Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng giá nhiều dịch vụ y tế

09:09, 08/09/2019

Hai Thông tư số 13 và 14 do Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngoài phạm vi bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc đã có hiệu lực...

Hai Thông tư số 13 và 14 do Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngoài phạm vi bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc đã có hiệu lực cách đây nửa tháng.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Theo đó, những người có bảo hiểm y tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều và ngược lại. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm khi giá các dịch vụ y tế tăng chính là chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.

* Tăng giá khám bệnh, giường bệnh, kỹ thuật

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, dự kiến trong tháng 10-2019, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Trước ngày 20-8-2019, giá khám bệnh tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 37 ngàn đồng/lần khám. Nay, theo thông tư mới, giá khám bệnh tại các bệnh viện này tăng thêm 1,7 ngàn đồng/lần khám. Tại Đồng Nai hiện có 2 bệnh viện hạng I là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Tương tự, tại các bệnh viện hạng II, hạng III như: Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, các trung tâm y tế tuyến huyện, các bệnh viện tư nhân tăng giá khám bệnh thêm 1,5 ngàn đồng/lần khám. Các bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã cũng tăng giá khám thêm 1,5 ngàn đồng/lần khám, từ 26 ngàn đồng lên 27,5 ngàn đồng.

Bên cạnh những dịch vụ mà bảo hiểm y tế chi trả, còn có một số dịch vụ ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cũng được điều chỉnh tăng giá. Cụ thể như: giá dịch vụ khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa, khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) tăng từ 145 ngàn đồng lên 160 ngàn đồng. Giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động cũng tăng từ 420 ngàn đồng lên 450 ngàn đồng.

Giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác cũng tăng. Cụ thể, giá giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt là 782 ngàn đồng/ngày (tăng 29 ngàn đồng so với trước đây). Giá giường bệnh tại bệnh viện hạng I tối đa là 705 ngàn đồng/ngày, ở bệnh viện hạng II là 602 ngàn đồng/ngày.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, thực hiện theo quy định tại Thông tư 13 và 14 của Bộ Y tế, từ ngày 20-8, bệnh viện tiến hành tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, những bệnh nhân nào vào bệnh viện điều trị từ trước ngày 20-8 đến khi ra viện trước hoặc sau ngày 20-8 vẫn được áp dụng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũ. Chỉ những người bệnh tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện từ ngày 20-8 trở đi thì bệnh viện mới áp dụng mức giá mới.

* Nâng cao chất lượng điều trị

Với mức tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới thì những đối tượng bao gồm: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, đối tượng chính sách thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ bảo hiểm y tế... khi đi khám, chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả 100% sẽ không bị ảnh hưởng. Những người có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 5-20% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuy có ảnh hưởng nhưng không nhiều.

Những người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến mà có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Như vậy, với việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh lần này thì đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người không có thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, những người không tham gia bảo hiểm y tế mà sử dụng các loại kỹ thuật cao liên quan đến tim mạch sẽ phải thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khá cao.

Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế. Qua đó giúp các cơ sở y tế có thêm nguồn kinh phí để trả lương theo mức lương mới cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên của đơn vị mình. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm, mong mỏi nhất khi giá dịch vụ y tế tăng chính là chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế. Liệu khi tăng giá dịch vụ y tế thì chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện có tăng theo hay không?

Đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, bệnh nhân N.D.T. (ngụ phường Xuân Bình, TP.Long Khánh) chia sẻ, người có bệnh khi vào bệnh viện thường ít quan tâm đến giá dịch vụ y tế. Đến khi xuất viện, bệnh viện yêu cầu đóng bao nhiêu tiền thì bệnh nhân đóng từng đó chứ cũng không biết là tăng bao nhiêu. “Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là khi vào bệnh viện được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và điều trị bệnh nhanh khỏi. Bên cạnh đó là thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh của cán bộ y tế, làm sao để chúng tôi cảm thấy thoải mái, hài lòng, hết bệnh mà không phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên” - ông T. cho hay.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều