Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiên cứu khoa học góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo

10:10, 28/10/2020

Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực biển đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi là tác giả/đồng tác giả của nhiều cuốn sách, giáo trình, bài báo công bố trong và ngoài nước; làm chủ nhiệm nhiều đề tài và nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH-CN) về biển; tham dự và tham luận ở hàng trăm hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, khu vực và trong nước về biển và đại dương.

Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực biển đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi là tác giả/đồng tác giả của nhiều cuốn sách, giáo trình, bài báo công bố trong và ngoài nước; làm chủ nhiệm nhiều đề tài và nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH-CN) về biển; tham dự và tham luận ở hàng trăm hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, khu vực và trong nước về biển và đại dương.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ T N-MT), hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF).
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ T N-MT), hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF). Ảnh: H.Yến

Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông xoay quanh vấn đề nghiên cứu khoa học về biển, đảo ở nước ta hiện nay.

* Còn hạn chế trong nghiên cứu về biển, đảo

* Dường như số lượng các công bố khoa học về biển, đảo của nước ta còn rất ít. Đó phải chăng là do ngành khoa học biển ở nước ta còn non trẻ, thưa ông? 

- Nói một cách công bằng, khách quan, khoa học biển của nước ta có từ sớm. Chúng ta có Viện Hải dương học (hiện nay) được thành lập từ năm 1923 tại Nha Trang. Năm 1959, ở miền Bắc, Đảng, Nhà nước đã thành lập Đội điều tra hải dương, lần lượt đổi nhiều tên gọi và nay là Viện Tài nguyên và môi trường biển; đồng thời thành lập Viện Địa chất - địa vật lý biển (đều thuộc Viện Hàn lâm
KH-CN Việt Nam).

Hơn 45 năm công tác trong lĩnh vực biển đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đã có nhiều công trình nghiên cứu về khoa học và quản lý biển với khoảng 230 bài báo đứng tên đầu; chủ trì hơn 10 đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước; 57 đề tài, nhiệm vụ cấp ngành và địa phương. Ông cũng là tác giả và đồng tác giả của gần 50 đầu sách, giáo trình được công bố trong nước lẫn quốc tế.

Năm 2008, cùng với việc thành lập Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo cũng ra đời (nay là Viện Nghiên cứu biển và hải đảo) trực thuộc Tổng cục này. Chức năng bao trùm của viện là chuyển thể các tư liệu, thông tin khoa học thành thông tin quản lý phục vụ trực tiếp quá trình hoạch định chính sách...

Nhiều nhà khoa học của chúng ta đã được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên lực lượng này còn mỏng, lại phân tán. Số bài báo công bố quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu biển, môi trường và tài nguyên biển của Việt Nam còn ít, nhưng cũng không phải là quá ít so với tỷ lệ dân số. Song, phạm vi địa lý của các bài báo ấy tập trung chủ yếu giới thiệu các kết quả nghiên cứu ở vùng biển ven bờ (cửa sông, đầm, phá, biển nông...). Điều mà hiện nay chúng ta còn hạn chế và thiếu là các kết quả nghiên cứu khoa học về thực trạng, diễn biến môi trường và tài nguyên biển... ở quy mô toàn Biển Đông.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân của hạn chế nói trên?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên là tiềm lực và đầu tư tài chính cho nghiên cứu KH-CN biển của ta còn hạn chế, chưa tập trung và kế thừa, các lực lượng nghiên cứu biển phân tán, thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả. Ngoài các viện nói trên, nhiều bộ, ngành, trường đại học có liên quan đều lập các viện, trung tâm nghiên cứu biển, đảo.

Thứ hai, tình hình Biển Đông luôn phức tạp, khó lường đã cản trở và ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế về biển. Hoạt động nghiên cứu khoa học biển của nước ta thường tập trung ở vùng biển nông ven bờ và dải ven biển thông qua các chương trình KH-CN biển cấp nhà nước, các đề tài, dự án nghiên cứu của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển và các dự án hợp tác quốc tế.

Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, tàu điều tra nghiên cứu… của ta còn rất hạn chế. Do vậy đến nay, lực lượng nghiên cứu biển của Việt Nam vẫn chưa có tàu nghiên cứu. Tàu nhỏ chỉ đi được vùng ven bờ (cận duyên), nên khi cần phải đi ra vùng biển xa hơn thì các nhà nghiên cứu vẫn phải thuê tàu phù hợp của ngư dân. Tàu nghiên cứu biển, đại dương phải là tàu chuyên dụng, lắp ráp sẵn những máy móc hiện đại, tự động…  mới bảo đảm được độ tin cậy, chính xác của các phép đo tại hiện trường. Ta thuê tàu của ngư dân sau đó lắp ráp thiết bị một cách thủ công nên độ tin cậy của các số liệu sẽ có phần bị hạn chế, ảnh hưởng.

Thứ tư là, trình độ ngoại ngữ hạn chế, các phương pháp và kỹ thuật áp dụng chưa tiên tiến đã ảnh hưởng đến khả năng công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu.

* Cần cơ chế cho tư nhân cùng tham gia

* Ông có thể cho biết, trước thực tế này, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách gì để khuyến khích nghiên cứu, phát triển khoa học biển?

- Tháng 10-2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định 3 khâu đột phá, trong đó khâu đột phá thứ 2 là: Phát triển KH-CN và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu KH-CN tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.

Về giải pháp, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KH-CN tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển.

Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu KH-CN, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình trọng điểm quốc gia về KH-CN biển và các chương trình/đề án cấp ngành liên quan; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc gia. Đầu tư đội tàu nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị tự động khảo sát, đo đạc ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu…

Củng cố lại đội ngũ các cơ quan và các nhà khoa học biển có trình độ cấp khu vực, có kỹ năng nghiên cứu biển; Nhà nước đầu tư tập trung cho các đơn vị nghiên cứu đủ năng lực (không theo chức năng, nhiệm vụ được giao trên giấy), tránh dàn trải như hiện nay.

Chính phủ phải ban hành cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, phân công hợp lý, kế thừa và hỗ trợ nhau thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, có sản phẩm và địa chỉ ứng dụng rõ ràng. Nhà nước cũng tạo cơ chế thuận lợi hơn để mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về biển.

* Vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học nghiên cứu về khoa học biển, cá nhân ông có đề xuất gì về chính sách dành cho nhà khoa học và lĩnh vực nghiên cứu biển, đảo?

- Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì thường xuyên công tác nghiên cứu khoa học biển. Tuy nhiên, mức độ cấp kinh phí và lựa chọn vấn đề nghiên cứu như thế nào là điều cần phải bàn thêm. Theo tôi, tất cả đề tài nghiên cứu biển sử dụng ngân sách nhà nước cần yêu cầu bắt buộc phải có địa chỉ ứng dụng với các sản phẩm cụ thể; phải có bài báo công bố quốc tế. Nếu không đạt được yêu cầu này cần có chế tài (chẳng hạn thu hồi hoặc cắt giảm kinh phí).

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học biển, vì thông qua hợp tác quốc tế, ta sẽ có nguồn nhân lực tốt, hướng đi mới, phương pháp tốt… Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chương trình hợp tác quốc tế riêng về biển. Tôi hy vọng sắp tới chúng ta sẽ có đầu tư đúng tầm.

Sau tất cả, sự nghiệp KH-CN biển nước ta có phát triển được hay không phụ thuộc vào chính các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu KH-CN biển. Các nhà khoa học phải tự khẳng định mình, tự đi bằng đôi chân của mình. Các yếu tố còn lại chỉ là yếu tố hỗ trợ.

Để đội ngũ nhà khoa học biển mạnh, cần giải quyết các vấn đề sau: Thứ nhất, phải có một tổ chức tập hợp được các nhà khoa học để họ phát huy năng lực của mình trở thành sức mạnh tập thể, to lớn hơn. Hiện nay, chúng ta có các viện có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học biển nhưng còn hoạt động tương đối riêng rẽ. Do vậy, các công trình nghiên cứu chưa có tác động mạnh mẽ, thiếu cơ sở dữ liệu “dùng chung”. Vì vậy, bên cạnh tăng cường sự quan tâm về chính sách nghiên cứu khoa học, theo tôi, chúng ta cần phải tái cơ cấu hệ thống các viện nghiên cứu khoa học về biển trên toàn quốc để có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả đích thực trong công tác nghiên cứu biển, đảo thời gian tới.

Thứ hai, bên cạnh cơ chế nhà nước thì phải có cả cơ chế cho tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

* Xin cảm ơn ông!

Hải Yến (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích