Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cơ hội trải nghiệm cho học sinh

09:04, 15/04/2019

Mô hình giáo dục trải nghiệm đang được nhiều trường học triển khai và đã mang lại hứng thú cho học sinh. Thay vì không gian dạy và học chỉ trong 4 bức tường của lớp học, học sinh được đến nhiều địa điểm khác nhau để tiếp cận thêm kiến thức thực tế và kỹ năng cho bản thân.

Mô hình giáo dục trải nghiệm đang được nhiều trường học triển khai và đã mang lại hứng thú cho học sinh. Thay vì không gian dạy và học chỉ trong 4 bức tường của lớp học, học sinh được đến nhiều địa điểm khác nhau để tiếp cận thêm kiến thức thực tế và kỹ năng cho bản thân.

Học sinh Trường song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) trải nghiệm làm nông dân cấy lúa tại Trung tâm trải nghiệm sáng tạo của trường
Học sinh Trường song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) trải nghiệm làm nông dân cấy lúa tại Trung tâm trải nghiệm sáng tạo của trường

Mới đây các học sinh lớp 9 Trường song ngữ Á Châu (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã có chuyến đến tham quan và tìm hiểu 2 di tích tại xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và Thất phủ cổ miếu (chùa Ông). Với nhiều em, đây là lần đầu được đến tham quan và tìm hiểu 2 di tích nổi tiếng trên.

* Đưa học sinh đến gần thực tế

Trước khi vào tham quan tìm hiểu các di tích, giáo viên giới thiệu cho học sinh về lịch sử ra đời cùng những giá trị của mỗi di tích. Em Huỳnh Bảo Trâm, học sinh lớp 9 cho biết: “Chuyến đi đã giúp em hiểu sâu hơn về quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, về những người đã có công khai phá, đặc biệt là những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi di tích. Nếu chỉ tìm hiểu các di tích qua sách vở em sẽ không thể có được những ấn tượng sâu như đến tham quan trực tiếp”.

Cố vấn trưởng Chương trình hợp tác Đức (GIZ) Piter Wunsch: Nếu không được trải nghiệm sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo

Rào cản lớn nhất với học sinh Việt Nam hiện nay là các em có quá ít cơ hội trải nghiệm thực tế, không gian giáo dục còn bó hẹp, kết nối giữa trường phổ thông với các trường đại học, cao đẳng hay nhà máy ít ỏi nên mất đi cơ hội rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm sáng tạo. Nếu không được trải nghiệm sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo”.

Hiệu trưởng Trường song ngữ Á Châu Hồ Thị Lâm cho biết, nhà trường đã thành lập Trung tâm trải nghiệm sáng tạo cho học sinh các bậc học được xây dựng tại xã Hiệp Hòa với không gian 6 ngàn m2 gồm hồ bơi, ruộng lúa, ao cá, khu thực hành công nghệ, sinh học… Tới đây nhà trường sẽ triển khai dạy học theo dự án ở nhiều môn học như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Sinh học, Công nghệ… Những môn học này không chỉ được dạy trên lớp học mà còn được triển khai tại Trung tâm trải nghiệm sáng tạo, các di tích lịch sử văn hóa để tạo hứng khởi cho học sinh học tập.     

Còn tại Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), hoạt động trải nghiệm cho học sinh liên tục được thực hiện với những mô hình phong phú. Lê Nguyễn Thanh Trúc, học sinh lớp 11 cho biết: “Em đã được tham gia các chuyến đi thực tế đến Bảo tàng Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh... Em đã sưu tầm được nhiều tư liệu, hình ảnh phong phú làm kiến thức cho mình sau mỗi chuyến đi. Những chuyến trải nghiệm như vậy khiến việc học đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều so với chỉ ngồi nghe cô giáo giảng hay tham khảo tư liệu sách vở”.

Là một trường ở huyện miền núi Tân Phú nhưng mới đây Trường THCS Quang Trung đã tổ chức chương trình Ngày hội STEM (STEM là viết tắt của các từ science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và math (toán học) với chủ đề Em tập làm nhà khoa học. Ban giám hiệu nhà trường còn mời giảng viên ngành cơ điện tử ở một số trường đại học về giao lưu với học sinh.

Em Trương Việt Bắc, học sinh lớp 9 Trường THCS Quang Trung cho biết: “Em cảm thấy thích thú khi được áp dụng lý thuyết kết hợp với các thông tin tham khảo trên internet để cho ra đời chiếc máy hút bụi giới thiệu tại Ngày hội STEM của trường. Em hy vọng sau này sẽ có điều kiện hoàn thiện để sản phẩm có thể tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm 2020”.

* Vượt qua rào cản

Cố vấn trưởng Chương trình hợp tác Đức (GIZ) Piter Wunsch là người có nhiều năm làm việc tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành), cho biết ở Đức học sinh trung học tiếp cận sớm kiến thức kỹ năng cần thiết liên quan đến khoa học - công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Học sinh Trường song ngữ Á Châu trải nghiệm làm nông dân cấy lúa tại Trung tâm trải nghiệm sáng tạo của trường
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) trải nghiệm làm cần cẩu bằng kích thủy lực.

Nhờ điều này học sinh có thể cho ra đời các dự án, sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống, đồng thời giúp việc học trở nên hào hứng hơn. Việc trải nghiệm sớm còn giúp học sinh biết được sở trường, sở thích của mình để tương lai các em chọn ngành phù hợp. Ông Piter Wunsch cũng cho rằng nếu không vượt qua được những rào cản giúp học sinh trải nghiệm sáng tạo nhiều hơn sẽ là một thiệt thòi cho các em trong việc rèn luyện kỹ năng và định hướng nghề nghiệp.

Hiện nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường ngoài công lập rất chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh thông qua hoạt động tham quan, dã ngoại, trải nghiệm. Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh là một xu hướng tất yếu trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Thời gian qua Sở đã chủ động đưa một số chương trình, hoạt động trải nghiệm vào trường học và thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn để có thể tổ chức hoạt động này thường xuyên vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do chủ yếu là chương trình dạy học chưa được giảm tải, nhất là với bậc THPT. Nhiều giáo viên còn ngại tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cũng cần phải huy động đóng góp của phụ huynh học sinh, do vậy nhiều trường còn e ngại kêu gọi sự ủng hộ...

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích