Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

09:03, 23/03/2020

Không đơn thuần chỉ là khởi nghiệp hay lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) phải dựa trên những ý tưởng mới, những mô hình mới, những kết quả khoa học công nghệ mới, sau đó phát triển thành doanh nghiệp.

Không đơn thuần chỉ là khởi nghiệp hay lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) phải dựa trên những ý tưởng mới, những mô hình mới, những kết quả khoa học công nghệ mới, sau đó phát triển thành doanh nghiệp.

Thí sinh tham gia vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: H.Yến
Thí sinh tham gia vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: H.Yến

* Vẫn còn mang tính phong trào

Những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách. Trong đó, tháng 5-2018, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023. Mục tiêu chính của kế hoạch từ năm
2018-2023 là đưa chỉ số khởi nghiệp của tỉnh tăng hơn 20%, hỗ trợ 30 dự án khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng 5 dự án ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ (KH-CN)…   

Các doanh nhân có vai trò dẫn dắt việc kiến tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo PGS-TS.Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (Đại học quốc gia TP.HCM), hệ sinh thái khởi nghiệp là môi trường để đào luyện và phát triển nên các doanh nhân khởi nghiệp. Ngược lại, chính các doanh nhân là người có vai trò dẫn dắt việc kiến tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp của một địa phương, quốc gia.

Nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tham gia khởi nghiệp, Sở KH-CN đã tổ chức ngày hội khởi nghiệp ĐMST và tọa đàm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, năm 2019, tỉnh đã tổ chức triển khai và phát động cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST năm 2019. Cuộc thi đã thu hút 26 ý tưởng/dự án tham gia. Ngoài việc tham gia “sân chơi” để giành được giải thưởng, các thí sinh còn được Ban tổ chức cuộc thi mời các chuyên gia, doanh nhân chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, huấn luyện kỹ năng ứng dụng trong kinh doanh.

Sau khi kết thúc cuộc thi, ngoài việc trao các giải thưởng, Ban tổ chức còn kết nối các nhà đầu tư với những dự án khả thi. Trong đó, anh Nguyễn Văn Anh (H.Cẩm Mỹ), chủ dự án xây dựng nhà nuôi chim yến lắp ghép từng phần đã nhận được mức đầu tư 500 triệu đồng thông qua sự kết nối này.

Tuy nhiên, các hoạt động khởi nghiệp trong tỉnh thời gian qua vẫn mang tính phong trào, chưa thật sự hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST còn ít và gặp nhiều khó khăn như: ý tưởng khởi nghiệp còn hạn chế, nguồn lực đầu tư không có, thiếu tính ĐMST, thiếu các dịch vụ hỗ trợ về tiếp cận tài chính, các dịch vụ tư vấn hỗ trợ để có thể thương mại hóa sản phẩm, phát triển doanh nghiệp thành công....

* Xây dựng “hệ sinh thái khởi nghiệp”

Một trong những yếu tố cốt lõi để khởi nghiệp ĐMST thành công là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển. Việc xây dựng hệ sinh thái ĐMST phát triển bền vững sẽ tạo môi trường thuận lợi cho ươm tạo và phát triển các ý tưởng ĐMST. Tuy nhiên, không dễ để tạo lập và xây dựng được hệ sinh thái này. Không dễ nhưng không có nghĩa là không làm được. TP.HCM có thể được xem là một điển hình.

Theo GS-TS.Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Nhờ đó, trong giai đoạn từ 2016-2019, TP.HCM đã có khoảng 30 cơ sở ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp. TP.HCM cũng đã xây dựng được hơn 10 không gian làm việc chung, 40 quỹ đầu tư, trên 125 phòng thí nghiệm, 280 tổ chức KH-CN, 9 ngàn doanh nghiệp lớn, hơn 200 chuyên gia cố vấn khởi nghiệp... Hơn 70 trường đại học cũng nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Một số hoạt động đã được TP.HCM chú trọng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST gồm: hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp; đẩy mạnh hoạt động liên kết trường - viện với doanh nghiệp trong các hoạt động KH-CN và ĐMST.

Tại Đồng Nai, Sở KH-CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 22-8-2018 về việc thành lập Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023. Sự hình thành của Hội đồng tư vấn, điều phối các mạng lưới khởi nghiệp nhằm tiếp nối hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Hội đồng này cũng quản lý và điều phối chung các hoạt động khởi nghiệp ĐMST một cách đồng bộ, tập trung. Từ đó có thể tạo được sự lan tỏa nhằm thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

Cùng với đó, Đồng Nai đã xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai (www.startupdongnai.gov.vn) và kết nối cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia để cung cấp thông tin, chính sách, pháp luật, nguồn nhân lực, các giao dịch đầu tư... Ngoài ra, Đồng Nai cũng tổ chức các lớp đào tạo nhận thức về khởi nghiệp ĐMST, trong đó ưu tiên đào tạo các nhóm đối tượng là đoàn viên thanh niên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh...

Một trong những giải pháp được Sở KH-CN đưa ra và sẽ thực hiện trong năm 2020 nhằm thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST là: nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các chính sách để phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ, thu hút đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Hải Yến

Tin xem nhiều