã thành hình. Đây là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi và gia đình” - bà Ngọc Ngân bày tỏ.

Chào mừng Ngày quốc tế Hạnh phúc (20-3), sáng 20-3, tại Hội quán Mộc (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom), Sở Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ tổ chức hội thi Gia đình hạnh phúc tỉnh Đồng Nai năm 2019. Nhiều hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau tham gia vào các hoạt động ẩm thực, văn nghệ giữa các gia đình đại diện cho từng địa phương sẽ được thực hiện.

Cũng có niềm hạnh phúc khi được sống trong căn nhà mới là bà Lăng Thị Nhỏi (dân tộc Tày) và bà Trần Thị Dung cùng ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ. Bà Nhỏi không có chồng con, sống bằng nghề làm thuê và ở trong ngôi nhà tạm. Do hay đau yếu nên tiền làm mướn của bà chỉ để lo bệnh, ăn uống hằng ngày. Vì vậy, dù căn nhà nền đất, vách ván, mái tôn đã xuống cấp nhiều năm nhưng bà không có điều kiện sửa chữa.

Còn bà Trần Thị Dung thì hằng ngày cùng chồng làm thuê để nuôi 2 con và mẹ già. Thời gian gần đây, chồng bà hay đau yếu phải thường xuyên đến bệnh viện điều trị nên 2 vợ chồng chưa xây, sửa được căn nhà. Biết được hoàn cảnh khó khăn và để san sẻ bớt những khó khăn với bà Nhỏi và bà Dung, 3 cô giáo: Nguyễn Thị Hà, Lưu Thị Minh Tiến, Lê Thị Thu Phương và y sĩ Lương Thị Lan Anh (cùng ngụ xã Sông Ray) đã cùng nhau vận động để giúp xây dựng nhà cho 2 người phụ nữ này.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, đã có trên 300 căn nhà tình nghĩa, tình thương được xây dựng, sửa chữa để bàn giao cho những hộ có nhu cầu về nhà ở nhưng khó khăn về kinh phí thực hiện. Không chỉ người được nhận nhà mới vui, hạnh phúc mà ngay chính những nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị tham gia đóng góp xây, sửa nhà cũng hưởng niềm vui lây cùng người dân.

Ông Lương Đình Hiển (kinh doanh xe máy tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc), người thường xuyên tham gia đóng góp cùng chính quyền địa phương xây nhà tình thương chia sẻ, mỗi khi cùng chính quyền tham gia bàn giao nhà mới cho người dân, nhìn nụ cười, những giọt nước mắt hạnh phúc của bà con lòng ông lại tràn đầy niềm vui vì đã làm thêm được một việc có ích.

* San sẻ từng bữa ăn…

Cùng với những căn nhà chan chứa nghĩa tình, nhiều mô hình, việc làm thể hiện sự san sẻ khó khăn trong cộng đồng cũng đã góp phần đem lại niềm hạnh phúc tuy giản đơn nhưng rất ý nghĩa.

Người dân tìm kiếm quần áo tại cửa hàng miễn phí Cho và nhận ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất
Người dân tìm kiếm quần áo tại cửa hàng miễn phí Cho và nhận ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất

Mới gần 1 năm kể từ khi quán cơm tình thương 2 ngàn đồng được bà Nguyễn Thị Loan (ngụ phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh) cùng nhóm bạn chính thức đưa vào hoạt động nhưng đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) cho hay: “Mỗi ngày bán hết 80 tờ vé số tôi lời được 80 ngàn đồng. Từ khi được ăn trưa và đem theo ca để đựng thức ăn cho buổi tối ở quán cơm 2 ngàn đồng, tôi tiết kiệm được gần 25 ngàn đồng/ngày nên tôi vui lắm. Bữa nào mệt hay bệnh nghỉ bán nhiều ngày tôi cũng không lo đói”.

Không có điều kiện tổ chức quán cơm tình thương như tại TX.Long Khánh, ở nhiều nơi như: xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), các xã Hưng Lộc, Xuân Thiện, Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất)… đã tổ chức những shop 0 đồng, cửa hàng Cho và nhận quần áo, sách giáo khoa, cặp, ba lô dành cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Tại những cửa hàng này, người dân có nhu cầu về quần áo, dụng cụ học tập có thể đến lựa chọn đồ dùng phù hợp để đem về sử dụng.

Em Nguyễn Văn Thanh (học sinh Trường THCS Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) cho hay mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới, bà nội em lại đến cửa hàng Cho và nhận để nhờ các cô, chú ở cửa hàng tìm sách giáo khoa, cặp đi học, bút cho em vào năm học mới. Nhờ đó mà học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em Thanh không còn phải lo lắng thiếu sách, vở mà an tâm đi học.

Văn Truyên

Tin xem nhiều