Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt việc cung cấp dịch vụ và sử dụng internet

11:03, 10/03/2020

Từ ngày 15-4 tới, Nghị định 15/2020/NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là trên lĩnh vực internet có thêm nhiều quy định mới, chi tiết hơn đối với người kinh doanh và người sử dụng internet - trò chơi điện tử công cộng.

Từ ngày 15-4 tới, Nghị định 15/2020/NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là trên lĩnh vực internet có thêm nhiều quy định mới, chi tiết hơn đối với người kinh doanh và người sử dụng internet - trò chơi điện tử công cộng.

Một điểm truy cập internet tại TP.Long Khánh
Một điểm truy cập internet tại TP.Long Khánh

Ngoài tăng cường công cụ giám sát, xử phạt vi phạm trên lĩnh vực internet của cơ quan quản lý nhà nước, nghị định mới còn được kỳ vọng sẽ hướng người sử dụng internet xử sự có văn hóa hơn trong không gian mạng.

* Tăng nội dung xử phạt và mức phạt

Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm: không ghi sổ đăng ký kinh doanh đại lý internet trên biển đại lý internet; không ghi tên doanh nghiệp hoặc không ghi số giấy phép cung cấp dịch vụ internet của doanh nghiệp trên biển hiệu của điểm truy cập internet công cộng; không thể hiện đầy đủ các hành vi bị cấm theo quy định trong nội quy sử dụng dịch vụ internet; không niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ internet theo quy định đều bị xử phạt với số tiền tăng hơn so với trước kia. Nếu nghị định cũ quy định mức phạt chỉ từ 200-500 ngàn đồng thì với nghị định mới mức phạt tăng lên từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng.

Nghị định cũ chỉ quy định chung là nếu đại lý internet cho phép khách hàng sử dụng internet tại tiệm vào hành vi cấm thì bị xử phạt. Mức phạt cho hành vi này là từ 5-10 triệu đồng, đồng thời hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Tuy vẫn giữ nguyên mức xử phạt song nghị định mới đã bổ sung, làm rõ thêm nội dung: Đại lý internet tổ chức, cho khách hàng sử dụng dịch vụ internet vào mục đích bị cấm thì bị xử phạt. Bên cạnh đó, trước đây đại lý internet sẽ bị phạt nếu không tính đúng giá cước cho người chơi như trong hợp đồng với nhà cung cấp thì nay nghị định mới chỉ quy định xử phạt với hành vi tính giá cước cao hơn.

Ngoài ra, nghị định mới cũng bổ sung nội dung: Hành vi cho phép người sử dụng internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim vào mục đích có tính chất tội ác, tệ nạn xã hội, sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng và đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Đây là nội dung mới được đưa vào khung xử phạt bên cạnh nội dung để người sử dụng internet truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung cờ bạc, đồi trụy, mê tín dị đoan.

Theo Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga, một điểm mới nữa trong nghị định lần là quy định xử phạt vi phạm đối với người chơi. Cụ thể, ngoài giữ nguyên phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký không đúng thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi điện tử G1 (trò chơi điện tử công cộng), nghị định mới tăng nặng mức phạt không chấp hành giờ chơi tại đại lý internet với số tiền phạt từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng thay vì chỉ từ 200-500 ngàn đồng như trước đây.

Đồng thời, nghị định mới cũng đưa ra mức phạt tiền từ
2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia; mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng.

* Kỳ vọng tạo sự văn minh trên không gian mạng

Theo thống kê của Sở TT-TT, Đồng Nai hiện có 1.369 điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. So với năm 2018, số điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng giảm 20% (năm 2018, tỉnh có 1.642 điểm truy nhập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng).

Theo Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga, trong năm 2019, qua thực hiện công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm, Sở đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra tại 17 điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Đồng thời tại các địa phương cấp huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh kiểm tra đối với 768 điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Thanh tra viên Phòng Thanh tra Sở TT-TT giám sát hoạt động của điểm truy cập internet trên địa bàn tỉnh thông qua phần mềm quản lý hệ thống internet. Ảnh: Văn Truyên
Thanh tra viên Phòng Thanh tra Sở TT-TT giám sát hoạt động của điểm truy cập internet trên địa bàn tỉnh thông qua phần mềm quản lý hệ thống internet. Ảnh: Văn Truyên

Qua đó, cơ quan chức năng đã nhắc nhở 112 điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Ngoài ra, còn xử lý vi phạm hành chính 85 điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng với tổng số tiền 233 triệu đồng, tặng 7 điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng vi phạm so với năm 2018.

Bà Giang Thị Thu Nga nhấn mạnh,  điểm vi phạm thường thấy ở phần lớn các điểm truy cập internet công cộng và điểm có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thường sử dụng phần mềm khống chế thời gian trên máy chủ, sử dụng 2 đường truyền, 2 máy chủ để đối phó với Đội Kiểm tra liên ngành 814 khi tiến hành kiểm tra đối với lỗi hoạt động quá giờ quy định. Hay cố tình sử dụng các công cụ phần mềm xóa nhật ký website, khách hàng truy cập ngoài giờ quy định lưu trên hệ thống quản lý của cơ sở. Không cập nhật đầy đủ thông tin khách hàng.

Một số cơ sở quản lý không chặt chẽ để khách truy cập vào các trang web có nội dung không lành mạnh. Khi phát hiện cơ quan chức năng kiểm tra, chủ cơ sở khóa cửa, tắt đèn phòng máy đồng thời báo cho các chủ cơ sở khác biết để ngưng hoạt động. Do vậy, việc Nghị định 15/2020/NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó có nội dung liên quan đến hoạt động internet là rất cần thiết. Đây được xem là giải pháp nhằm nâng cao ý thức người sử dụng internet nói riêng và người sử dụng mạng xã hội nói chung.

Anh Minh Khánh, chủ đại lý internet M.K. (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Thời gian qua, khi phát hiện khách hàng truy cập vào các trang web không lành mạnh, tôi đều nhắc nhở khách đăng xuất khỏi trang này. Có người chấp hành nhưng cũng có người tỏ thái độ phản ứng lại. Vì vậy, việc quy định cụ thể về lỗi vi phạm dành cho người dùng là rất cần thiết. Tuy nhiên cần có hướng dẫn để xử lý khách hàng vi phạm, bởi khi khách hàng rời khỏi đại lý thì rất khó để xử lý”.          

Ông Nguyễn Đức Dũng (ngụ TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi nhận thấy có một thực tế là phần lớn người sử dụng internet hiện nay ở các điểm truy cập internet công cộng là trẻ vị thành viên. Thời gian qua, liên tục xuất hiện người sử dụng internet, trong đó có không ít trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách tiêu cực gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, cộng đồng. Do vậy, việc tăng cường xử lý vi phạm đối với người sử dụng internet ở điểm truy cập internet là rất cần thiết. Điều này sẽ có tác dụng khiến phụ huynh quan tâm hơn đến việc sử dụng internet của con em mình”.

            Võ Tuyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích