Báo Đồng Nai điện tử
En

Không lơ là với an toàn của người lao động

03:06, 04/06/2019

Để xảy ra tai nạn lao động, ngoài nguyên nhân từ sự chủ quan của người lao động, có một thực tế là các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn.

Để xảy ra tai nạn lao động, ngoài nguyên nhân từ sự chủ quan của người lao động, có một thực tế là các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2018. ảnh: V.Truyên
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2018. ảnh: V.Truyên

[links()]Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó trưởng phòng Việc làm - an toàn lao động Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, qua kiểm tra về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động nhân Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn rất chủ quan khi thực hiện đảm bảo an toàn cho người lao động.

* Vẫn còn chủ quan

Chủ đề của Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 là Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Trong tháng hành động (diễn ra từ ngày 1 đến 31-5), Sở Lao động - thương binh và xã hội đã chủ trì, phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở, ngành của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: thăm tặng quà cho nạn nhân bị tai nạn lao động; tổ chức tập huấn về đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động, chủ sử dụng lao động; thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động…

Cụ thể như tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Amata, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất các loại bảng hiệu và bảng quảng cáo, qua kiểm tra doanh nghiệp này chưa phân loại đầy đủ lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục nghề, từ đó thiếu trang bị bảo hộ, thiếu chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa thực hiện khai báo việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về Sở Lao động - thương binh và xã hội theo quy định. Với những vị trí vận hành cầu trục, máy nén khí… công ty cũng chưa xây dựng đầy đủ các nội quy, quy trình vận hành máy, thiết bị và các bảng chỉ dẫn cảnh báo nguy hiểm tại nơi làm việc.

Còn tại Công ty TNHH Yujin Fluid Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất, nhập khẩu máy nén khí và linh kiện, ở thời điểm kiểm tra công ty cũng chưa phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục nghề. Mặc dù công ty này có sử dụng các thiết bị nằm trong danh mục yêu cầu nghiêm ngặt (7 bình khí nén, 2 cẩu trục và 1 xe nâng hàng) nhưng lại không khai báo về Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh theo quy định. Công ty cũng chưa thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định.

Tình trạng này tiếp tục lặp lại ở Công ty TNHH Masakatsu Kouzai Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) chuyên sản xuất máy, dụng cụ, buôn bán kinh doanh mặt hàng kim loại. Công ty này cũng không phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; không thống kê lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đồng thời chưa tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và tập huấn sơ cấp cứu, vệ sinh lao động cho công nhân.

Số liệu tai nạn lao động của tỉnh qua 3 năm: 2016, 2017 và 2018  (Nguồn: Sở Lao động - thương binh và xã hội. Đồ họa: VĂN TRUYÊN)
Số liệu tai nạn lao động của tỉnh qua 3 năm: 2016, 2017 và 2018 (Nguồn: Sở Lao động - thương binh và xã hội. Đồ họa: VĂN TRUYÊN)

Ngoài những thiếu sót trong thực hiện an toàn, vệ sinh lao động tương đối giống nhau, những công ty được kiểm tra đều có điểm chung là số lượng lao động không cao, chỉ từ 66 đến chưa tới 200 công nhân.

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, số vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, năm 2019 Sở Lao động - thương binh và xã hội tập trung hoạt động kiểm tra, tổ chức tập huấn về đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.

* Đề ra giải pháp căn cơ

Việc tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trong việc thực hiện đúng, đủ các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động được các doanh nghiệp hưởng ứng.

Theo ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, mặc dù thời gian qua công ty không để xảy ra vụ tai nạn lao động nào song thông qua việc kiểm tra của các sở, ban, ngành đã giúp doanh nghiệp nhận ra những thiếu sót trong thực hiện an toàn, vệ sinh lao động để kịp thời chấn chỉnh, làm tốt hơn. Vì ngoài mục đích tăng năng suất lao động, phát triển doanh nghiệp thì việc đảm bảo an toàn cho người lao động là điều luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Công nhân Công ty TNHH Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc
Công nhân Công ty TNHH Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc

Bên cạnh công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên và liên tục, để giảm thiểu tai nạn lao động, năm 2019 Sở Lao động - thương binh và xã hội còn đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Sở sẽ phối hợp với các trường nghề trong việc giảng dạy kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, bởi việc nâng cao ý thức, hiểu biết cho những học viên trường nghề sắp tốt nghiệp trong phòng tránh tai nạn lao động là nhiệm vụ quan trọng. Việc làm này nhằm trang bị cho học viên những biện pháp phòng tránh, nhận biết nguy cơ tai nạn trong quá trình làm việc song song với trang bị kiến thức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Tịnh, những giải pháp như: xây dựng chương trình quản lý cụ thể đối với từng vấn đề trong quá trình thực hiện an toàn, vệ sinh lao động; cải tiến hình thức, nội dung tuyên truyền kết hợp đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động… sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Văn Tuyên


Ông Trương Anh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH NS Bluescope Lysaght Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa):

Thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động

Năm 2019 là năm thứ 25 công ty không để xảy ra tai nạn lao động. Để làm được điều này, công ty thực hiện 3 yếu tố: lãnh đạo doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm công tác an toàn, vệ sinh lao động; hệ thống quản lý rủi ro làm việc hiệu quả; 100% lực lượng lao động được tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, công ty khuyến khích người lao động cùng chủ động tham gia nhận biết các mối nguy hiểm, đề xuất kiến nghị để cải thiện điều kiện, hành vi tại nơi làm việc đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất.

 

Bà Đinh Thị Thanh Thoa, quản lý nhân sự kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn
cơ sở Công ty TNHH may mặc United Sweethearts (KCN Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch):

Công nhân chưa tự giác sử dụng bảo hộ lao động

Để thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, công ty đã thành lập Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động cơ sở, tổ chức được mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Đồng thời, công ty cũng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chăm sóc sức khỏe, thực hiện huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho các nhóm nghề, nhất là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, công ty duy trì việc tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động định kỳ 2 tuần/lần; khuyến khích công nhân đưa ra những kiến nghị nâng cao an toàn lao động.

Tuy nhiên, việc công nhân chưa tự giác sử dụng bảo hộ lao động vẫn còn diễn ra. Đây là một trong những yếu tố dễ làm phát sinh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Anh Phan Tấn Duy, công nhân thuộc bộ phận sơn, Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa):

Nâng cao ý thức người lao động

Tôi cũng như những anh em công nhân khác đều mong muốn được làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe, mỗi ngày đi làm đều trở về nhà an toàn. Do vậy, tôi rất mong những biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động sẽ được chủ các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, ý thức khi tham gia lao động của mỗi công nhân cũng cần phải được nâng cao, từ đó tự mình đánh giá những rủi ro tai nạn có thể xảy ra trong quá trình làm việc để tự mình có kiến nghị đảm bảo an toàn với chủ doanh nghiệp, từ chối làm những việc không đảm bảo an toàn cho bản thân.

                                                                                    Võ Tuyên (ghi)


 

Tin xem nhiều