Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện của ''người nhái'' cứu nạn...

04:03, 12/03/2020

Bất chấp dòng nước đục ngầu, lạnh và chảy xiết trên dòng sông Đồng Nai, những "người nhái" là các cán bộ, chiến sĩ của Tổ trực cầu Đồng Nai, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH Công an tỉnh) đã nhiều lần tham gia cứu người, tìm kiếm thi thể, trục vớt tài sản dưới sông.

Bất chấp dòng nước đục ngầu, lạnh và chảy xiết trên dòng sông Đồng Nai, những “người nhái” là các cán bộ, chiến sĩ của Tổ trực cầu Đồng Nai, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH Công an tỉnh) đã nhiều lần tham gia cứu người, tìm kiếm thi thể, trục vớt tài sản dưới sông.

Cán bộ, chiến sĩ Tổ trực cầu Đồng Nai mặc bộ quần áo “người nhái” trước khi tập lặn
Cán bộ, chiến sĩ Tổ trực cầu Đồng Nai mặc bộ quần áo “người nhái” trước khi tập lặn

Giữa trưa những ngày đầu tháng 3, trời nắng nóng gay gắt nhưng trên cầu cảng thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh - nơi đóng quân của Tổ trực cầu Đồng Nai, gần 10 cán bộ, chiến sĩ (đa phần từ 20-30 tuổi) vẫn triển khai tập bơi, lặn theo kế hoạch.

* Thường xuyên đối mặt với nguy hiểm

Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều khoác trên mình bộ trang phục “người nhái” gồm: quần áo, bao tay, giày, bình khí, kính lặn... nặng 30kg. Đây là trang bị đặc biệt giúp người lính có thể duy trì thân nhiệt, bảo vệ cơ thể trong quá trình lặn sâu dưới nước.

Trung úy Nguyễn Văn Hiền, có gần 5 năm công tác ở Tổ trực cầu Đồng Nai cho biết: “Hằng ngày, chúng tôi luân phiên đi luyện tập tại nhiều đoạn sông quanh các cây cầu ở TP.Biên Hòa như: Đồng Nai, An Hảo, Hóa An, Bửu Hòa... với nhiều tình huống khác nhau để tất cả anh em trong đội quen thuộc địa hình và thuần thục các kỹ thuật cứu hộ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu”.

Trong năm 2019, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tham gia cứu nạn 26 vụ (18 vụ nhảy cầu tự tử và 8 vụ đuối nước, trôi sông). Qua đó đã cứu được 5 người thoát chết (chủ yếu tại khu vực cầu Hóa An, cầu An Hảo, cầu Đồng Nai).

Các cán bộ, chiến sĩ của Tổ trực cầu Đồng Nai chia sẻ, việc ngụp lặn dưới nước để đưa người bị đuối nước lên bờ hoặc tìm kiếm thi thể mất tích luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì dưới sông sâu phải đối diện với: dòng chảy xiết, đá ngầm, dị vật trôi theo dòng nước... có khả năng làm những “người nhái” bị thương. Thậm chí trong quá trình lặn, nếu “người nhái” quên giảm áp (điều chỉnh bình khí cho phù hợp áp suất cơ thể với môi trường) cũng sẽ tự làm bản thân bị thương, chảy máu từ mũi, tai...

 “Gặp những trường hợp đó, tự mỗi người lính phải biết cách xử lý vì dưới sâu mặt nước, không ai thấy ai, không ai giúp được ai nên chỉ cần một người rối loạn là cả đội hình lặn sẽ loạn theo. Do đó, công việc luyện tập hằng ngày rất quan trọng, giúp mỗi người lính phòng ngừa những nguy hiểm và tự giải quyết mọi rắc rối dưới nước” - trung úy Hiền nói.

Khi những “người nhái” đã lặn xuống nước chỉ có thể liên hệ với chỉ huy trên cano qua sợi dây thừng nối giữa 2 người. Ngoài ra, người chỉ huy cũng có thể nhìn qua bọt khí nổi lên rồi từ đó dùng dây thừng ra tín hiệu cho chiến sĩ bên dưới. Để thành thạo cách gửi - nhận tín hiệu, cách xử lý tình huống khi trước mặt là dòng nước tối tăm... cần có sự rèn luyện lâu dài, phối hợp ăn ý giữa người lính và chỉ huy.

Thông thường, để trở thành “người nhái” CNCH dưới nước, sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, những chiến sĩ này còn cần thêm khoảng 2 tuần rèn luyện liên tục dưới nước mới có thể tham gia CNCH.

* Hết lòng với công tác CNCH

Ngoài khả năng bơi lội tốt, yếu tố quan trọng nhất để trở thành “người nhái” CNCH chính là lòng dũng cảm. Bởi môi trường làm việc của những người lính CNCH ở Tổ trực cầu Đồng Nai chủ yếu là dưới lòng sông, trên mặt nước, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, nhất là vào dịp mưa bão, những ngày nước chảy xiết.

Một chiến sĩ của Tổ trực cầu Đồng Nai thực hành tập lặn hằng ngày
Một chiến sĩ của Tổ trực cầu Đồng Nai thực hành tập lặn hằng ngày

Trong những năm qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Tổ trực cầu Đồng Nai đã không ngại nguy hiểm, lao vào dòng nước dữ để cứu nhiều người nhảy cầu, tìm kiếm các thi thể mất tích và trục vớt nhiều tài sản trả lại cho người dân.

Trung úy Đỗ Lê Hòa, có 5 năm công tác tại Tổ trực cầu Đồng Nai nhớ lại, nhiều lần để kịp thời cứu người bị đuối nước, cán bộ, chiến sĩ trong tổ không kịp mặc bộ quần áo người nhái để được bảo vệ tốt hơn mà chỉ kịp đem áo phao, bình dưỡng khí rồi lên cano tới ngay hiện trường. Một số vụ, các chiến sĩ phải lặn ngụp dưới sông vào ban đêm tìm kiếm người đuối nước nhiều giờ liền, gần như kiệt sức.

Trung tá Lê Trí Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH trên sông (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH Công an tỉnh) cho biết, các cán bộ, chiến sĩ ở Tổ trực cầu Đồng Nai đã vượt qua những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, luyện tập..., luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác CNCH, cán bộ, chiến sĩ ở tổ trực và toàn đội tiếp tục đẩy mạnh tập luyện, làm chủ trang thiết bị. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần tiếp tục rèn luyện, nâng cao sức khỏe thể chất, thuần thục các kỹ năng và phối hợp nhịp nhàng để xử lý tình huống CNCH đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể như, vào tối 23-12-2019, tại khu vực P.Hiệp Hòa (dưới chân cầu Bửu Hòa) có 1 học sinh nam (tên N.H.Q., 13 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) bị đuối nước. Tổ trực cầu Đồng Nai đã triển khai lực lượng phối hợp cùng nhiều người làm nghề chài lưới tìm kiếm từ 18 giờ 25 đến 23 giờ 40 cùng ngày mới ngưng. Hay như ngày 14-8-2019, khi nhận được tin báo nạn nhân nam nhảy cầu Hóa An (P.Hóa An, TP.Biên Hòa), tổ trực đã cử 7 cán bộ, chiến sĩ và 2 cano triển khai lặn tìm liên tục 3 giờ đồng hồ (từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 40).

“Thông thường khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi luôn nỗ lực bằng mọi cách phải cứu được người. Nếu bằng các biện pháp nghiệp vụ, huy động mọi lực lượng tham gia cứu hộ mà vẫn không tìm thấy thì mới ngưng. Đến khi kết thúc nhiệm vụ mới cảm nhận cơ thể lạnh buốt, rã rời, chứ lúc làm nhiệm vụ chỉ tập trung công tác tìm kiếm, cứu người dưới nước nên không biết mệt” - trung úy Hòa tâm sự.

Không chỉ làm nhiệm vụ nhận tin báo rồi xuất cano cứu người, tìm kiếm thi thể mất tích, nhiều lần cán bộ, chiến sĩ Tổ trực cầu Đồng Nai còn chủ động triển khai các biện pháp để ngăn ngừa người nhảy sông tự tử. Khi phát hiện hoặc nhận tin báo có người đứng sát thành cầu có ý định nhảy xuống thì cán bộ, chiến sĩ đã triển khai cano sẵn trong bờ, đồng thời cử người lên động viên, khuyên nhủ. Nếu không kịp đến động viên mà nạn nhân đã nhảy xuống sông thì cano ở trong bờ nhanh chóng xuất phát đến nơi đưa nạn nhân lên bờ.

Trung sĩ Nguyễn Văn Minh - người có 2 năm công tác tại Tổ trực cầu Đồng Nai kể lại: “Lần đầu tiên nhảy xuống sông, dù đã được trang bị thiết bị bảo hộ nhưng cảm giác tối om trước mặt, chỉ có 2 tay để mò tìm, mọi người liên lạc với nhau qua một sợi dây nối với cano nên cảm giác rất căng thẳng. Tuy vậy, sau nhiều lần tham gia CNCH, đến giờ tôi không còn cảm thấy lo lắng nữa. Mỗi lần lặn xuống sông để cứu người, tìm thi thể hoặc trục vớt tài sản, tôi chỉ luôn tâm niệm rằng, đang giúp cho người dân tìm được cái họ mong ngóng, thế là chú tâm vào làm thôi, do đó nỗi sợ cũng dần tan biến”.         

Đăng Tùng

Tin xem nhiều