Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia sẻ trách nhiệm với nhà trường

10:05, 13/05/2019

Việc xây văn hóa học đường cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò rất quan trọng.  Chính vì vậy, ngành GD-ĐT đang rất kỳ vọng sẽ nhận được sự hợp tác tích cực hơn nữa từ gia đình để có thể xây dựng thành công văn hóa ứng xử trong học đường.

Việc xây văn hóa học đường cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò rất quan trọng.  Chính vì vậy, ngành GD-ĐT đang rất kỳ vọng sẽ nhận được sự hợp tác tích cực hơn nữa từ gia đình để có thể xây dựng thành công văn hóa ứng xử trong học đường.

Giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (thuộc Sở GD-ĐT) dạy nghề ghép tranh cho học sinh
Giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (thuộc Sở GD-ĐT) dạy nghề ghép tranh cho học sinh

* Giáo dục ngay từ nhỏ

Cô Lê Thị Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) chia sẻ, xây dựng văn hóa ứng xử học đường là một phạm trù rộng lớn nhưng cần bắt nguồn từ những việc nhỏ. Việc đầu tiên là ngay từ nhỏ trẻ phải được cha mẹ chú ý dạy biết chào hỏi lễ phép khi gặp người lớn, khi đến trường phải biết chào thầy cô, bác bảo vệ. Cha mẹ dạy cho con sớm biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, dám nói lời xin lỗi khi thấy mình sai. Các em cần được dạy bảo để khiêm tốn, không nói tục, chửi bậy ở bất cứ không gian nào, ở nhà, ở trường, nơi công cộng hay trên mạng xã hội. Nếu phụ huynh nào cũng làm tốt những việc nhỏ trên khi con em mình đến trường sẽ thực sự là những nhân tố quan trọng xây dựng thành công văn hóa ứng xử học đường.

Cô  Ngọc Anh chia sẻ thêm, có một thực tế ngày nay nhiều gia đình chỉ có một hoặc hai con nên chiều con quá mức. Khi con xảy ra mâu thuẫn với thầy cô, bạn bè, dù chưa biết đúng hay sai nhưng lập tức phụ huynh phản ứng bênh vực, đổ hết lỗi cho thầy cô, bạn bè của con, thậm chí hành hung thầy cô, đăng thông tin chửi bới thầy cô trên mạng. Những động thái nóng vội của một số phụ huynh có thể khiến thầy cô “mặc kệ” học sinh vì không muốn gặp phải phiền toái. Việc cưng chiều quá mức của phụ huynh sẽ vô tình “tiếp tay” cho con tiếp tục mắc nhiều sai phạm lớn hơn.

* Cần sự đồng thuận

Cô Nguyễn Thị Thanh Dung, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) cho hay, mối quan tâm của phụ huynh đến con em mình cũng đang có không ít vấn đề. Có phụ huynh giao phó hoàn toàn việc giáo dục con cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. Khi con vi phạm và được giáo viên phản ảnh thì một số phụ huynh lại bênh vực con mình, trách ngược lại giáo viên. Có người đi họp phụ huynh cho con nhưng lại “ngồi nhầm lớp”, chỉ khi bị nhắc nhở vắng mặt thì phụ huynh mới phát hiện ra. Thậm chí có phụ huynh tỏ ra mình là người giàu có, thành đạt, có địa vị thì con mình cũng phải được quan tâm, đối xử đặc biệt.

Là người có 26 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, thầy Đào Văn Khởi, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) đồng tình cho rằng gia đình là bầu không khí trong lành đầu tiên gieo vào tâm hồn trẻ sự yêu thương, chia sẻ, truyền cho trẻ những giá trị nhân văn, hướng thiện, dạy trẻ xử sự đúng mực. Cần tránh cho trẻ gặp phải xung đột, bạo lực, tránh phạt trẻ bằng đòn roi hay bạo lực, những lời nói xúc phạm thô tục. Điều này có ảnh hưởng rất lớn khi trẻ lớn lên và trưởng thành. Khi đến trường trẻ gặp xung đột cũng sẽ dễ dàng phản ứng theo cách của người lớn. Gia đình cần có sự phối hợp thường xuyên, tin tưởng và tôn trọng nhà trường, giáo viên trong việc giáo dục con em mình.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng việc xây dựng văn hóa học đường rất cần sự đồng thuận và trách nhiệm từ nhiều phía, đặc biệt cần sự chung tay trách nhiệm từ phía gia đình, tất cả vì mục tiêu chung là giáo dục và hình thành nên những học sinh có kiến thức tốt, kỹ năng tốt và đạo đức tốt. Một khi có sự chung tay thực sự của gia đình sẽ giúp cho học sinh không chỉ chăm ngoan, học tốt mà còn tránh được các nguy cơ như: bạo lực học đường, xâm hại trẻ em hay tai nạn thương tích…

Đặng Công

Tin xem nhiều