Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm áp lực cho học sinh

09:05, 20/05/2020

Sau thời gian nghỉ học dài ngày, học sinh các cấp đều đã quay trở lại với việc học tập bình thường. Bình thường theo nghĩa là đến trường để học trực tiếp với thầy cô, bạn bè; chứ lịch học, áp lực học tập, kiểm tra thì không thể bình thường được.

1. Sau thời gian nghỉ học dài ngày, học sinh các cấp đều đã quay trở lại với việc học tập bình thường. Bình thường theo nghĩa là đến trường để học trực tiếp với thầy cô, bạn bè; chứ lịch học, áp lực học tập, kiểm tra thì không thể bình thường được.

Học sinh Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đã bố trí cho học sinh ngồi giãn cách 2 em mỗi bàn, các em đều vui vẻ tự tin khi quay trở lại trường học tập
Một lớp học tại Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa)

Về lịch học, trong khi hầu hết các trường đang duy trì lịch học của các khối lớp như trước đây thì một số trường đã phải thay đổi: lớp học 2 buổi chuyển sang học 1 buổi, thời gian học mỗi buổi kéo dài hơn, học thêm cả ngày thứ bảy. Kèm với đó, nhiều trường không tổ chức học bán trú, các cô giáo không nhận học trò về nhà dạy kèm như trước đây… khiến phụ huynh gặp ít nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con. Tất nhiên, những giải pháp này đặt ra là vì sự an toàn chung cho học sinh nên phụ huynh đều đồng lòng phối hợp.

Giai đoạn này, học sinh của tất cả các khối lớp đều phải chịu áp lực lớn về học tập, thi cử. Mặc dù đã có giảm tải chương trình của Bộ GD-ĐT, nhưng do lo lắng học sinh bị hổng kiến thức nên nhiều giáo viên buộc phải soạn thêm các tài liệu hướng dẫn học tập để học sinh tự học các nội dung giảm tải.

Nhiều giáo viên sợ thời gian học trên trường không đủ nên phải tổ chức cả các tiết học online để dạy bổ sung kiến thức cho học sinh. Có giáo viên còn gửi nội dung ghi chép bài mới cho học sinh về nhà tự viết vào vở trước để lên lớp cô và trò có thêm thời gian dạy - học.

2. Vậy có cách nào để có thể đáp ứng được yêu cầu hoàn tất chương trình và kết thúc năm học trước ngày 15-7 mà vẫn không gây áp lực cho cả giáo viên lẫn học sinh? Đây chắc chắn là một  điều rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, nhà trường và gia đình có thể giảm bớt gánh nặng tâm lý này cho học sinh.

Về phía nhà trường, nếu thực hiện tốt việc soạn giảng theo chủ đề, tích hợp liên môn sẽ hiệu quả hơn so với việc soạn giảng theo thứ tự bài học. Phụ huynh vẫn theo dõi, nhắc nhở con học bài nhưng không nên tạo áp lực. Những kiến thức còn thiếu của năm học này có thể được bù đắp dần trong dịp nghỉ hè và vào đầu năm học tới.

Điều quan trọng và vui mừng nhất là, trong hơn 2 tuần hoạt động trở lại, các trường đều nhanh chóng đi vào nền nếp ổn định; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc. Cả nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp tốt trong công tác này. Đặc biệt là, dù phải đối diện với nhiều áp lực học hành, thi cử nhưng các em học sinh đều cảm thấy vui vẻ, phấn khởi khi được đi học trở lại.

Tường Vi

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích