Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay tri ân người có công

10:07, 08/07/2020

Song song các chính sách ưu đãi của Nhà nước, người có công, gia đình chính sách trong tỉnh còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng thông qua những hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Song song với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, người có công, gia đình chính sách trong tỉnh còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng thông qua những hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tặng quà cho gia đình chính sách tại TP.Biên Hòa dịp Tết Nguyên đán năm 2020. Ảnh: Văn Truyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tặng quà cho gia đình chính sách tại TP.Biên Hòa dịp Tết Nguyên đán năm 2020. Ảnh: Văn Truyên

Những hoạt động nghĩa tình tại Đồng Nai rất đa dạng và thiết thực. Điều này góp phần thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với những cá nhân, gia đình có công với đất nước. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

* Trân quý người ở lại

Đồng Nai hiện có 1.120 bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), trong số này chỉ còn 55 bà mẹ VNAH còn sống. Thời gian qua, cùng với các chính sách của Nhà nước, sự quan tâm chăm sóc của gia đình, các bà mẹ VNAH luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng. Một trong những hoạt động được duy trì nhiều năm nay là chăm sóc, hỗ trợ hằng tháng cho các bà mẹ VNAH.

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, hiện tỉnh đang quản lý 57.650 hồ sơ người có công và thân nhân người có công, trong đó có hơn 6,7 ngàn thương binh - bệnh binh, hơn 18 ngàn liệt sĩ, trên 17 ngàn người hoạt động kháng chiến... Hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7) năm nay, Sở cùng các huyện, thành phố đang lập danh sách và sẽ tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các bà mẹ VNAH còn thường xuyên nhận được sự thăm hỏi, động viên của các ban, ngành, đoàn thể bằng những hành động thể hiện sự trân trọng, biết ơn. Mẹ VNAH Đỗ Thị Phòng (90 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Mỗi khi tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động lễ lớn, mẹ đều được mời tham dự. Ở sự kiện, mẹ nhận được sự quan tâm của mọi người, nhận hoa và quà do các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố trao tặng. Mỗi dịp lễ, Tết, tỉnh đều tổ chức đoàn đến thăm mẹ và gia đình. Đây là sự động viên, niềm tự hào rất lớn đối với mẹ và gia đình”.

Mẹ VNAH Đặng Thị Liễu (88 tuổi, ngụ ấp 9, xã Gia Canh, H.Định Quán) cho hay: “Tuổi cao, bệnh nhiều nên sức khỏe mẹ yếu. Nhiều năm qua, mẹ phải nằm dưỡng bệnh. Nằm ở nhà buồn nên mẹ mong có người đến chơi. Cũng may là các cháu ở trường học, ở xã, đoàn viên, thanh niên ở huyện thường xuyên đến thăm, tặng quà, trò chuyện giúp mẹ nguôi ngoai phần nào”.

Toàn tỉnh hiện có trên 52,9 ngàn hồ sơ người có công và thân nhân người có công được hưởng chế độ. Trong số này có hơn 13,2 ngàn đối tượng được nhận trợ cấp hằng tháng là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ... Những năm qua, đối tượng người có công, thân nhân người có công luôn nhận được sự hỗ trợ của xã hội thông qua nhiều mô hình đền ơn đáp nghĩa.

Trong đó, mô hình cơ quan, đơn vị tự tiết kiệm dành kinh phí chăm lo cho các gia đình chính sách do Huyện ủy Xuân Lộc triển khai đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện có hiệu quả. Với mô hình này, tùy vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhận phụng dưỡng từ 1-2 gia đình chính sách. Từ số tiền do người lao động đóng góp theo tháng hoặc quý, cơ quan, đơn vị tổ chức đến thăm, dành thời gian trò chuyện và trao tặng quà cho những gia đình có công trên địa bàn huyện. Hiện có 69 cơ quan, đơn vị đang nhận chăm sóc hằng tháng cho 82 gia đình người có công với số tiền đóng góp trên 45 triệu đồng/tháng.

* Không quên người nằm xuống

Trong công tác chăm sóc người có công, gia đình có công, cộng đồng đặc biệt dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ với gia đình liệt sĩ. Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, tỉnh hiện đang quản lý hồ sơ của hơn 18 ngàn liệt sĩ. Những gia đình liệt sĩ luôn nhận được sự tri ân, quan tâm của xã hội  bằng nhiều mô hình đền ơn đáp nghĩa.

Nhiều năm qua tại H.Tân Phú đã duy trì mô hình chăm sóc gia đình mẹ liệt sĩ và thăm các gia đình liệt sĩ vào dịp giỗ. Trong đó, mô hình chăm sóc gia đình mẹ liệt sĩ được Hội LHPN TT.Tân Phú duy trì từ năm 2010 đến nay. Hằng năm, Hội tổ chức đến thăm, tặng quà mẹ liệt sĩ trong dịp Ngày Thương binh liệt sĩ
(27-7), Tết Nguyên đán. Khi mẹ liệt sĩ qua đời, Hội đến hỗ trợ gia đình lo mai táng.

Còn theo bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền, mô hình thăm các gia đình liệt sĩ vào ngày giỗ đã được UBND xã thực hiện từ năm 1995 đến nay. Hiện có 25 gia đình liệt sĩ đang được tri ân bằng mô hình này. Mỗi năm, UBND xã đều dự trù một phần kinh phí để đến thăm các gia đình liệt sĩ vào dịp giỗ để cùng tưởng nhớ đến công ơn của các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì đất nước. Việc làm này của chính quyền địa phương luôn được các gia đình liệt sĩ đón nhận và trân trọng.

Không chỉ các tổ chức, đoàn thể mà nhiều cá nhân cũng có những hành động tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, người có công với đất nước. Nhiều năm qua, cứ đến Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7), ông Nguyễn Nguyên Nhung (cựu chiến binh ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) lại tổ chức ngày giỗ chung, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc ngay tại nhà mình. Trong buổi lễ, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, Hội Cựu chiến binh xã, chi hội cựu chiến binh các ấp, các hội đoàn thể ở xã, ấp cùng dâng hương lên bàn thờ liệt sĩ, ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc.

Cùng với đó, nhiều hoạt động dâng hương, thắp nến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ cũng thường xuyên được Đoàn thanh niên các cấp tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7). Chị Trần Thị Thìn, Bí thư Huyện đoàn Trảng Bom cho hay, đây là một trong những việc làm thể hiện lòng tri ân, biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho đoàn viên, thanh niên.

Văn Truyên

Tin xem nhiều