Báo Đồng Nai điện tử
En

Lựa chọn sách giáo khoa mới: Cần được tiếp cận sớm

11:12, 09/12/2019

Sở GD-ĐT đang gấp rút triển khai cho các cơ sở giáo dục góp ý về dự thảo quy trình chọn lựa sách giáo khoa mới do Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ áp dụng từ năm học 2020-2021...

Sở GD-ĐT đang gấp rút triển khai cho các cơ sở giáo dục góp ý về dự thảo quy trình chọn lựa sách giáo khoa mới do Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ áp dụng từ năm học 2020-2021. Việc có 5 bộ sách giáo khoa khác nhau, thay vì một bộ dùng chung trong cả nước như trước đã khiến không ít trường cảm thấy lúng túng.

Giáo viên Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) giảng bài cho học sinh trong năm cuối cùng sử dụng sách giáo khoa lớp 1 hiện hành. Ảnh: C Nghĩa
Giáo viên Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) giảng bài cho học sinh trong năm cuối cùng sử dụng sách giáo khoa lớp 1 hiện hành. Ảnh: C Nghĩa

Theo Sở GD-ĐT, Sở đang bám sát các bước chuẩn bị về mặt nhân lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên khâu khó khăn và phức tạp nhất vẫn là việc lựa chọn được bộ sách giáo khoa mới phù hợp áp dụng cho năm học đầu tiên triển khai chương trình.

* Coi trọng tính khách quan trong quá trình lựa chọn sách

Vào cuối tháng 11 vừa qua, sau khi công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được lựa chọn áp dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thời hạn cuối cùng để các cơ sở giáo dục phổ thông góp ý vào dự thảo này là ngày 30-1-2020, sau đó Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp gửi về Bộ GD-ĐT.

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, chậm nhất trước 5 tháng khai giảng năm học mới 2020-2021, các trường phải tiến hành bỏ phiếu lựa chọn một trong 5 bộ sách trong danh mục sách đã được công bố để công khai cho giáo viên toàn trường được biết.

Theo dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT, để lựa chọn được một bộ sách giáo khoa cho năm học sắp tới, người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ phải thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình.

Chủ tịch hội đồng chọn sách sẽ do người đứng đầu cơ sở giáo dục đảm nhận, phó chủ tịch hội đồng là cấp phó người đứng đầu, hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn. Đối với thành phần thư ký hội đồng phải là tổ trưởng tổ chuyên môn, còn các ủy viên của hội đồng là các tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa dự kiến sẽ có nhiều thành phần, từ những người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông đến tổ trưởng các bộ môn, giáo viên các môn học, thậm chí là cả Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục cũng được mời tham gia hội đồng. Mỗi hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ có tối thiểu 11 người, nhưng thành phần tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên được quy định rõ phải chiếm 2/3 tổng số lượng thành viên của hội đồng.

Bà Lưu Thị Ngọc Quế, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom cho biết, dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến các cơ sở giáo dục khá chi tiết, quy định rõ về mặt nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn thành viên tham gia hội đồng lựa chọn sách sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Ngay cả Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng được mời, điều đó cho thấy Bộ GD-ĐT đã coi trọng tính khách quan trong quá trình lựa chọn sách, mặc dù chuyên môn để lựa chọn sách giáo khoa không phải phụ huynh nào cũng có.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục, hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Việc lựa chọn bộ sách được các thành viên trong hội đồng bỏ phiếu kín, sách giáo khoa được chọn phải có trên 50% số phiếu của thành viên trong hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Thông tư quy định rõ, kết quả lựa chọn sách phải được cơ sở giáo dục thông báo ít nhất 5 tháng trước khi bắt đầu năm học mới. Như vậy theo quy định này, các trường phải thực hiện việc bỏ phiếu lựa chọn sách trước tháng 4-2020.

* Cần tiếp cận sớm

Chương trình giáo dục phổ thông mới được đánh giá là có nhiều đột phá cho việc dạy và học sắp tới. Một chương trình học sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau để các cơ sở giáo dục đưa ra lựa chọn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc có nhiều bộ sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục lựa chọn tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không dễ dàng, nhất là với những trường có nhiều cấp học.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Sớm tạo điều kiện cho các trường tiếp cận sách giáo khoa mới

Bộ GD-ĐT đã lựa chọn 5 bộ sách giáo khoa mới đầu tiên cho chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Trong quá trình triển khai cho các cơ sở giáo dục  góp ý vào dự thảo hướng dẫn chọn sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT ban hành, Sở sẽ có giải pháp để các trường tiếp cận với các đầu sách, đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về thời gian nghiên cứu trước khi đưa ra lựa chọn. Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường lựa chọn sách theo đúng quy định của Bộ khi thông tư chính thức được ban hành.

Theo hiệu trưởng một trường phổ thông ngoài công lập có tới ba cấp học tại TP.Biên Hòa, việc phải đứng đầu 3 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho từng cấp học sẽ là một nhiệm vụ rất áp lực.

Việc thành lập các hội đồng sẽ phải rất chặt chẽ, các thành viên trong hội đồng đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, kinh nghiệm lâu năm. Các thành viên cũng cần có đủ thời gian tiếp cận và nghiên cứu sâu về từng bộ sách trong danh mục sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, thấy được những ưu, nhược điểm của từng bộ sách, từ đó có thể bỏ phiếu lựa chọn một cách chính xác.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho hay, trong tháng 11 vừa qua, cô là một trong hơn 30 giáo viên cốt cán của huyện được cử đi tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nội dung của chương trình có nhiều ưu điểm, tạo ra hướng mở cho giáo viên trong quá trình truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, cô Hiền cho biết, chỉ những giáo viên cốt cán đi tập huấn thời điểm này mới nắm được chương trình, còn nhiều giáo viên khác cần được tiếp cận sâu, càng sớm càng tốt.

Cũng theo cô Hiền, giáo viên đang rất mong mỏi sớm được tiếp cận với 5 bộ sách giáo khoa mới đã được Bộ GD-ĐT lựa chọn, bởi muốn chọn được sách phù hợp thì cần phải có thời gian nghiên cứu, so sánh các bộ sách với nhau, thậm chí là dạy thử để có những cảm nhận cụ thể. Cô Hiền chia sẻ thêm: “Riêng bộ sách giáo khoa lớp 1 có 5 bộ khác nhau, tổng cộng 32 đầu sách, do đó nếu giáo viên không có đủ thời gian nghiên cứu thì khi đưa ra lá phiếu chọn chính xác đối với các bộ sách là khá khó khăn”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều