Báo Đồng Nai điện tử
En

Tẩy độc ô nhiễm dioxin ở Sân bay Biên Hòa ra sao?

09:03, 20/03/2019

Sau khi dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng hoàn thành, Bộ Quốc phòng đã bắt tay ngay vào công việc tương tự đối với Sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm tại Sân bay Biên Hòa lớn hơn nhiều...

Sau khi dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng hoàn thành, Bộ Quốc phòng đã bắt tay ngay vào công việc tương tự đối với Sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm, khối lượng đất, thời gian và kinh phí cần để hoàn thành tẩy độc tại Sân bay Biên Hòa lớn hơn nhiều lần so với Sân bay Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch xem các mẫu đất đã được thử nghiệm dioxin tại Sân bay Biên Hòa bằng công nghệ của Tập đoàn Shimizu
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch xem các mẫu đất đã được thử nghiệm dioxin tại Sân bay Biên Hòa bằng công nghệ của Tập đoàn Shimizu

Dự kiến vào tháng 4 tới đây Bộ Quốc phòng sẽ chính thức triển khai xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Hiện hạ tầng phục vụ xử lý ô nhiễm đã cơ bản hoàn thành với 1 nhà máy xử lý ô nhiễm theo công nghệ Nhật Bản, 1 khu vực chôn lấp đất sau xử lý, hệ thống đường vận chuyển đất từ khu vực ô nhiễm đến nhà máy và khu chôn lấp.

* “Điểm nóng” về ô nhiễm dioxin

Thiếu tướng Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, Sân bay Biên Hòa từng là nơi quân đội Mỹ sử dụng để lưu chứa chất da cam/dioxin sau đó đưa lên máy bay đi phun rải trong chiến tranh Việt Nam. Sau gần 45 năm, đến nay Sân bay Biên Hòa vẫn là nơi ô nhiễm chất độc dioxin trọng điểm và phức tạp nhất ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, diện tích ô nhiễm tại đây lên đến 52 hécta, khối lượng đất ô nhiễm là 515 ngàn m3. Điều đáng lo ngại, hiện có tới 110 ngàn người dân đang sinh sống xung quanh khu vực Sân bay Biên Hòa, trong đó có những điểm ô nhiễm nằm khá gần khu dân cư.

Theo kết quả đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Khoa học và công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng vào năm 2015, khu vực Sân bay Biên Hòa có nhiều điểm ô nhiễm chất độc dioxin, trong đó có 3 điểm nặng nhất với mức độ cao gấp nhiều lần cho phép.

Cụ thể, khu vực phía Tây Nam Sân bay Biên Hòa có diện tích ô nhiễm chất độc dioxin được xác định là 8 hécta. Khu vực này có mức độ ô nhiễm cao gấp 92 lần cho phép so với quy chuẩn đất thương mại và công nghiệp. Tiếp đó là khu vực Pacer Ivy nằm ở vị trí phía Tây sân bay rộng khoảng 15 hécta, mức độ ô nhiễm cao gấp 9,5 lần. Khu vực này trước đây quân đội Mỹ thực hiện thu gom các thùng hóa chất sau mỗi chiến dịch phun rải.

Đáng lưu ý nhất là khu vực Z1 nằm ở phía Nam Sân bay Biên Hòa. Đây là khu vực được xác định có diện tích rộng 12 hécta, mức độ ô nhiễm rất cao, có những điểm ô nhiễm cực cao lên đến 700 lần so với quy chuẩn đất thương mại và công nghiệp.

* Cần nguồn lực lớn

Theo Bộ Quốc phòng, cùng với Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Biên Hòa từ lâu đã được xác định là một trong những địa điểm cần ưu tiên khắc phục ô nhiễm chất độc dioxin. Trong giai đoạn từ năm 1995-2016, Bộ Tư lệnh Hóa học đã thực hiện được 2 dự án đánh giá mức độ tồn lưu chất độc dioxin, khoanh vùng chống lan tỏa, xác định một số công nghệ xử lý ở khu vực Z1 nằm ở phía Nam Sân bay Biên Hòa. Khối lượng đất đá ô nhiễm chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa đã được chôn lấp và cô lập lên đến 152 ngàn m3 với kinh phí 147,6 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước.

Với nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, từ năm 2013-2015 Bộ Tài nguyên - môi trường đã triển khai tại Sân bay Biên Hòa dự án xây dựng mương thoát nước và dẫn nước nhằm kiểm soát nước mặt ở khu vực Pacer Ivy nằm ở phía Tây Bắc và Đông Bắc sân bay. Kinh phí thực hiện cho dự án là 4,97 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tài trợ.

Để chuẩn bị cho việc xử lý triệt để ô nhiễm chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa trong thời gian tới, từ tháng 7-2017 Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất độc dioxin tại đây với kinh phí 270 tỷ đồng. Hiện công việc đã được triển khai cơ bản như: rà phá bom mìn, xây dựng mới và di chuyển doanh trại, trận địa ra khỏi khu vực ô nhiễm, cải tạo đường vận chuyển phục vụ xử lý đất đá ô nhiễm, xây dựng công trình chống lan tỏa…

Mặc dù hiện nay Bộ Quốc phòng vẫn chưa thống nhất được việc lựa chọn công nghệ nào trong xử lý triệt để chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa, tuy nhiên Trung tâm công nghệ xử lý môi trường Bộ Tư lệnh Hóa học hợp tác với Tập đoàn Shimizu của Nhật Bản đã hoàn thành lắp đặt 1 nhà máy thử nghiệm xử lý tại đây, dự kiến trong tháng 3 này vận hành thử nghiệm với khối lượng đất được xử lý đạt khoảng 14 tấn/giờ. Theo đó, đất sẽ được lấy từ các khu vực ô nhiễm đưa về nhà máy để xử lý, sau đó đưa trở lại các hố chôn lấp được thiết kế sẵn.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Sân bay Biên Hòa có mức độ ô nhiễm phức tạp, khối lượng đất ô nhiễm lớn (gấp 3 lần Sân bay Đà Nẵng) nên thời gian xử lý kéo dài lên đến 10 năm. Dự kiến kinh phí dùng để hoàn thành khắc phục chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa là 390 triệu USD, trong khi đó phía Hoa Kỳ hiện mới cam kết tài trợ cho giai đoạn 2018-2023 là 183 triệu USD.

* Mong sớm xử lý triệt để

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết nhờ thiết lập mạng lưới quan trắc xung quanh Sân bay Biên Hòa, Đồng Nai đã xác định được 3 điểm ô nhiễm dioxin. Ước tính diện tích đất ô nhiễm ở 3 khu vực nói trên khoảng 4,6 hécta, khối lượng đất cần xử lý khoảng 24 ngàn m3.

Một nhà máy xử lý ô nhiễm dioxin hiện đại đã được Tập đoàn Shimizu hoàn thành lắp đặt, sẵn sàng chạy thử nghiệm tại Sân bay Biên Hòa
Một nhà máy xử lý ô nhiễm dioxin hiện đại đã được Tập đoàn Shimizu hoàn thành lắp đặt, sẵn sàng chạy thử nghiệm tại Sân bay Biên Hòa

Một trong 3 “điểm nóng” ô nhiễm chất độc dioxin nằm phía ngoài khu vực Sân bay Biên Hòa thuộc KP.5 của phường Bửu Long (TP.Biên Hòa). Khu vực này có 75 hộ dân sinh sống với 300 nhân khẩu, buộc phải di dời toàn bộ mới có thể xử lý ô nhiễm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết Đồng Nai coi trọng an toàn và sức khỏe của người dân, do đó sau khi xác định vị trí ô nhiễm đã xây dựng ngay kế hoạch xử lý, cụ thể đã bố trí địa điểm tái định cư cho các hộ dân trong diện di dời và chuẩn bị xây dựng hạ tầng. Dự kiến đến tháng 6 tới đây, Đồng Nai sẽ di dời các hộ dân đến địa điểm mới để bàn giao mặt bằng xử lý ô nhiễm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh kiến nghị với Bộ Quốc phòng cần ưu tiên xử lý ô nhiễm dioxin ở gần khu vực dân cư trước để đảm bảo an toàn cho người dân càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng nên xem xét khi xử lý điểm ô nhiễm hồ nước ngay cổng vào Sân bay Biên Hòa vì khu vực này hiện đang xây dựng trụ sở làm việc của Cục Thuế Đồng Nai.

Để xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa, Trung tâm công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) và Tập đoàn Shimizu đã lắp đặt xong một nhà máy thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Dự kiến trong tháng 3 này bắt đầu chạy thử nghiệm với công suất xử lý 15 tấn đất/giờ. Theo Bộ Quốc phòng, việc chọn lựa công nghệ xử lý nào sẽ còn phụ thuộc vào phía Mỹ, do Mỹ là nhà tài trợ chính cho dự án xử lý chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

Những dấu mốc trong xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa:

- Tháng 7-2017, Quân chủng Phòng không - không quân Bộ Quốc phòng khởi công dự án triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc dioxin tại đây với kinh phí 270 tỷ đồng.

- Tháng 5-2018, Quân chủng Phòng không - không quân ký với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về việc Hoa Kỳ tài trợ không hoàn lại 183 triệu USD xử lý chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

- Tháng 11-2018: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thị sát quá trình chuẩn bị triển khai dự án tẩy độc Sân bay Biên Hòa do Hoa Kỳ tài trợ.

- Tháng 2-2019: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và kiểm tra dự án xử lý chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

- Dự kiến sớm nhất vào tháng 4-2019 chính thức triển khai dự án xử lý chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều