Báo Đồng Nai điện tử
En

Gánh nặng bệnh lao kháng thuốc

09:07, 15/07/2019

Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay bệnh lao vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Năm 2017, trên thế giới có đến 10 triệu người mắc lao và 1,6 triệu người chết vì bệnh lao, trong đó trên 95% ở các nước đang phát triển.

Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay bệnh lao vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Năm 2017, trên thế giới có đến 10 triệu người mắc lao và 1,6 triệu người chết vì bệnh lao, trong đó trên 95% ở các nước đang phát triển.

Có nhiều lý do khiến cho công tác phòng, chống bệnh lao gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề kháng thuốc của vi khuẩn lao, nhất là lao kháng đa thuốc (MDR-TB) và siêu kháng thuốc (XDR-TB), nó cũng tạo ra nguồn lây những chủng vi khuẩn lao kháng thuốc trong cộng đồng.

Cũng theo báo cáo trên, lao kháng đa thuốc đang là mối đe dọa nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng với ước tính khoảng 500 ngàn người mắc năm 2017.

Tại Việt Nam, bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Nước ta vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và  đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Chỉ tính riêng năm 2017, cả nước đã có 124 ngàn người mắc, trong đó gần 5 ngàn trường hợp lao kháng đa thuốc và trên 12 ngàn người chết vì bệnh lao. Theo WHO, ở nước ta có 4,1% số bệnh nhân lao mới và 17% số bệnh nhân có tiền sử điều trị lao từ trước bị lao kháng đa thuốc.

Mặc dù điều trị bệnh lao hiện nay được Nhà nước miễn phí, song tổn hại do mắc bệnh lao vẫn rất nhiều. Theo báo cáo năm 2019 của Chương trình chống lao quốc gia, 64% số bệnh nhân lao thường và 98% số bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc bệnh lao. 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung, do đó đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Ở Đồng Nai, UBND tỉnh và Sở Y tế rất quan tâm công tác phòng chống bệnh lao và lao kháng thuốc, đồng thời giao Bệnh viện phổi đồng Nai làm đầu mối cho các hoạt động này. Năm 2015, bệnh viện đã triển khai thu dung điều trị và quản lý bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Bệnh viện cũng đã ứng dụng các trang thiết bị tiên tiến trong chẩn đoán bệnh lao, đó là máy nội soi phế quản, kính hiển vi huỳnh quang đèn LED, máy xét nghiệm GenXpert có thể chẩn đoán bệnh lao và lao kháng thuốc trong 2 giờ; máy cấy vi khuẩn lao trong môi trường lỏng MGIT làm giảm thời gian trả kết quả từ 6-8 tuần xuống còn 2 tuần. Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới, riêng năm 2018, bệnh viện đã phát hiện và thu dung điều trị cho 98 bệnh nhân MDR-TB (tăng 29 ca bệnh so với năm 2017), điều trị khỏi cho trên 70% số bệnh nhân MDR-TB thu dung từ năm trước.

Bệnh lao thông thường thời gian điều trị từ 6-12 tháng tùy theo thể bệnh, lao kháng thuốc điều trị rất khó khăn và phải mất từ 9-20 tháng.

Để ngăn ngừa bệnh lao và lao kháng thuốc, bên cạnh áp dụng các biện pháp phòng bệnh thông thường như: tiêm chủng BCG cho trẻ sơ sinh, cải thiện môi trường thông thoáng, dinh dưỡng và làm việc hợp lý, trong điều trị bệnh lao phải tuân thủ nguyên tắc điều trị, đó là: phối hợp các thuốc chống lao, phải dùng thuốc đúng liều, phải dùng thuốc đều đặn, phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì.

BS CKII Nguyễn Ngọc Khánh

(Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích