Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm lo đời sống hội viên phụ nữ

10:11, 04/11/2019

Nhiều năm tham gia phong trào phụ nữ tại địa phương, bà Thị Trì (dân tộc Chơro, Phó chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) rất quan tâm chăm lo đến đời sống chị em, nhiều trường hợp được bà giúp đỡ nay đã có cuộc sống tốt hơn trước.

Nhiều năm tham gia phong trào phụ nữ tại địa phương, bà Thị Trì (dân tộc Chơro, Phó chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) rất quan tâm chăm lo đến đời sống chị em, nhiều trường hợp được bà giúp đỡ nay đã có cuộc sống tốt hơn trước.

Bà Thị Trì (giữa) thường dành nhiều thời gian đến tìm hiểu cuộc sống của các hội viên, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm cách giúp đỡ cho họ. Ảnh: Nhân An
Bà Thị Trì (giữa) thường dành nhiều thời gian đến tìm hiểu cuộc sống của các hội viên, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm cách giúp đỡ cho họ. Ảnh: Nhân An

Bà Thị Trì thường xuyên bám sát địa bàn, không quản ngại khó khăn trực tiếp xuống tận nhà gặp gỡ chị em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm cách giúp đỡ cho họ.

* Chăm lo đời sống

Bà Thị Trì kể, trước đây vùng này còn nghèo khổ, nhà cửa chủ yếu làm bằng tranh, lá và bà con phải đi mò cua, bắt ốc, hái rau kiếm sống qua ngày. Với nhiệm vụ của mình, bà luôn nỗ lực tìm cách giúp đỡ cho bà con. Cụ thể, bà thường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi vận động các nhà từ thiện, mạnh thường quân gần xa về xây tặng nhà tình thương cho những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở; vận động tặng quà cho hội viên khó khăn vào các dịp lễ, tết.

Với những đóng góp tích cực vào công tác Hội, bà Thị Trì thường xuyên nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp lãnh đạo. Mới đây, nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, bà được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai tại hội nghị giao lưu điển hình và tuyên dương cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2019.

Bên cạnh đó, bà Thị Trì còn đem những kiến thức mà mình học được từ các chương trình tập huấn về hướng dẫn cho bà con cách trồng trọt, chăn nuôi dê, bò, đồng thời hướng dẫn chị em cách làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để có vốn làm ăn; phát động mô hình Nuôi heo đất và dùng số tiền đó vào việc giúp đỡ cho những chị em thực sự khó khăn. Ngoài ra, bà còn giới thiệu chị em tham gia các lớp học nghề và xin vào làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp trên địa bàn và vùng lân cận. Nhờ vậy, hiện nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo bà Thị Trì, trước đây, người đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh đông con vì quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ”. Để thay đổi quan niệm của họ, bà đã kiên trì thực hiện phương án “mưa dầm, thấm lâu”. Hằng ngày, bà dành nhiều thời gian xuống địa bàn để tuyên truyền cho bà con hiểu, việc sinh đông con không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế gia đình, việc chăm sóc con cái không đảm bảo. Qua đó, bà vận động bà con là dù trai hay gái thì cũng nên sinh từ 1-2 con. Nhờ vậy, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, hiện các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không còn xảy ra tình trạng sinh con đông nữa. 

Lo cho tụi trẻ nhỏ trong làng bị mù chữ, khi chuẩn bị bước vào đầu năm học mới, bà Thị Trì lại lặn lội đến từng nhà thuyết phục phụ huynh cố gắng cho con em đến trường. Bà còn phối hợp với Ban điều hành ấp đi vận động các nhà từ thiện, mạnh thường quân gần xa về hỗ trợ quần áo, cặp sách, học bổng... cho con em của hội viên có hoàn cảnh nghèo khó. Nhờ đó, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đều đặn và không còn mù chữ như trước đây.

* Nhiều chương trình thiết thực

Trước đây, người dân trong vùng thường có thói quen hay vứt rác sinh hoạt bừa bãi, gây mất vệ sinh, mỹ quan khu dân cư. Từ đó, bà không ngại khó đến từng nhà lựa lời nói khéo để tuyên truyền, vận động bà con bỏ rác thải đúng nơi, đúng chỗ và tham gia đăng ký đổ rác sinh hoạt với dịch vụ môi trường. Bà còn phối hợp vận động chị em tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, tổ chức phát quang, dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường cho sạch sẽ. Ngoài ra, bản thân bà không ngừng nghiên cứu, học hỏi, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nhân rộng các mô hình hiệu quả như: cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật...

Khi đời sống của người dân ấp Bàu Trâm đã ổn định, bà Thị Trì tích cực vận động bà con chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo chương trình nông thôn mới. Nhờ vậy, bộ mặt của ấp Bàu Trâm hôm nay đã có nhiều sự đổi thay, những căn nhà tranh vách lá xập xệ ngày nào đã được thay bằng những ngôi nhà tường gạch kiên cố; các tuyến đường hư hỏng “nắng bụi, mưa lầy” trước đây đã được tráng bê tông chắc chắn, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và đi học của con em được thuận tiện.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bàu Trâm Thổ Thị Thanh Lỳ nhận xét: “Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ xã, bà Thị Trì luôn chấp hành đúng theo sự chỉ đạo của cấp trên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có uy tín đối với chị em phụ nữ dân tộc và cộng đồng. Điều đáng quý nữa, bà còn nỗ lực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên như: tặng quà, giới thiệu vay vốn làm ăn, hướng dẫn học nghề, giải quyết việc làm… Nhiều năm liền, Chi hội ấp Bàu Trâm luôn đạt đơn vị vững mạnh”.

Nhân An

Tin xem nhiều