Báo Đồng Nai điện tử
En

Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp tới cộng đồng

09:10, 19/10/2020

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên những tháng đầu năm nay, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều rơi vào tình trạng khan hiếm máu dự trữ nghiêm trọng.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên những tháng đầu năm nay, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều rơi vào tình trạng khan hiếm máu dự trữ nghiêm trọng.

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện truyền máu định kỳ cho bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện truyền máu định kỳ cho bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh. Ảnh: H.Dung

Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các đợt tiếp nhận máu hiến tổ chức trở lại đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Qua đó, kịp thời bổ sung nguồn máu dự trữ cho các bệnh viện, phục vụ tốt công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh.

* Người dân vui vẻ đi hiến máu

Tại chương trình tiếp nhận máu hiến do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tổ chức mới đây đã thu hút rất đông người dân tham gia.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, Ban tổ chức dự kiến tiếp nhận khoảng 500 đơn vị máu. Để người dân biết và tham gia, Ban tổ chức đã thông báo thời gian, địa điểm tiếp nhận máu hiến trên website của Hội Chữ thập đỏ, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Đến khoảng 8 giờ sáng ngày tiếp nhận máu, đã có hơn 500 người đến Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai để đăng ký hiến máu.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện chia sẻ, hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp. Người hiến máu tình nguyện sẽ được bồi hoàn máu trong trường hợp điều trị bệnh và cần được truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh. Hội Chữ thập đỏ tỉnh kêu gọi và kính mời người dân có tuổi đời từ 18-60, cân nặng từ 45kg trở lên, có đủ sức khỏe tham gia hiến máu tình nguyện để cứu giúp những bệnh nhân cần truyền máu. Trong tháng 10-2020, toàn tỉnh dự kiến vận động tiếp nhận gần 3,5 ngàn đơn vị máu/18 đợt tiếp nhận máu hiến.

Anh Hồ Nhật Tân, 23 tuổi, đang làm việc tại Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết, đây là lần thứ 2 anh tham gia hiến máu. Sau lần đầu tiên hiến máu cách đây vài tháng, anh Tân thấy ăn ngủ tốt, không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe nên khi có bạn rủ đi hiến máu, anh đã không ngần ngại tham gia.

Còn anh Nguyễn Ngọc Hoàng, 35 tuổi, đang làm việc tại một công ty đóng tại Khu công nghiệp Amata bộc bạch, trước đây anh cũng muốn tham gia hiến máu để góp phần cứu chữa những người bệnh cần truyền máu nhưng do không biết lịch hiến máu như thế nào nên không tham gia. Nay khi lên Facebook, thấy bạn bè chia sẻ lịch hiến máu, anh đã lập tức đăng ký và trở thành một trong những người đầu tiên hiến máu trong chương trình.

Trong khi đó, bà Tường Ánh Nguyệt (56 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đến với hiến máu tình nguyện sau khi chứng kiến một bệnh nhân bị bệnh nặng nhưng do bệnh viện thiếu nguồn máu dự trữ, lại là nhóm máu hiếm nên phải nằm chờ rất lâu mới được phẫu thuật. Từ năm 2017 đến nay, đều đặn mỗi năm, bà Nguyệt đều đi hiến máu một lần. Không riêng gì bà, 2 người con của bà cũng nhiệt tình tham gia hiến máu với mong muốn những giọt máu mà mình hiến tặng có thể giúp ích cho một người nào đó, trong một thời điểm nào đó.

* Niềm hy vọngcủa nhiều bệnh nhân

BS CKI Trần Xuân Lam, Khoa Huyết học - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khoa hiện đang theo dõi, điều trị thường xuyên cho hơn 100 bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh. Mỗi tuần, có từ 16-20 bệnh nhân đến khoa để truyền máu, cố định vào các ngày thứ ba và thứ tư. Bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 6 tháng đến 19 tuổi.

“Bệnh tan máu bẩm sinh không thể điều trị dứt điểm mà phải điều trị suốt đời. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở thể nặng phải được truyền máu và thải sắt định kỳ hoặc tùy thuộc vào tình hình sức khỏe cũng như chỉ định của bác sĩ mới có thể duy trì sự sống. Do đó, nguồn máu dự trữ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người bệnh tan máu bẩm sinh. Nếu không được truyền máu kịp thời, người bệnh sẽ bị suy tim và dẫn đến tử vong” - BS Lam cho hay.

Là một trong những bệnh nhân điều trị lâu năm nhất tại Khoa Huyết học thần kinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, em Ngô Hồng Ánh Linh (19 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) bộc bạch: “Em luôn biết ơn những người đã tham gia hiến máu tình nguyện để các bệnh viện có nguồn máu dự trữ và truyền cho em mỗi tháng. Nếu không được truyền máu, em sẽ không có cơ hội sống đến ngày hôm nay”.

Là trưởng đoàn tiếp nhận máu hiến của Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy, thường xuyên đến các địa phương để tiếp nhận máu hiến, BS CKII Ngô Lê Đại, Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, Đồng Nai là địa phương có phong trào hiến máu tình nguyện rất tốt. Người dân tham gia hiến máu rất vui vẻ, háo hức, đúng với tinh thần hiến máu tình nguyện.

“Sau khi tiếp nhận máu hiến từ người hiến máu ở các tỉnh, thành, chúng tôi sẽ đem về Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy để xử lý, sàng lọc, bảo quản, sau đó cấp máu lại cho các bệnh viện của 5 tỉnh Đông Nam bộ và phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hằng năm, vào dịp hè và cuối năm, nhu cầu máu dự trữ tại các bệnh viện tăng cao. Do đó, rất mong người dân sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện để giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân khi cần máu” - BS Đại nhấn mạnh.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều