Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa hết lo với vấn đề an toàn thực phẩm

03:05, 21/05/2019

Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện, xã đã tiến hành kiểm tra đột xuất hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể...

Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện, xã đã tiến hành kiểm tra đột xuất hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể trong toàn tỉnh.

Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra nhãn mác các loại sản phẩm, thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hạnh Dung
Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra nhãn mác các loại sản phẩm, thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hạnh Dung

[links()]Qua kiểm tra cho thấy việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn những sai sót cần phải khắc phục và xử lý nghiêm.

* Liên tục phát hiện chất cấm trong thực phẩm

Từ ngày 7 đến 14-5, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh do ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất 7 cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.Biên Hòa. Qua kiểm tra phát hiện 4 cơ sở có hàn the trong thực phẩm.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết: “Trong năm 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã thanh, kiểm tra hơn 29 ngàn cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm; trong đó có hơn 24 ngàn cơ sở đạt yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm, đạt 83%. Ngoài ra, có hơn 1 ngàn cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 4 tỷ đồng”.

Cụ thể, tại quán bún đậu Long Xuyên (đường Hưng Đạo Vương, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa), qua kiểm tra nhanh hàn the với các sản phẩm bánh đúc, bún tươi, đậu hũ trắng đang được quán bán cho khách hàng cho thấy mẫu bánh đúc dương tính với hàn the. Chủ cơ sở đã tự tiêu hủy 7,2kg bánh đúc còn lại dưới sự giám sát của đoàn kiểm tra.

Kiểm tra tại quán cơm heo quay (chi nhánh 1 của Công ty TNHH ăn uống giải khát Hà Thu Vân, bên cạnh quán bún đậu Long Xuyên), đoàn kiểm tra cũng phát hiện mẫu mọc thịt heo sống (nguyên liệu làm món chả thịt chiên) của quán này dương tính với hàn the. Sau khi có kết quả kiểm tra, 2,2 kg mọc thịt heo sống đã được tiêu hủy.

Kiểm tra đột xuất tại quán dê Vườn Xoài (đường Bùi Trọng Nghĩa, KP.2, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), đoàn đã kiểm tra nhanh hàn the với sản phẩm tàu hũ ky, bún đang được quán sử dụng bán cho thực khách. Kết quả, mẫu tàu hũ ky dương tính với hàn the. Chủ cơ sở đã xin tự tiêu hủy 3,6kg tàu hũ ky trước sự chứng kiến của đoàn kiểm tra.

Truy xuất nguồn gốc số thực phẩm gồm bánh đúc, mọc sống, tàu hũ ky của các quán, đoàn kiểm tra được các chủ quán cho biết họ đều lấy các thực phẩm này từ một cơ sở khác.

Cụ thể, bà Liêu Thị Long Xuyên, chủ quán bún đậu Long Xuyên cho biết, số bánh đúc được bà lấy lại từ một người bán ở chợ Tân Phong (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa).

Còn đại diện quán cơm heo quay thì cho hay, số mọc thịt heo được quán mua lại của một hộ kinh doanh ở phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa), về thêm gia vị và chế biến. Tiếp tục làm việc với chủ hộ kinh doanh ở phường Hòa Bình, ông này cho biết đã lấy lại số mọc thịt heo của một người bỏ mối tại Bình Dương nhưng không biết rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể của người này.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra đột xuất khu vực bếp nấu nướng, chế biến của một nhà hàng ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra đột xuất khu vực bếp nấu nướng, chế biến của một nhà hàng ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG

Tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm tàu hũ ky, đoàn kiểm tra đã làm việc với bà Phan Thị Ngự Ái, chủ tạp hóa tại chợ Trảng Dài, người cung cấp sản phẩm tàu hũ ky cho quán dê Vườn Xoài. Bà Ái cho biết sản phẩm tàu hũ ky được bà lấy lại của tạp hóa thực phẩm chay An Nghĩa ở chợ Biên Hòa. Kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh An Nghĩa (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa, chuyên kinh doanh các loại thực phẩm ăn chay bao gói sẵn), đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 7kg tàu hũ ky lá và 10kg tàu hũ ky cọng không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hàng hóa. Kiểm tra nhanh hàn the với 2 sản phẩm này đều cho kết quả dương tính.

Ngoài việc tàu hũ ky nhiễm hàn the, quán dê Vườn Xoài còn thực hiện kinh doanh mua bán, giết mổ thịt dê (thời điểm kiểm tra có 3 con dê với tổng trọng lượng 60 kg) không có dấu kiểm soát giết mổ, 4 nhân viên tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện việc khám sức khỏe theo quy định năm 2019.

* Nhiều vi phạm khác

Không chỉ vi phạm liên quan đến chất cấm trong thực phẩm, nhiều cơ sở được kiểm tra còn vi phạm nhiều lỗi khác liên quan đến an toàn thực phẩm.

Trung tá Tạ Minh Điền, Đội trưởng đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống về tội phạm môi trường (PC05) Công an tỉnh cho rằng: “Những hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm cần được xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”, đồng thời cần tăng cường hậu kiểm sau xử phạt để giám sát việc khắc phục sai phạm của các cơ sở. Với những trường hợp đủ cơ sở để xử lý hình sự, các cơ quan liên quan có thể chuyển sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra xử lý hình sự. Có như vậy mới xử lý tận gốc rễ vấn đề, cảnh báo đối với người sản xuất thực phẩm không đạt yêu cầu”.

Cụ thể, qua kiểm tra quán cơm miền Tây Thanh Loan (xã Phú Tân, huyện Định Quán) đoàn liên ngành phát hiện quán chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; nhân viên tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm chưa được khám sức khỏe theo quy định. Quán chưa có hợp đồng mua các loại thực phẩm tươi sống đầu vào với các nhà cung ứng. Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm có nhiều côn trùng (ruồi) xâm nhập. Khu vực sơ chế thực phẩm tươi sống chưa có thùng rác có nắp đậy. Quán này tiến hành sơ chế thực phẩm trực tiếp trên nền nhà, chưa trang bị đồ bảo hộ, mũ chụp tóc, đeo găng tay khi chế biến thực phẩm cho nhân viên tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tương tự, tại Trạm dừng chân Thảo Nguyên (xã Túc Trưng, huyện Định Quán), thời điểm kiểm tra đơn vị này chưa xuất trình được các hồ sơ liên quan đến việc kinh doanh như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hợp đồng mua các loại thực phẩm tươi sống đầu vào với các nhà cung ứng và hợp đồng thực phẩm bao gói sẵn, kết quả kiểm nghiệm mẫu nước giếng khoan, hồ sơ khám sức khỏe của chủ cơ sở, nhân viên tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Bên cạnh đó, cơ sở chưa thực hiện lưu mẫu thực phẩm 24 giờ khi chế biến cho từ 30 người ăn trở lên. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 3 sản phẩm đậu phộng sấy, kẹo mè xửng Huế, vỏ bưởi sấy không rõ nguồn gốc, không có nhãn hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

* Cần xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, qua kiểm tra tại các cơ sở trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm cho thấy có 3 cơ sở (Nhà thiếu nhi Đồng Nai, Trường mầm non Nhơn Nghĩa (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), Trường mầm non Tổ Ong Vàng (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) thực hiện khá tốt các quy định về an toàn thực phẩm như có hợp đồng cung cấp các loại thực phẩm tươi sống, gia vị đầu vào; nhà ăn sạch sẽ, thoáng mát, nhân viên cấp dưỡng thực hiện đầy đủ việc khám sức khỏe và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định, có thực hiện việc ghi chép kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm 24 giờ. Còn lại 11 cơ sở mà đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra đều có ít, nhiều lỗi chưa thực hiện đúng.

“Với những cơ sở thực hiện chưa đúng theo quy định của pháp luật, đoàn kiểm tra đã tiến hành hướng dẫn, nhắc nhở cơ sở liên hệ với cơ quan chức năng để thực hiện cho đúng; đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính tùy thuộc vào mức độ vi phạm của cơ sở. Qua đó nhằm nhắc nhở các cơ sở thực hiện cho đúng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng” - ông Minh cho hay.

Về vấn đề xử lý vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm, qua làm việc với Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm một số địa phương cho thấy, hiện vẫn còn một số khó khăn trong vấn đề xử phạt, đặc biệt là ở cấp xã. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Công tác thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Đình Việt, căn cứ vào mức độ vi phạm của các cơ sở, ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm cấp huyện và xã có thể xử phạt từ mức độ nhẹ đến tăng dần theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy mới mang tính răn đe, cảnh cáo các cơ sở tránh lặp lại vi phạm.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích