Báo Đồng Nai điện tử
En

'Săn' đồ si hàng hiệu cuối năm

10:01, 06/01/2020

Không tập trung thành từng khu lớn như chợ hàng thùng Đông Tác (TP.Hà Nội) hay chợ đồ si (đồ sida) Bàn Cờ, Nhật Tảo (TP.Hồ Chí Minh), các cửa hàng đồ si ở TP.Biên Hòa nằm rải rác tại nhiều chợ hoặc trên những con phố.

Không tập trung thành từng khu lớn như chợ hàng thùng Đông Tác (TP.Hà Nội) hay chợ đồ si (còn gọi là đồ sida) Bàn Cờ, Nhật Tảo (TP.Hồ Chí Minh), các cửa hàng đồ si ở TP.Biên Hòa nằm rải rác tại nhiều chợ hoặc trên những con phố. Đặc biệt từ dịp lễ Giáng sinh đến nay, những cửa hàng đồ si cũng khá tấp nập.

Nhiều người có sở thích “săn” đồ si hàng hiệu vì nhiều hàng độc, lạ, giá cả phải chăng. Trong ảnh: Khách hàng lựa hàng si tại shop đồ si T. (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
Nhiều người có sở thích “săn” đồ si hàng hiệu vì nhiều hàng độc, lạ, giá cả phải chăng. Trong ảnh: Khách hàng lựa hàng si tại shop đồ si T. (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

“Phố” đồ si trên đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) có hàng chục cửa hàng sát nhau, để ngồn ngộn những kiện đồ quần áo, giày dép, túi xách, các phụ kiện (dây lưng, trang sức, mắt kiếng)...

* Đam mê “săn” hàng si

“Săn” đồ si hàng hiệu là sở thích của không ít người. Kinh nghiệm của những “tín đồ” hàng si, muốn “săn” được hàng “chất”, đẹp - độc - rẻ  phải chịu khó lựa hàng, bởi nếu không lựa kỹ sẽ dễ mua nhầm hàng kém chất lượng, lúc đó ranh giới giữa áo quần hàng hiệu và giẻ lau chỉ cách nhau chẳng tày gang.

Tại một cửa hàng bán đồ si trên đường Nguyễn Ái Quốc, chị H.P. (ngụ TP.Biên Hòa), một “tín đồ” hàng si đang cùng nhiều người khác tỉ mỉ lựa từng sản phẩm trên đống đồ second hand (hàng đã qua sử dụng). Có công việc, thu nhập ổn định, chị H.P. hoàn toàn có thể mua những bộ quần áo mới, nhưng chị vẫn thích đi “săn” hàng si không chỉ do sự độc, lạ, hiếm khi đụng hàng mà giá cả của quần áo second hand khá rẻ và hấp dẫn, nhất là trong thời buổi thị trường bão giá như hiện nay.

Với kinh nghiệm “săn” đồ si hàng hiệu đẹp, giá rẻ, chị H.P. “bật mí” một số “chiêu” để khỏi bị mua lầm hàng nhái, hàng độn là đi mua hàng si phải biết qua một số thương hiệu. Ví dụ chọn đầm váy si Nhật Bản nên chọn nhãn hiệu Uniqlo; thích áo choàng, áo khoác, váy thời thượng thì tìm hiệu Chanel; mua giỏ xách nữ thì tìm loại Hermes, Louis Vuitton; quần jean phải tìm hiệu Levi’s, áo thun thể thao phải chọn hàng Lacoste hay giày thì tìm hàng Reebok, Nike, Puma, Adidas…

Chị H.P. chia sẻ, khi đã chọn được món hàng hiệu mình thích thì phải xem nó có phải hàng thật không. Những loại hàng hiệu đã được chủ hàng “mông má” lên bằng cách giặt ủi, đính lại khuy nút, quai khóa bị hư hỏng hoặc đánh bóng lại da, chà sạch đế giày, bít, bốt... thì mình phải kiểm tra tem mác. Hàng hiệu “chất” thường có nhiều loại tem đính kèm ở cổ, hông áo, lưng quần, áo thường có cúc sơ-cua. Sau đó xem đến phần vải lót túi quần áo, túi xách, nếu hàng thật thì tem mác, vải lót cũng sờn cũ, còn vải lót mới thì đích thị hàng nhái, hàng độn.

Nhiều “tín đồ” hàng si cũng rất thích đến hệ thống shop si K.N. trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa), bởi nơi đây hàng về khá phong phú và phần lớn là hàng tuyển, cao cấp. Chị N.T.H. (ngụ TP.Biên Hòa), một khách hàng trung thành với shop bán đồ si K.N. cho biết, tuần nào chị cũng đến đây tìm những hàng hiệu “độc”, lạ.

Chị N.T.H. cho hay, muốn chọn được món đồ ưng ý, phải có thời gian. Theo kinh nghiệm của chị N.T.H., đi chọn hàng si trước hết phải xác định mình mua gì: quần, áo, váy, giỏ hay giày… để tập trung chọn món đồ mình muốn, nếu không sẽ bị phân tâm, nhảy từ hàng nọ qua hàng kia cuối cùng chẳng chọn được thứ gì hoặc lại ôm về một mớ... giẻ lau nhà.

Với những “tín đồ” hàng si quen thuộc như chị H.P. và chị N.T.H. được các cửa hàng đưa vào “danh sách” ưu tiên. Theo đó, các chị luôn được chủ cửa hàng “alo” mỗi khi khui kiện hàng mới để được lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất.

Chị N.T.H. kể, có lần chủ cửa hàng khui kiện hàng giỏ xách, chị “vớ” được chiếc bóp cầm tay hiệu Louis Vuitton với giá chỉ 500 ngàn đồng. Tuy là hàng cũ, nhiều chỗ da bị lấm lem, cái mác LV lặt lìa sắp rụng, nhưng khi đem ra tiệm sửa giỏ “tút tát”, đánh bóng lại da thì “con” Vuitton của chị thể hiện rõ đẳng cấp hàng hiệu bao đẹp, có người nói chị để lại giá 3 triệu đồng nhưng chị không bán. Nếu mua mới, “con” Vuitton này có giá gần ngàn USD” - chị Hương hồ hởi nói.

* May rủi nghề buôn hàng si

Chị T.T., chủ shop đồ si T. (ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), người có hơn chục năm kinh doanh hàng si cho biết, nguồn hàng đều từ các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) với đủ loại quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang, khăn quàng cổ, thậm chí là thảm lau chân... Các mặt hàng này phần lớn được đưa về tập trung ở Thái Lan, Campuchia.

Khách hàng lựa chọn quần áo ở shop đồ si trên đường Hà Huy Giáp (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
Khách hàng lựa chọn quần áo ở shop đồ si trên đường Hà Huy Giáp (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

Trước đây, chị T. phải trực tiếp sang những nước này để lấy hàng về bán, vài lần thành quen nên đã kết nối được với một số chủ hàng người Việt Nam kinh doanh hàng thùng ở các chợ bên Campuchia. Tại các chợ này, ngoài khu vực bán lẻ, phần lớn hàng si bán sỉ theo kiện loại 50kg, 100kg. Mỗi kiện đóng một chủng loại hàng khác nhau như: giỏ xách, giày dép, phụ kiện thời trang, áo thun, áo vải, quần mỏng, quần jean, váy, đầm...

Chị T. cho biết, khi hai bên đã tin tưởng nhau, muốn lấy hàng, chị chỉ cần gọi điện hay nhắn tin báo cho họ số lượng, chủng loại, hàng Âu hay Á, loại đã qua “tút tát” hay nguyên thủy... là họ chuyển về cho mình và giá gốc chỉ từ 4-8 triệu đồng/kiện 50-70kg tùy loại hàng. Còn lấy hàng từ các kho si ở Hà Nội, giá cao  hơn lấy tại kho ở Campuchia khoảng 2 triệu đồng/kiện.

Cũng kinh doanh hàng si có thâm niên, vợ chồng anh N.K., chủ shop si K. ở phường Hố Nai cho biết, nếu lấy hàng nguyên thủy (chưa qua tút tát) rất rẻ, nhưng đi cùng đó là sự may rủi. Nếu may mắn gặp kiện hàng chất lượng thì lời nhiều, nhưng gặp kiện nhiều đồ cũ, hỏng hay hàng lỗi mốt nhiều thì có khi lỗ, phải bỏ công “tút tát”, hàng nước nhất được 60-80 ngàn đồng/chiếc, nước nhì 30-40 ngàn đồng/chiếc và nước cuối là hàng xôn đổ đống 3-10 ngàn đồng/chiếc. Trong các chủng loại hàng si từ Âu, Á về thì hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)... được ưa chuộng hơn vì kiểu dáng, kích cỡ và chất liệu vải phù hợp với người Việt. Nếu “vớ” phải kiện đồ châu Âu, anh K. phải để riêng bán cho người size ngoại cỡ.

“Người buôn hàng hiệu si cũng phải tìm được nguồn cung cấp hàng thùng giá sỉ, có uy tín; thực sự có kinh nghiệm trong chọn mua hàng thùng. Do đó khi lấy hàng, người bán cần kiên nhẫn tìm ra món hàng đẹp, chất lượng như vậy khi bán mới có thể thu hút được người mua” - anh K. chia sẻ.

Theo Wikipedia, quần áo sida là tên gọi của những mặt hàng quần áo, đồ dùng cũ được bán ở Việt Nam từ những năm cuối 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là quần áo cũ do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt là SIDA) viện trợ cho các nước nghèo ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Loại hàng này cũng không liên quan gì đến căn bệnh “sida” HIV/AIDS như nhiều người lầm tưởng.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích