Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng đối thoại tại các doanh nghiệp ngành gỗ

09:06, 10/06/2019

Cuối tháng 5 vừa qua, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch xảy ra một vụ đình công của 170/260 công nhân lao động của một công ty vốn Đài Loan, chuyên chế biến gỗ, đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 5.

Cuối tháng 5 vừa qua, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch xảy ra một vụ đình công của 170/260 công nhân lao động của một công ty vốn Đài Loan, chuyên chế biến gỗ, đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 5.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom Lê Đức Thụy tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động đang làm việc tại Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, chuyên gia công sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ trang trí nội thất cao cấp). Ảnh: A.YÊN
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom Lê Đức Thụy tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động đang làm việc tại Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, chuyên gia công sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ trang trí nội thất cao cấp). Ảnh: A.YÊN

[links()]Nguyên nhân dẫn đến đình công là do công nhân phản ứng việc công ty thông báo từ tháng 6-2019 sẽ không đưa phần trợ cấp tiền lương hằng tháng vào tiền đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Ngay sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng của huyện Nhơn Trạch đã tiến hành làm việc với Ban giám đốc công ty. Sau làm việc, công ty đã ra thông báo sẽ giữ nguyên mức đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, đồng thời tăng thêm 1% tiền lương hằng tháng cho công nhân lao động. Sau đó, công nhân lao động đã trở lại làm việc bình thường.

Đây không phải trường hợp cá biệt bởi trước đó vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018, hàng ngàn người lao động của Công ty TNHH Timber Industries (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa) cũng đồng loạt ngưng việc để phản đối một số chế độ, chính sách của công ty như: chất lượng bữa ăn không đảm bảo, thẻ rời vị trí để đi vệ sinh trong quá trình làm việc quá ít, không đủ dùng, hút thuốc phạt 1 triệu đồng/lần, nghỉ không phép phạt bị phạt 200-300 ngàn đồng/lần… Chỉ đến khi đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan chức năng đến làm việc, công ty ra thông báo thay đổi các quy định đã đưa ra trước đó, công nhân mới đồng ý quay trở lại làm việc.

Nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hạn chế tình trạng đình công, lãn công tại các công ty, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chuyên ngành gỗ nói riêng, thời gian qua Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, cán bộ doanh nghiệp về công tác đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Hiện tại, có 8 doanh nghiệp chuyên ngành gỗ đóng tại KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa đang tham gia thí điểm dự án Khung khổ quan hệ lao động mới (NIRF) Nhật Bản do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) triển khai tại Ðồng Nai.

Theo đó, các cán bộ Công đoàn của các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia cuộc họp nhằm thống nhất nội dung sẽ đưa ra thương lượng trong những buổi đối thoại nhóm doanh nghiệp ngành gỗ. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Sở Lao động - thương binh và xã hội  làm việc với Hiệp hội Thương mại Ðài Loan tại Ðồng Nai nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện dự án; làm việc với đại diện các doanh nghiệp để nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện đối thoại nhóm doanh nghiệp và đi đến ký kết thỏa ước lao động nhóm doanh nghiệp.

Bà Tạ Thị Bích Liên, điều phối viên quốc gia của dự án NIRF cho biết, thúc đẩy đối thoại nhóm doanh nghiệp trong cùng ngành nghề với nhau sẽ tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong việc đưa ra mức sàn về điều kiện làm việc, tiền lương và các chính sách tốt hơn cho người lao động trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ.

Ngoài ra, việc đối thoại tại doanh nghiệp cũng sẽ góp phần cung cấp thêm những gợi ý cho việc sửa đổi pháp luật lao động liên quan đến nội dung đối thoại, thương lượng, giải quyết các vấn đề tranh chấp, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, nhất là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực.            

An Yên

 

Tin xem nhiều