Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân tâm thần

11:03, 13/03/2020

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tiền thân là Nhà thương điên Biên Hòa, thành lập năm 1915 do BS C.Pusat làm Giám đốc.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tiền thân là Nhà thương điên Biên Hòa, thành lập năm 1915 do BS C.Pusat làm Giám đốc.

Bác sĩ, điều dưỡng thăm hỏi tình hình của bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Động kinh của bệnh viện. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ, điều dưỡng thăm hỏi tình hình của bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Động kinh của bệnh viện. Ảnh: H.Dung

Đây là bước khởi đầu quan trọng nhằm thay đổi quan niệm về người “điên” - từ “những người bị ma quỷ ám” gây nguy hiểm cho xã hội sang “người bệnh”, được chăm sóc y tế bài bản.

* Nhiều bước thăng trầm

Năm 1937, Nhà thương điên Biên Hòa đổi tên thành Dưỡng trí viện Nam Kỳ. Thời gian này, nơi đây được mở mang nâng cấp xây dựng theo mô hình bệnh viện với 15 trại nuôi bệnh dành cho những người mắc các rối loạn tâm thần. Đối tượng bệnh nhân gồm một số người nước ngoài (chủ yếu là người Pháp) và phần lớn là người Việt Nam. Các bệnh nhân có sự phân biệt đối xử, giữa người nước ngoài và người Việt Nam, giữa người trả tiền và người không trả tiền.

8 năm sau, Dưỡng trí viện Nam Kỳ được đổi tên thành Dưỡng trí đường Biên Hòa, rồi Dưỡng trí đường Trần Phú. Sau Hiệp định Genève, nơi đây lại được đổi tên thành Dưỡng trí viện miền Nam Việt Nam tại Biên Hòa.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 Võ Thành Đông thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế hoạt động; nâng cao thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế. Đặc biệt, tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện cần đoàn kết hơn nữa để thực hiện mục tiêu: Xây dựng bệnh viện là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng bộ bệnh viện là nhiệm vụ then chốt và nâng cao y đức, văn hóa bệnh viện là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, bệnh viện ngày càng phát triển. Công tác điều trị bệnh nhân tâm thần được thực hiện theo hướng mở. Công tác khám, chữa bệnh được cải tiến. Người bệnh được xét nghiệm cơ bản và được kiểm tra định kỳ. Việc xây dựng phác đồ điều trị, biên soạn tập thông tin y học chuyên ngành tâm thần cũng được các bác sĩ chú trọng hơn trước.

Đến năm 2003, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 như hiện nay với quy mô 840 giường bệnh. Bệnh viện được Bộ Y tế phân công 2 nhiệm vụ chính là điều trị cho bệnh nhân tâm thần tuyến cuối và chỉ đạo tuyến chuyên khoa tâm thần cho các tỉnh phía Nam.

BS Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, hằng năm bệnh viện khám, điều trị và phục hồi chức năng cho hàng ngàn lượt bệnh nhân tâm thần. Qua đó giúp họ trở về cuộc sống bình thường, góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển đất nước.

Ngoài ra, bệnh viện cũng đã kết hợp với các trường đại học, cao đẳng y đào tạo hàng trăm cán bộ y, bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho các tỉnh, thành phía Nam, góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới bác sĩ tâm thần cho cả nước.

* Lấy sự chân thành để giúp đỡ bệnh nhân

Nhiều bác sĩ công tác lâu năm trong lĩnh vực tâm thần chia sẻ, lĩnh vực tâm thần hiện nay rất rộng. Xã hội càng phát triển, càng văn minh thì càng có nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tâm thần. BS CKII.Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và chống độc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho hay, để hiểu rõ tình trạng bệnh và đề ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan đến tâm thần, ngoài kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ tâm thần phải có sự quan tâm cần thiết đến bệnh nhân, chia sẻ, trao đổi, trò chuyện với bệnh nhân như những người bạn. Sự chân thành của bác sĩ sẽ khiến bệnh nhân tin tưởng và trải lòng. Bác sĩ tâm thần không thể khám qua loa rồi kê thuốc cho bệnh nhân là xong, bởi điều đó sẽ không thể đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Cũng theo BS Lợi, việc cấp cứu, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh nặng khó khăn hơn rất nhiều so với những bệnh nhân bình thường. Bởi lẽ, bệnh nhân tâm thần vừa có bệnh nội khoa, vừa không làm chủ được hành vi nên khả năng hợp tác với bác sĩ rất kém. Điều này buộc bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong bệnh viện phải vừa có kiến thức, kỹ năng điều trị chăm sóc bệnh nhân tâm thần, vừa phải có kiến thức đa khoa. Cơ sở vật chất trong các khoa, phòng phải vừa đảm bảo vấn đề cấp cứu cho bệnh nhân, vừa phải quản lý được bệnh nhân, đề phòng bệnh nhân bỏ trốn ra ngoài.

Còn theo BS Nguyễn Giang, Trưởng khoa Động kinh, điều trước tiên cần có đối với mỗi bác sĩ điều trị tâm thần là phải thực sự yêu thích công việc mình đang làm, bỏ được định kiến về bệnh tâm thần thì mới có thể giao tiếp, chăm sóc người bệnh được tốt. Một khi bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế còn có định kiến với bệnh nhân tâm thần, khi đó việc điều trị sẽ không đem lại kết quả tốt.

“Khoa Động kinh hiện đang điều trị cho 65 bệnh nhân, trong đó có khoảng 3, 4 bệnh nhân không có người giám hộ, không có địa chỉ gia đình. Tuy nhiên, những bệnh nhân này cùng gần 200 bệnh nhân không có người giám hộ khác đang điều trị tại các khoa của bệnh viện đều được đối xử bình đẳng như nhau về chế độ ăn uống, chăm sóc, điều trị, ngủ nghỉ…” - BS Giang cho hay.

Bà Trần Thị Ngọc Bích, ở TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) đang chăm sóc con tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, con trai bà năm nay 20 tuổi. Sau nhiều năm chữa trị ở bệnh viện tỉnh không khỏi, bà đã đưa con đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Đến nay, sau hơn 1 tuần điều trị, con trai bà được các bác sĩ và nhân viên y tế ở đây chăm sóc tận tình, sức khỏe đã có nhiều tiến triển tốt.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều