Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể phòng ngừa

09:07, 06/07/2020

Bạch hầu là một loại bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, tuy nhiên bệnh lây lan rất nhanh và thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể phòng ngừa nếu được tiêm chủng đầy đủ vaccine.

Bạch hầu là một loại bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, tuy nhiên bệnh lây lan rất nhanh và thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể phòng ngừa nếu được tiêm chủng đầy đủ vaccine.

Tiêm chủng đầy đủ vaccine để phòng tránh bệnh bạch hầu cho trẻ. Ảnh: M.Liên
Tiêm chủng đầy đủ vaccine để phòng tránh bệnh bạch hầu cho trẻ. Ảnh: M.Liên

* Bệnh gây nhiễm trùng và nhiễm độc

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc (màng giả) ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một loại bệnh vừa gây nhiễm trùng và nhiễm độc.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2019, số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (vaccine 5 trong 1) đạt 82%; trẻ từ 18-24 tháng được tiêm nhắc lại vaccine phối hợp (DPT) bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 (vaccin 3 trong 1) đạt 92%.

Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn này lây nhiễm qua 2 đường chính. Một là, giọt bắn trong không khí, giống như bệnh Covid-19, khi người bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ tiết ra giọt bắn mang theo vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, những người ở gần có thể hít phải và nhiễm bệnh. Mức độ lây lan trong những nơi đông đúc rất cao. Hai là, các vật dụng cá nhân hoặc gia đình người mắc bạch hầu: Những người thân hoặc nhân viên y tế khi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae qua các vật dụng của người bệnh như khăn tay, khăn giấy...  Hay khi chạm vào vết thương hở, bị nhiễm trùng của người bệnh cũng có khả năng lây nhiễm bệnh bạch hầu.

Bệnh thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan hay viêm thanh quản và cũng có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da. Đối với trẻ khi bị bệnh bạch hầu, ngoài những biểu hiện nói trên, trẻ còn khó thở, phải ngồi dậy thở dốc, xuất hiện màng trắng xóa ở lưỡi. 

“Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Vì độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong. Đối với trẻ dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong có thể cao hơn” - BS Phúc nói.

* Tiêm ngừa vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất

Theo BS Phúc, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa vaccine. Do đó, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phối hợp phòng tránh bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch tiêm chủng. Lịch tiêm chủng vaccine phối hợp (vaccine 5 trong 1 gồm có bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib) trong chương trình tiêm chủng mở rộng: mũi 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2: sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3: sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi 4: khi trẻ 18-24 tháng tuổi. Hoặc tiêm chủng dịch vụ vaccine 6 trong 1.

Đối với trẻ em từ 4 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn sử dụng vaccine 3 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà (vaccine Boostrix hoặc Adacel).

“Ngoài ra, người dân cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Nhà trẻ, nơi ở, lớp học cần đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Thực hiện thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời” - BS Phúc khuyến cáo. 

Mai Liên

Tin xem nhiều