Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020: Chú ý những thay đổi để đảm bảo quyền lợi thí sinh

09:05, 15/05/2020

Thí sinh và cả các trường tham gia tuyển sinh đang gặp không ít khó khăn trước những quy định mới của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được Bộ GD-ĐT công bố mới đây. Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này có một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến năm học 2019-2020 kết thúc muộn hơn dự kiến.

Thí sinh và cả các trường tham gia tuyển sinh đang gặp không ít khó khăn trước những quy định mới của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được Bộ GD-ĐT công bố mới đây. Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này có một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến năm học 2019-2020 kết thúc muộn hơn dự kiến.

Học sinh khối 12 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) đang gấp rút hoàn thành chương trình học kỳ 2 và chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh khối 12 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) đang gấp rút hoàn thành chương trình học kỳ 2 và chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh cho rằng: “Hiện tại các thí sinh đang phải dồn sức hoàn thành chương trình học kỳ 2 và thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên các em có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay cần dành thời gian chú ý và tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh đã có những thay đổi để đảm bảo quyền lợi của mình”.

* Những thay đổi cần chú ý

Thí sinh cần chú ý những nội dung thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2020 so với quy chế Bộ GD-ĐT đã công bố trước đây. Cụ thể, các trường sẽ dừng toàn bộ việc tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Các Sở GD-ĐT sẽ hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển thông qua hệ thống các trường THPT nơi thí sinh đang học, hoặc tại Sở GD-ĐT đối với thí sinh những năm trước đã hoặc chưa tốt nghiệp, năm nay có nguyện vọng thi để tiếp tục xét tốt nghiệp, hoặc thi để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Nắm chắc quy chế để tránh mất cơ hội vào đại học

Dù thời gian này học sinh lớp 12 đang rất áp lực để hoàn thành chương trình học kỳ 2 và chuẩn bị thi tốt nghiệp THTP nhưng các em nên dành thời gian để tìm hiểu kỹ về quy chế tuyển sinh mới. Cần nắm chắc quy chế để tránh mất cơ hội vào đại học.  Các thầy cô cũng nên dành thời gian phù hợp để các em được tiếp cận với thông tin hướng nghiệp, tư vấn cách thức chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở trường của mỗi em.

Một trong những điểm bắt buộc đối với các trường tham gia tuyển sinh đó là phải công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường. Thời điểm tiến hành công khai trước 15 ngày thí sinh đăng ký xét tuyển. Đối với những trường đại học có phương án tuyển sinh riêng thông qua một kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể theo quy định và được Bộ GD-ĐT cho phép.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng giữa các trường, năm nay Bộ
GD-ĐT quy định rất rõ, các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Quy định này sẽ chấm dứt tình trạng một số trường tuyển sinh bằng mọi giá, chẳng hạn đào tạo khối kinh tế nhưng lại tuyển sinh bằng bài thi/môn thi của khối khoa học xã hội, như Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý. Quy chế cũng quy định rõ, các trường không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.

Đối với khối ngành giáo viên và sức khỏe, Bộ GD-ĐT cũng quy định rõ đây là 2 ngành cần có quy định điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Với 2 khối ngành này, trong trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng trường không đủ điều kiện tổ chức lớp học thì trường phải thống nhất với thí sinh phương án giải quyết, có thể chuyển sang học ở ngành khác của trường, hoặc báo cáo Bộ
GD-ĐT giải quyết đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Các trường chỉ gửi giấy báo trúng tuyển khi thí sinh đáp ứng đủ điều kiện tuyển sinh, tuyệt đối không được gửi giấy báo trúng tuyển khi chưa có kết quả xét tốt nghiệp THPT.

Ngoài những quy định được Bộ GD-ĐT công bố trong quy chế tuyển sinh năm 2020, tại hội nghị trực tuyến với các trường đại học, cao đẳng về công tác tuyển sinh năm 2020 tổ chức mới đây, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết: “Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19,  học sinh khối 12 kết thúc năm học 2019-2020 muộn hơn so với mọi năm, do đó Bộ GD-ĐT sẽ xem xét kéo dài thời gian  tuyển sinh năm 2020 đến hết tháng 2-2021. Việc kéo dài thời gian tuyển sinh sẽ đảm bảo cho các trường thuận lợi hơn trong việc xét tuyển, đồng thời thí sinh cũng có nhiều thời gian hơn để đưa ra các quyết định về chọn ngành, chọn trường cho bản thân mình một cách thấu đáo”.

* Quy chế mới tác động ra sao?

Điều mà nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm nhất hiện nay đó là, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn một mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT thì việc xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ như thế nào? Ông Trần Đình Vinh cho biết, dù kỳ thi năm nay mục đích chính là để xét tốt nghiệp, nhưng thực tế Bộ
GD-ĐT vẫn cho phép các trường xét tuyển bằng điểm thi THPT như mọi năm. Tuy nhiên, sẽ có thêm nhiều trường tính toán đến việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào của riêng trường mình. Các kỳ thi đánh giá năng lực này tương tự như Đại học Quốc gia TP.HCM hay Đại học Quốc gia Hà Nội... đã tiến hành nhiều năm nay. Bên cạnh hình thức xét tuyển bằng kết quả bài thi/môn thi thì thí sinh cũng có thể chọn hình thức xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT, điều kiện trúng tuyển sẽ tùy vào từng trường quy định.

Học sinh Đồng Nai tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh tại Trường đại học Đồng Nai vào cuối học kỳ 1 năm học 2019-2020
Học sinh Đồng Nai tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh tại Trường đại học Đồng Nai vào cuối học kỳ 1 năm học 2019-2020

Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, TS Trần Minh Hùng cho biết, vài năm trở lại đây, trường  gặp phải một số tình huống “bất đắc dĩ”, đó là số sinh viên trúng tuyển vào một ngành quá ít so với chỉ tiêu của ngành đó, dẫn tới không thể mở lớp, thậm chí buộc nhà trường phải “đánh trượt oan” thí sinh bằng cách nâng điểm trúng tuyển thật cao. Do đó, năm nay nhà trường sẽ phải rà soát thật chặt chẽ để đào tạo các ngành sư phạm phải gắn với nhu cầu thực tế của xã hội. Những ngành không có nhu cầu cao về số lượng sẽ kiên quyết không tuyển sinh để tránh tình trạng thí sinh  đăng ký xét tuyển dù trúng tuyển nhưng số lượng quá ít không đủ mở lớp, dẫn đến “khó xử” cho cả trường lẫn thí sinh.

Theo tìm hiểu tại một số trường THPT, trước những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh có nhiều điều chỉnh, thí sinh cũng đã thay đổi quyết định của mình. Bà Vũ Thị  Ni Na, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho biết: “Thay vì chọn phương án dùng điểm thi tốt nghiệp THPT xét tuyển như những năm trước, hiện đã có nhiều học sinh khối 12 của trường xin xác nhận kết quả học bạ từ lớp 10 đến hết học kỳ 1 lớp 12 gửi đến các trường để đăng ký xét tuyển vào đại học”.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Thanh Hương, học sinh Trường THPT Trấn Biên
(TP.Biên Hòa) cho biết: “Em muốn đăng ký xét tuyển vào một số trường đại học ở TP.HCM bằng hình thức thi đánh giá năng lực, nhưng rất tiếc những trường này lại không tổ chức thi. Trong khi đó, nếu các trường này xét tuyển như các trường khác, dùng học bạ hay điểm thi tốt nghiệp thì có thể không công bằng giữa các thí sinh”.

TS Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, trường đã phải nhanh chóng thay đổi phương án tuyển sinh theo hướng linh hoạt hơn để bớt đi những khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 và thay đổi của Bộ GD-ĐT trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Thay vì khó tiếp cận với học sinh trong thời gian các em đang phải nỗ lực hoàn thành học kỳ 2, trường đang đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Nhà trường sẽ tuyển sinh bằng nhiều hình thức như xét học bạ, xét kết quả điểm thi tốt nghiệp và xét cả những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực tại các trường khác cho mùa tuyển sinh năm nay.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều