Báo Đồng Nai điện tử
En

Mức trợ cấp xã hội hằng tháng cần được điều chỉnh tăng

10:12, 18/12/2019

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ vừa qua, một số ý kiến người dân cho rằng, chính sách bảo trợ xã hội đối với người già, trẻ mồ côi, người khuyết tật là một chính sách nhân văn, giúp các đối tượng này được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, mức trợ cấp xã hội hằng tháng cũng đã áp dụng nhiều năm, cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giá cả ngày càng tăng như hiện nay.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ vừa qua, một số ý kiến người dân cho rằng, chính sách bảo trợ xã hội đối với người già, trẻ mồ côi, người khuyết tật là một chính sách nhân văn, giúp các đối tượng này được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, mức trợ cấp xã hội hằng tháng cũng đã áp dụng nhiều năm, cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giá cả ngày càng tăng như hiện nay.

Người khuyết tật và cả người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật cũng được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong ảnh: Một gia đình chăm sóc người khuyết tật ở phường Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
Người khuyết tật và cả người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật cũng được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong ảnh: Một gia đình chăm sóc người khuyết tật ở phường Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 77 ngàn người được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng, với mức hỗ trợ từ thấp nhất là 300 ngàn đồng/tháng và cao nhất là 750 ngàn đồng/tháng, góp phần giúp nhiều trường hợp kém may mắn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

* Chính sách nhân văn

Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có 6 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó có trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, mồ côi; người cao tuổi; người khuyết tật; người nhiễm HIV...

Ngoài các đối tượng thuộc diện được trợ cấp hằng tháng nêu trên, Nhà nước đã mở rộng đối tượng để có nhiều hơn những trường hợp kém may mắn được hỗ trợ có điều kiện sống tốt hơn. Chẳng hạn như, ngoài đối tượng người khuyết tật thì người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật cũng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (theo quy định trước đây là 85 tuổi)...

Tùy từng hoàn cảnh cụ thể hoặc mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện của đối tượng bảo trợ xã hội mà Nhà nước có những mức hỗ trợ khác nhau.

Tại Đồng Nai, ngoài mức hỗ trợ theo quy định của trung ương, tỉnh còn hỗ trợ thêm cho những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Chẳng hạn, người già từ 80 tuổi trở lên (không có lương hưu) sẽ được trợ cấp 300 ngàn đồng/tháng (trong đó có 30 ngàn đồng do tỉnh hỗ trợ thêm); trẻ nhiễm HIV dưới 4 tuổi thuộc hộ nghèo nhận 750 ngàn đồng/tháng (trong đó có 75 ngàn đồng của tỉnh hỗ trợ thêm)...

Việc hỗ trợ từ chính sách bảo trợ xã hội rất có ý nghĩa với những người già, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Bà Nguyễn Thị Loan (ngụ phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, hơn 15 năm nay, bà không thể đi làm việc vì cả ngày phải chăm sóc người con trai bị tai nạn giao thông liệt cả người, nằm một chỗ. Hằng tháng, 2 mẹ con bà nhận được tiền trợ cấp xã hội 900 ngàn đồng.

Bà Loan tâm sự, dù số tiền trên không đủ để trang trải các chi tiêu trong sinh hoạt nhưng cũng giúp bà yên tâm hơn, vì đó là khoản tiền cố định được nhận hằng tháng để lo cho con. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của nhiều tấm lòng hảo tâm, mẹ con bà cũng sống đắp đổi qua ngày. Đặc biệt, 2 mẹ con bà còn được tặng thẻ bảo hiểm y tế. Khi ốm đau được khám chữa bệnh miễn phí, đó là điều khiến bà yên tâm nhất.

* Cần điều chỉnh tăng mức trợ cấp

Để tiếp tục phát huy những mặt tích cực của chính sách bảo trợ xã hội, tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ vừa qua, nhiều ý kiến người dân cho rằng, cần có sự điều chỉnh tăng mức trợ cấp hằng tháng. Bởi lẽ, những năm qua, giá cả thị trường, viện phí tăng quá nhanh, trong khi mức trợ cấp hiện nay thấp, không bảo đảm cho sinh hoạt hằng ngày và mức này cũng đã áp dụng nhiều năm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho biết, Đồng Nai có số người nhận trợ cấp xã hội hằng tháng khá đông và ngày càng gia tăng (do số người bị khuyết tật có xu hướng tăng bởi tình trạng tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng vẫn còn nhiều). Nhiều năm qua, ngoài mức hỗ trợ theo quy định từ Trung ương, tỉnh cũng đã hỗ trợ thêm cho các đối tượng để đạt mức thấp nhất là 300 ngàn đồng và cao nhất là 750 ngàn đồng. Đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.

Được biết, tại buổi họp về việc thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức vào ngày 6-8, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng nhìn nhận đời sống người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.

“Hiện Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng đang đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh tăng mức trợ cấp xã hội; đồng thời kiến nghị giảm tuổi được nhận bảo trợ xã hội đối với người già từ 80 xuống 75 tuổi. Nếu đề xuất này được thông qua, đời sống của những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được cải thiện hơn” - ông Nguyễn Đức Dũng cho hay.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, toàn tỉnh hiện có  hơn 77 ngàn người được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó có hơn 34 ngàn người già, hơn 29 ngàn người khuyết tật, hơn 12 ngàn hộ gia đình nuôi dưỡng người khuyết tật và hơn 1,3 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Phương Liễu

Tin xem nhiều