Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển giáo dục mầm non gần các khu công nghiệp: Đồng Nai vượt khó đầu tư

09:10, 27/10/2020

Dù gặp áp lực lớn từ tăng dân số cơ học, song Đồng Nai vẫn được xem là tỉnh thực hiện tốt xã hội giáo dục mầm non ở gần các KCN.

Dù gặp áp lực lớn từ quá trình tăng dân số cơ học lên hệ thống giáo dục, song Đồng Nai vẫn được Bộ GD-ĐT đánh giá là tỉnh thực hiện tốt việc xã hội giáo dục mầm non ở địa bàn gần các khu công nghiệp (KCN). Hệ thống trường lớp mầm non dành cho con công nhân từng bước được hoàn thiện, trong đó có những trường trị giá hàng triệu USD đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh thăm một lớp học tại Trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc (P.An Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh thăm một lớp học tại Trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc (P.An Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết: “Cách đây 5 năm, việc công nhân thiếu trường lớp gửi trẻ luôn là nỗi trăn trở lớn của ngành; số nhà, nhóm trẻ chưa được cấp phép ở mức rất cao với 300/500 cơ sở giáo dục mầm non, đặt ra nhiều yếu tố rủi ro về mặt chăm sóc giáo dục trẻ. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của tỉnh và các địa phương, đến nay chỉ còn khoảng 15 cơ sở chưa được cấp phép”.

* Quyết liệt đầu tư cho giáo dục mầm non

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 371 trường mầm non, trong đó trường mầm non công lập là 224 trường và trường mầm non tư thục là 147 trường, mỗi năm toàn tỉnh tăng khoảng 20-30 trường mầm non mới, chủ yếu là các trường mầm non tư thục. Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục phát triển đã góp phần mở rộng quy mô của bậc học, kéo giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời tạo thêm môi trường học tập phù hợp cho trẻ. Nhờ việc xã hội hóa giáo dục đối với bậc học mầm non nên đến nay, nhiều địa phương như TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và H.Long Thành đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu trường lớp ở bậc học này.

Nếu như năm 2015, Đồng Nai có tới 300 nhà, nhóm trẻ có quy mô từ 10 trẻ trở lên chưa được cấp phép hoạt động thì đến nay toàn tỉnh chỉ còn 15 cơ sở chưa được cấp phép. Trong lộ trình đến năm 2022, tỉnh sẽ phát triển đạt con số 341 trường mầm non tư thục để tiếp tục giảm bớt áp lực về nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

Bà Trương Thủy Ngân, Phó trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết, tính đến nay giáo dục mầm non là bậc học thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nhất. Các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư xây dựng và vận hành phục vụ con công nhân lao động của chính doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, còn có nhiều doanh nghiệp tài trợ xây dựng và chuyển giao cho địa phương sử dụng. Ngoài ra, Đồng Nai còn có nhiều trường mầm non tư thục do tư nhân đầu tư có quy mô hiện đại. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các nhà, nhóm trẻ quy mô nhỏ được nâng cấp lên thành trường mầm non tư thục.

Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung các giải pháp phát triển trường mầm non trong KCN và gần KCN, đảm bảo lộ trình đến năm 2022 toàn tỉnh có 341 trường tư thục, đồng thời phấn đấu không còn những nhà, nhóm trẻ tư thục có quy mô lớn vượt quá quy định của Điều lệ trường mầm non, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 trường mầm non được xây dựng ngay trong KCN, 20 trường và 275 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo được phát triển ở gần các KCN.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh chia sẻ, ông có dịp vào Đồng Nai nhiều lần để tìm hiểu hướng đi của tỉnh trong phát triển giáo dục mầm non gần các KCN. Cách làm của tỉnh là khá quyết liệt, có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào giáo dục mầm non. Ông Minh nhấn mạnh: “Tôi rất ấn tượng với mô hình Trường mầm non Những Ngôi Sao Nhỏ của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) hay Trường mầm non Phong Thái tại H.Trảng Bom)… Đây thực sự là những ngôi trường mầm non 5 sao, trong đó Trường mầm non Những Ngôi Sao Nhỏ có kiến trúc xanh độc đáo được cả nước biết đến.

* Linh hoạt theo thực tế

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, việc đầu tư cho giáo dục mầm non, phát triển giáo dục mầm non tư thục là chuyện từng rất khó khăn do những quy định của pháp luật chưa đồng bộ. Chẳng hạn, muốn nâng cấp từ nhà, nhóm trẻ có quy mô lớn vượt quá quy định của Điều lệ trường mầm non lên thành trường mầm non tư thục thì phải có đất phù hợp với quy hoạch, quá trình chuyển đổi rất phức tạp. Tuy nhiên, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xem xét, hỗ trợ các nhà, nhóm trẻ được nâng cấp lên trường khá thuận lợi. Không chỉ tạo điều kiện xem xét linh hoạt về điều kiện đất đai, tỉnh tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các hoạt động xã hội hóa, trong đó có giáo dục.

Trường mầm non tư thục Phong Thái tổ chức dạy kỹ năng cho con công nhân lao động trong dịp hè. Ảnh: Công Nghĩa
Trường mầm non tư thục Phong Thái tổ chức dạy kỹ năng cho con công nhân lao động trong dịp hè. Ảnh: Công Nghĩa

Theo Ban giám hiệu Trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc (P.An Bình, TP.Biên Hòa), hiện nay trường có quy mô khang trang, hiện đại, phục vụ chăm sóc và giáo dục trên 300 trẻ mầm non. Quá trình phát triển để được công nhận thành trường mầm non đã được UBND TP.Biên Hòa tạo điều kiện thuận lợi từ cấp phép đầu tư, cấp phép hoạt động đến kiểm tra, hướng dẫn hoạt động chuyên môn.

Chị Lưu Thúy An, phụ huynh có con gửi tại nhà, nhóm trẻ Thảo Nguyên, P.An Bình cho biết: “Hết 6 tháng nghỉ thai sản tôi phải gửi con đi làm vì không có người thân phụ trông giữ. Trong khi đó, các trường mẫu giáo công lập  không nhận trẻ từ dưới 12 tháng tuổi. Để giải quyết khó khăn, tôi phải gửi con đến các nhà, nhóm trẻ tư thục. May mắn là tại đây con tôi được chăm sóc và phát triển khá tốt”.

Ngoài những mặt thuận lợi, đến nay công tác phát triển giáo dục mầm non, trong đó có trường mầm non tư thục còn không ít khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ. Ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, để tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa đối với bậc học này, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan có sự thống nhất về quy định hướng dẫn cho địa phương thực hiện một cách dễ dàng, tránh bị chồng chéo.  Mặt khác, quỹ đất dành cho xây dựng trường học công lập, cả với bậc học mầm non đã gần hết nhưng một số đơn vị bộ, ngành đóng tại TP.Biên Hòa đang sử dụng quỹ đất khá lớn, có thể xem xét chia sẻ cùng địa phương. Bởi khi xây trường thì không chỉ con em thành phố vào học mà còn có con em của cán bộ, nhân viên các đơn vị đóng chân trên địa bàn cũng được hưởng lợi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, tỉnh đang có nhiều lĩnh vực cần đầu tư với nguồn vốn rất lớn trong điều kiện còn khó khăn. Tuy nhiên, riêng với lĩnh vực giáo dục, tỉnh luôn đặt sự ưu tiên lên hàng đầu, dù khó khăn đến mấy cũng cần phải đầu tư và đầu tư thật bài bản. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở GD-ĐT và các địa phương rà soát lại hoạt động của các trường mầm non tư thục trên địa bàn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia thành lập trường mầm non tư thục, phát triển các nhà, nhóm trẻ tư thục quy mô lớn lên thành trường. Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng các cơ sở giáo dục mầm non, không phân biệt công lập hay tư thục.

Thứ trưởng BỘ GD-ĐT Ngô Thị Minh: Cách làm của Đồng Nai có thể vận dụng ra cả nước

Đồng Nai đã huy động nguồn lực xã hội hóa rất tốt vào đầu tư các trường mầm non tư thục có quy mô lớn, hiện đại do các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, vận hành. Đồng thời, để hỗ trợ giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, không phân biệt công lập hay tư thục, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ hằng tháng từ mức 500-800 ngàn đồng/người. Cách làm sáng tạo của Đồng Nai trong phát triển giáo dục mầm non tư thục có thể nhân rộng ra cả nước, nhất là các tỉnh có nhiều KCN nhưng đang khó khăn vì thiếu trường lớp.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều